14/02/2014 04:35 GMT+7

Phải được học sinh giỏi chứ!

VŨ THỤY PHƯƠNG TRANG
VŨ THỤY PHƯƠNG TRANG

TT - Hôm dự lễ tổng kết học kỳ 1, tôi tình cờ gặp người quen có con đang học lớp 4. Khi hỏi thăm tình hình học tập cháu, tôi nhận được câu trả lời: “Phải đạt học sinh giỏi chứ!”.

Câu trả lời tuy rất nhẹ nhàng, lịch sự nhưng tự dưng cảm giác như một lời phán, hay nói cách khác câu nói đã hình thành trong tâm lý vị phụ huynh ấy một suy nghĩ áp đặt.

Đằng sau hào quang học sinh giỏi quốc gia“Bội thực” thi học sinh giỏi tiểu học

Còn nhớ khoảng chục năm trước, tôi từng ở độ tuổi đó. Lúc ấy học sinh giỏi cũng nhiều, mà thời nào thì ba mẹ chẳng muốn con mình giỏi. Chỉ khác chăng hồi ấy chưa có tình trạng chạy đua hay ganh đua thành tích nhiều như bây giờ, ít nhất là trong tâm lý các vị phụ huynh.

Hồi nhỏ tôi học rất chậm, điểm lúc nào cũng lè tè theo sau các bạn trong lớp. Cô tôi có thằng con trai lúc nào kiểm tra cũng được 8, 9 điểm mà về nhà nhẹ vẫn bị mắng, nặng thì bị đánh đòn tùy theo số điểm chưa đạt trên thang điểm 10, riết rồi việc khai báo điểm số với cậu như một cực hình. Mẹ tôi cũng định áp dụng cách đó để “nâng cao thành tích học tập” cho tôi. Nhưng may mà ngày xưa tôi tiếp thu... chậm quá nên áp dụng “bài” đó cho tôi không chừng lợi bất cập hại. Mẹ tôi đành thôi, cứ để tôi học theo đúng sức mình.

Sau này tốt nghiệp cấp I rồi lên cấp II, cấp III, học lực của tôi so với cậu em họ vẫn rất khả quan, thậm chí nhỉnh hơn. Tôi vui vì không bao giờ áp đặt cho bản thân phải làm những cách đáng buồn để gặt hái thành tích. Có thể không phải lúc nào kết quả cũng viên mãn nhưng nhờ cái bánh xe không tròn trĩnh ấy mà tôi có cơ hội nhìn lại mình, tôi biết mình cần học hỏi và nâng cao kiến thức nhiều hơn.

Học sinh giỏi hay tiên tiến không đáng hổ thẹn. Ta chỉ thấy mặc cảm bởi vì ta luôn tự so sánh và áp đặt phải hơn người khác. Học lực không làm nên con người, không làm nên số phận sau này, cũng không ai soi xét học lực thời tiểu học, trung học để phán xét trình độ của một ứng viên. Nhưng học lực sẽ làm nên nhân cách đạo đức và con người sau này. Vậy tại sao ta không để con em phát triển tự nhiên theo đúng năng lực của mình mà vẫn trung thực, trong sáng như đúng tâm hồn non nớt của các em nhỉ?

VŨ THỤY PHƯƠNG TRANG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên