Đừng biến môn sử thành một thứ khổ sai

NGUYỄN KHẮC PHÊ
NGUYỄN KHẮC PHÊ

TT - LTS: Tuổi Trẻ nhận được bức thư của một bạn đọc ở TP Huế bày tỏ sự bức xúc trước đề thi học kỳ I năm học 2013-2014 môn lịch sử lớp 8.

Trong thư, ngoài việc nêu ra những bất hợp lý của đề thi, bạn đọc “chất vấn” đích danh nhà sử học Dương Trung Quốc. Ngay sau khi nhận được bức thư này (do Tuổi Trẻ chuyển), nhà sử học Dương Trung Quốc đã lên tiếng.

Đừng để học sinh quay lưng với môn sử Yêu môn sử: phải thay đổi cách dạy, cách học “Sách giáo khoa là nguyên nhân làm học sinh ghét môn sử”

iGZY6XDf.jpgPhóng to

Đề thi lớp 8 như đề tài khoa học

Dư luận đã nhiều lần lên tiếng về việc học sinh không thích môn lịch sử, điểm thi môn này thường rất thấp. Có nhiều nguyên nhân, nhưng chỉ qua đề thi học kỳ môn lịch sử lớp 8 của một trường ở Huế vừa qua (xem ảnh), thiết nghĩ các nhà sư phạm, giáo dục có thể dễ dàng nhận ra những điều cần sửa đổi, cả trong nội dung và cách dạy, cách ra đề thi.

Về nội dung, chỉ riêng câu 2 (so sánh Cách mạng Tháng Hai và Cách mạng Tháng Mười 1917) và câu 4 (khủng hoảng kinh tế thế giới 1929-1933, hậu quả và biện pháp giải quyết của các nước tư bản...) có lẽ thí sinh thi đại học cũng khó làm được tốt. Nếu trình bày kỹ thì đây có thể là những đề tài luận án thạc sĩ, tiến sĩ!

Không biết là tôi có đánh giá thấp trình độ phát triển của lớp học sinh 13-14 tuổi không, nhưng theo tôi, ở lứa tuổi này chưa cần (hoặc chưa thích hợp) để phải học nội dung nêu trên, hoặc chỉ cần nhớ một vài điểm cơ bản nhất. Để lên cấp III học không muộn, thậm chí chỉ dành riêng cho sinh viên chuyên ngành sử ở bậc đại học.

Về cách ra đề thi, xem câu 1, tôi xin được hỏi nhà sử học Dương Trung Quốc: Không biết ông có thấy cần thiết bắt một học sinh lớp 8 nhớ cả 10 thời điểm ấy không, và bao nhiêu nhà nghiên cứu lịch sử nhớ được từng ấy thời điểm?

Từ lâu, dư luận và cả ngành giáo dục đã phê phán lối ra đề thi buộc học sinh phải “học vẹt”, vì sao một trường thuộc loại kiểu mẫu ở Huế lại ra một đề thi như vậy?

Nhân đây xin được thử “biến đổi” hai đề thi trên như sau:

Câu 2. Em hãy nêu sự khác nhau và giống nhau giữa Cách mạng Tháng Mười 1917 và Cách mạng Tháng Tám 1945.

Câu 4. Khủng hoảng kinh tế thế giới 1929-1933 và khó khăn của nền kinh tế VN hiện nay có gì giống nhau không?

Hai đề này có thể xem như “đề mở” dành cho học sinh giỏi, trường “kiểu mẫu”, giúp các em quen với việc độc lập suy nghĩ, đối chiếu, liên hệ bài học lịch sử thế giới (và cả lịch sử cận đại VN) với cuộc sống thực tế của đất nước hiện nay; đồng thời cũng có thể là một gợi ý về cải cách nội dung giảng dạy kết hợp lịch sử thế giới và lịch sử VN (lấy lịch sử VN làm trọng tâm với không ít sự kiện quan trọng cần được bổ sung hoặc viết rõ ràng hơn như việc Trung Quốc đánh chiếm Hoàng Sa tháng 1-1974, chiến tranh biên giới phía Bắc tháng 2-1979...).

Tôi không phải giáo viên, cũng không phải nhà sử học, nhưng nhận thấy môn lịch sử quan hệ đến việc hình thành nhân cách, ý thức công dân của học sinh và ngành giáo dục cũng như dư luận xã hội đang quan tâm đến vấn đề giảm tải và thay đổi cách giảng dạy nên mạnh dạn nêu vấn đề trên, nếu có điều gì bất cập, rất mong được trao đổi để sáng tỏ.

Chấm điểm không dễ dù có barem

Tôi đã đọc những góp ý của anh Nguyễn Khắc Phê gửi Tuổi Trẻ về việc ra đề thi sử và có ý muốn hỏi tôi đôi điều. Tôi không phải là một nhà sư phạm, chưa từng giảng dạy môn sử học ở bậc đại học cũng như phổ thông. Tuy nhiên tôi rất quan tâm và có điều kiện theo dõi câu chuyện học sử, thi sử và thi cử nói chung, một đề tài không chỉ thu hút mối quan tâm của những người trong giới giảng dạy môn sử mà của cả toàn xã hội.

Về vấn đề mà anh nêu lên tôi hoàn toàn chia sẻ với nhận xét rằng với những câu hỏi theo kiểu trắc nghiệm thì chỉ buộc các em nhớ các sự kiện ứng với khung thời điểm (ngày tháng năm). Chính tôi đã nhiều lần bày tỏ quan điểm của mình rằng đừng biến môn sử (học sử) thành một thứ khổ sai về trí nhớ, nhất là vào thời đại mà chỉ cần click (nhấp chuột - PV) vào máy tính là có thể cung cấp đầy đủ mọi kiến thức chính xác.

Mới đây giới sử học VN, nhất là giới dạy sử, có cơ hội tiếp xúc với ông chủ tịch Hội Sử học thế giới và có những cuộc trao đổi rất bổ ích về việc dạy sử trong trường phổ thông. Vị khách của chúng tôi cũng nêu vấn đề tương tự và nói rằng nếu chỉ đánh đố về kiến thức dựa vào trí nhớ thì có khi ông ấy cũng có thể thua nhiều bạn trẻ trời phú cho trí nhớ. Vấn đề là mối liên hệ những sự kiện, dữ liệu ấy trong sự vận động “nhân - quả” hoặc có cả những ngẫu nhiên của lịch sử. Qua đó người học hiểu được cái lẽ của sự vận động xã hội.

Đương nhiên những điều đó phải được trình bày theo những phương pháp sư phạm phù hợp với lứa tuổi và phát huy cả những sáng tạo cá nhân của thầy cô giáo. Miễn sao các em thấy hấp dẫn, chịu lắng nghe, động não và mạnh dạn bày tỏ quan điểm của mình. Vì thế cần để các em thảo luận và thầy cô giáo dựa vào đó để điều chỉnh những kiến thức cơ bản cho các em tiếp thu. Phần còn lại là ở sách giáo khoa và một vấn đề rất quan trọng nữa là các công nghệ đa phương tiện hỗ trợ việc dạy và học sử.

Với câu hỏi 1 trong đề thi, theo thiển ý của tôi thì cùng với những dữ liệu về thời gian và nội dung sự kiện tương ứng nên vận động tư duy của các em theo sự sắp xếp trước sau các sự kiện hơn là lắp ghép nội dung sự kiện với khung thời gian. Các em sẽ nhận ra sự vận động của các mối quan hệ theo sự vận động thời gian, chính là lịch sử.

Còn với vấn đề thứ hai mà anh Nguyễn Khắc Phê nêu: so sánh giữa hai cuộc cách mạng. Nếu là nội dung một cuộc thảo luận giữa các học sinh có sự tham gia của thầy giáo thì theo tôi có thể mang lại hiệu quả tốt. Nhưng nếu là một bài thi viết hay trả lời bằng miệng (một chiều) trình bày để thầy giáo chấm điểm thì tôi cũng thấy như anh Phê, nó đáng là một đề tài khoa học vượt rất xa một câu hỏi thi. Và chắc các thầy cô giáo chấm điểm cũng không dễ cho dù có barem để chấm điểm.

Những vấn đề liên quan đến việc dạy, học và thi môn sử quả thật đang đứng trước những thách thức (về sự bất cập) và cơ hội (nhu cầu phải sửa đổi). Vấn đề này đã nhiều lần được đề cập tới và thật sự Bộ GD-ĐT cũng đang cố gắng khắc phục và cải thiện (trong tổng thể các bộ môn khác của chương trình). Hội Sử học (trong đó có Hội Giảng dạy lịch sử) đã có những cam kết sẽ cùng với ngành giáo dục tháo gỡ một cách căn bản theo định hướng chung của ngành giáo dục. Nhưng lời cuối trong bài viết của anh Nguyễn Khắc Phê là lời cảnh tỉnh cũng là lời cổ vũ để mọi người quan tâm đến lĩnh vực biên soạn sách giáo khoa, học, dạy và thi sử.

Thành thật tôi chỉ có thể trả lời như một người ngoại đạo đối với ngành sư phạm liên quan đến bộ môn này. Chân thành cảm ơn anh Nguyễn Khắc Phê và báo Tuổi Trẻ.

NGUYỄN KHẮC PHÊ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên