Phóng to |
Ảnh nhân vật cung cấp |
"Biện pháp nào để chống học lệch cũng chỉ là biện pháp hành chính. Việc cần làm là thay đổi nhận thức của người dạy, người học lẫn người tổ chức thi cử sao cho việc học và thi trở nên bình thường và hiệu quả để các môn thi, các khối thi không còn là “gánh nặng”, là “nỗi ám ảnh” của cả người học lẫn người dạy thì đương nhiên học lệch sẽ bị triệt tiêu"
TS Hồ Văn Thống
Trao đổi với Tuổi Trẻ, TS Hồ Văn Thống nhận định: Việc đổi mới thi là tất yếu, là nhu cầu bức xúc không chỉ của ngành GD-ĐT mà là của cả xã hội vì thời gian qua, rõ ràng thi cử kiểu như chúng ta đang làm vừa nặng nề, gây ra áp lực không chỉ cho người dạy, người học mà có thể nói là toàn xã hội.
Thi ngoại ngữ để cộng thêm điểm: tốn kém
* Ông sẽ chọn phương án nào cho học sinh tỉnh mình dự thi: phương án 1 hay phương án 2 và vì sao?
- Tôi cho rằng cả hai phương án Bộ GD-ĐT đưa ra đều có những mặt được và chưa được. Đối với phương án 1, ngoài hai môn bắt buộc là ngữ văn và toán, việc cho học sinh (HS) tự chọn hai môn trong số các môn vật lý, hóa học, sinh học, địa lý và lịch sử để thi dễ dẫn đến việc HS đăng ký thi hai môn tự chọn thuộc nhóm tự nhiên chiếm tuyệt đại đa số, còn nhóm môn xã hội thì rất ít vì thực tế số hồ sơ đăng ký thi ĐH và CĐ khối C thời gian qua đã cho thấy điều này.
Bên cạnh đó, việc quy định ngoại ngữ là môn thi mang tính khuyến khích - thi chỉ để cộng thêm điểm cần xem lại vì thi thêm môn thứ năm sẽ kéo thêm một buổi thi, dù chỉ tổ chức một buổi thi nhưng chi phí của cả hội đồng thi và HS vẫn phải tốn cho cả ngày (chưa kể đến hội đồng chấm thi môn này); thi chỉ để được cộng thêm điểm thì rất nhiều HS sẽ đăng ký thi vì nếu làm bài tốt sẽ có lợi, ngược lại làm bài không tốt cũng chẳng mất gì.
Đối với phương án 2, thi bắt buộc ba môn ngữ văn, toán và ngoại ngữ và tự chọn hai môn trong số các môn vật lý, hóa học, sinh học, địa lý và lịch sử.
Tôi cho rằng phương án này có cái hay là coi trọng đúng mức vai trò của ngoại ngữ trong tiến trình hội nhập nhưng thực tế cho thấy ngoài bất cập về thời gian, tiền bạc, nếu thi năm môn như đã trình bày ở trên thì còn có một thực trạng đó là trong dạy học ngoại ngữ hiện nay đang có vấn đề về nội dung, chương trình, phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá.
Do vậy trước mắt không nên đưa ngoại ngữ là môn thi tốt nghiệp trong khi chờ đợi việc đổi mới một cách căn bản và toàn diện việc dạy học ngoại ngữ theo đề án dạy học ngoại ngữ mới của Bộ GD-ĐT đi vào thực tế...
Còn nếu muốn khuyến khích HS học ngoại ngữ trong thời gian trước mắt, nên chăng chúng ta xem xét việc cộng điểm khuyến khích cho các em có trình độ chuẩn theo khung tham chiếu châu Âu vì chương trình dạy học theo chuẩn này đảm bảo cho người học về bốn kỹ năng ở mức độ nhất định.
Nếu được quyền chọn phương án để cho HS của tỉnh mình dự thi, tôi sẽ chọn phương án 3 - có nghĩa là vẫn thực hiện thi tốt nghiệp bốn môn, vẫn có môn bắt buộc và tự chọn nhưng có sự điều chỉnh một chút cho phù hợp mà thôi.
* Vậy cần phải điều chỉnh như thế nào, thưa ông?
- Bên cạnh hai môn thi bắt buộc là toán và ngữ văn sẽ quy định HS được chọn môn thi, nhưng các em chỉ được chọn một môn/nhóm môn tự nhiên và xã hội. Cụ thể, các em được chọn một trong số các môn vật lý, hóa học, sinh học và một môn trong nhóm môn lịch sử, địa lý và ngoại ngữ. Như vậy, dù định hướng thi ĐH hoặc CĐ khối nào thì các em vẫn phải quan tâm - ít nhất là đối với một môn ngoài khối mà bản thân dự kiến thi ĐH, CĐ.
Thực hiện quy định này sẽ góp phần hạn chế việc HS học lệch như tôi đã trả lời ở trên. Đồng thời tạo ra sự “cân bằng” nhất định giữa các nhóm môn và đảm bảo tính toàn diện trong kiến thức và kỹ năng của HS, đồng thời cũng là phương án chỉ thi bốn môn ít tốn kém.
Nên giao “gươm lệnh” cho giám đốc các sở
* Tỉ lệ miễn thi tốt nghiệp THPT tối đa 20%, có ý kiến lo ngại tiêu cực sẽ xảy ra?
- Việc xem xét miễn thi cho một bộ phận HS có thành tích học tập, rèn luyện tốt trong quá trình học tập, rèn luyện ở cấp THPT là việc cần và nên thực hiện. Bên cạnh đó nếu đã là HS giỏi thật sự thì nếu cho các em thi là việc “đem dao mổ trâu đi giết gà” vì chắc chắn các em sẽ đỗ mà lại đỗ cao, rất lãng phí cho cả HS và cho cả xã hội.
Về yếu tố chuyên môn thì đây là một trong các biện pháp hạn chế học lệch ở HS, vì để được xếp loại giỏi vào cuối năm học thì HS sẽ phải đầu tư học đều ở tất cả các môn theo quy định đánh giá, xếp loại hiện hành. Để hạn chế tiêu cực, tôi cho rằng cần quy định để được miễn thi, ngoài kết quả học tập giỏi ở toàn cấp THPT, HS phải có một số yếu tố kèm thêm khác (đoạt giải “học sinh giỏi văn hóa, khoa học - kỹ thuật) cấp tỉnh và quốc gia; đoạt giải trong hội thi sáng tạo kỹ thuật thanh thiếu niên, nhi đồng; sáng tạo kỹ thuật do Liên hiệp các hội KH-KT tổ chức hằng năm; thi Olympic tiếng Anh, toán cấp quốc gia...).
Về tỉ lệ, tôi cho rằng không nên quy định cứng nhắc là 20% vì đây sẽ là “gánh nặng” cho các sở GD-ĐT trong việc phân bổ chỉ tiêu phần trăm HS được miễn thi cho các trường THPT vì chất lượng dạy học giữa các vùng miền - thậm chí giữa các trường với nhau trong cùng địa bàn vẫn có sự chênh lệch nhất định.
Nên chăng chúng ta quy định tiêu chuẩn được miễn thi chặt chẽ, khoa học và có tính toán đến yếu tố hạn chế tiêu cực, “chạy điểm”.
Sau đó cứ em nào đạt chuẩn là được miễn thi chứ không nhất thiết là 20% tổng số HS. Tất nhiên là tiêu chuẩn phải có tính “khó” nhất định chứ không phải quá “thoáng” vì sẽ dẫn đến “lạm phát” số HS được miễn thi như đã nói ở trên.
Cuối cùng, bộ nên giao “gươm lệnh” cho giám đốc các sở GD-ĐT để chủ động trong công tác quản lý và chịu trách nhiệm cá nhân trước UBND tỉnh thành và bộ về quyết định cho HS miễn thi của địa phương mình về các sai sót (nếu có) qua công tác thanh tra, kiểm tra - kể cả “tiền kiểm” lẫn “hậu kiểm”.
* TS Hồ Văn Thống: Không nên vội vàng Việc tăng thêm quyền tự chủ, tự quyết định và tự chịu trách nhiệm cho các sở GD-ĐT trong quản lý, điều hành, trong đó có việc tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT là xu thế tất yếu và nên làm. Nhưng không vì nên làm mà làm một cách vội vã vì có thể phản tác dụng. Đến khi nào mà kỳ thi tốt nghiệp THPT trở nên bình thường, chỉ là một kỳ kiểm tra chuẩn kiến thức, kỹ năng cơ bản của HS sau 12 năm học tập và đến khi nào mà điều kiện nhân lực, cơ sở vật chất... của các địa phương đảm bảo được các yêu cầu cơ bản để tổ chức thi tốt nghiệp THPT thì lúc đó giao cũng chưa muộn. Việc cần làm trước mắt hiện nay là điều chỉnh, đổi mới kỳ thi sao cho hiệu quả, nhẹ nhàng chứ không phải là việc ai sẽ tổ chức kỳ thi. |
------------------------------------
* Tin bài liên quan:
Đổi mới thi mới ở bước khởi đầuCải tiến thi tốt nghiệp THPT: giáo viên băn khoăn, học sinh hớn hởTốt nghiệp THPT năm 2014: sẽ chỉ thi 4 môn?Thi tốt nghiệp THPT: 2 môn bắt buộc, 2 môn tự chọn
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận