20/12/2013 14:37 GMT+7

Giảm bạo hành trẻ mầm non: mất bò mới lo làm chuồng?

Hồ Điệp
Hồ Điệp

TTO - Trước thông tin "Bộ GD-ĐT yêu cầu tổng rà soát mầm non ngoài công lập" (TTO 19-12) để chấn chỉnh tình trạng bạo hành trẻ em, nhiều bạn đọc đã bày tỏ ý kiến.

Phải chăng một lần nữa yêu cầu này "minh họa" cho việc... "mất bò mới lo làm chuồng" sau vụ việc đày đọa trẻ tại cơ sở mầm non tư thục Phương Anh (Q.Thủ Đức, TP.HCM) hay câu chuyện đau lòng Đi nhà trẻ không phép, một bé gái nguy kịch?

Liệu cả nước còn bao nhiêu nơi mà con trẻ bị đánh đập tàn bạo như cơ sở mầm non tư thục Phương Anh? Làm sao để giảm thiểu tối đa việc trẻ thơ bị bạo hành bởi những cô giáo vốn vẫn thường được ví như "mẹ hiền"?

Có thể dùng lý do công việc của các cô giáo mầm non quá nhiều áp lực để biện minh cho việc thẳng tay bạo hành trẻ thơ?

Tuổi Trẻ Online trích đăng một số ý kiến bạn đọc.

fxrfnNft.jpg
Hình ảnh "cô giáo" Lê Thị Đông Phương (31 tuổi, quản lý trường mầm non tư thục Phương Anh, Q.Thủ Đức, TP.HCM) bóp cổ một bé trai trong khi cho bé ăn. Đông Phương đã bị Công an Q.Thủ Đức (TP.HCM) khởi tố, bắt tạm giam vì đã có hành vi hành hạ trẻ em - Ảnh chụp từ clip

Vì công việc quá áp lực

Bản thân tôi cũng là phụ huynh nên vô cùng bức xúc trước hành động quá tàn nhẫn, độc ác của hai cô giáo đày đọa trẻ mầm non, nhưng công bằng mà nói đây chỉ là con sâu làm rầu nồi canh thôi. Các bạn thử làm cô giáo mầm non 1 ngày xem sao. Họ quá vất vả, mỗi lớp có hai cô mà trông tới hơn 40 trẻ và hàng ngàn công việc khác như phải dạy giỏi, thi đồ dùng dạy học và núi sổ sách theo yêu cầu từ bộ, sở... trong khi lương quá thấp.

Muốn đổi mới mầm non hay phổ thông thì hãy đổi mới lương trước tiên. Xã hội và phụ huynh hiện nay đòi hỏi ở người thầy quá nhiều, nhưng đã cho họ được gì?

Đừng mãi bưng bít lỗ hổng

Sau mỗi vụ việc vô tình được đưa ra ánh sáng thì nhà chức trách mới đưa ra giải pháp cho chuyện đã rồi. Nếu những lỗ hổng bị bịt kín thì đâu có phát hiện sai phạm đau thấu tim người.

Vẫn còn nhiều đứa trẻ đang trong tình trạng bị hành hạ có thể còn hơn cả những gì clip hành hạ trẻ đã đưa. Hãy chung tay bảo vệ những thiên thần nhỏ bé của chúng ta...

Tội cô giáo 1, tội cơ quan chức năng 10

Trong sự việc hai cô giáo tại cơ sở mầm non tư thục Phương Anh đánh trẻ, mới trông qua thì ta thấy căm ghét hai cô giáo. Nhưng theo tôi, khi cố truy ra nguyên nhân thì không phải lỗi của hai cô ấy 100%. Chỉ có hai người mà chăm sóc, cho ăn uống 2 bữa/ngày cho 22 bé thì công việc ấy không phải là chuyện dễ làm cho bất cứ người đàn bà tháo vát nào.

Câu hỏi là tại sao họ lại phải nhận số em nhiều hơn khả năng họ có thể đảm đương nổi? Có phải vì học phí thấp quá không đủ cho họ chi tiêu? Ai làm việc quá sức lại không bực bội?

Đây không phải là vấn đề của vài cá nhân mà còn là câu chuyện của các cơ quan chức năng. Và hiện nay còn có bao nhiêu trường mầm non trong nước xảy ra việc hành hạ các bé như thế này?

Đừng để đâu lại vào đó

Bạo hành là một hình thức đày đọa tâm hồn trẻ thơ. Liệu sau này ai sẽ bảo đảm trẻ phát triển tinh thần ổn định đây? Thế mới biết tội giết người còn nhẹ hơn tội làm cho cuộc đời chúng sống không ra sống và chết không ra chết. Cơ quan chức năng cần quản lý chặt chẽ chứ không phải đợi báo chí phản ánh, xảy ra chuyện đáng tiếc thì mới họp, lên phương án đi rà soát, điều tra, nắm bắt xong rồi... lại đâu vào đó.

Những cái khó rà soát ở trường mầm non

Việc Bộ GD-ĐT yêu cầu tổng rà soát mầm non ngoài công lập là cần thiết nhưng theo tôi sẽ có một số điểm khó giải quyết được:

- Khi kiểm tra, rà soát thì có trường nào mà không chuẩn bị tốt để ban thanh tra kết luận là "quá tốt"

- Nếu hiện giờ kiểm tra thì tốt, nhưng sau này không tốt thì sao (vì những vấn đề tiêu cực này phát sinh do bản tính con người là chính)?

- Kiểm tra nhưng làm sao kiểm tra chính bản tính của từng cô giáo?

- Người kiểm tra mà không có chuyên môn, bản tính/ quan điểm cũng tương tự cô giáo này thì sao?

Chỉ có thời gian mới khẳng định được tình trạng này có tái diễn hay không. Vậy nên mỗi trường mầm non cần trang bị camera chặt chẽ để phụ huynh quan sát và như thế mới có thể đề cao được tinh thần trách nhiệm của cô giáo. Cái khó là kinh phí và cách làm.

Cần đảm bảo an toàn cho các cháu

Không riêng gì các cơ sở mầm non ngoài công lập, học mẫu giáo công lập tại những nơi không đủ điều kiện cũng mang nhiều hiểm nguy cho các cháu. Tại địa phương tôi, suốt hơn 10 năm qua, các trẻ nhỏ phải học tạm ở nhà dân vì chính quyền không tìm được đất để xây trường mẫu giáo.

Tại đây các cháu phải đương đầu nhiều mối nguy như nhà dân không có hàng rào bảo vệ, có nhiều mương rãnh, không có khoảng cách ly với vườn cây xung quanh cho nên dễ bị muỗi cắn, đặc biệt là ảnh hưởng của thuốc trừ sâu do các vườn cây thường xuyên phun xịt bay vào…

Vô vàn nghịch lý chuyện trẻ đi học

Tôi không thể hiểu được tại sao lại cứ xảy ra những tình trạng đau lòng liên tục về trẻ bị bạo hành ở trường mầm non mà chưa thấy biện pháp nào thật mạnh để ngăn chặn hay giảm bớt?

Hằng năm bao nhiêu người học xong không xin được việc làm nhưng các cơ sở mầm non lại thiếu trầm trọng. Trong khi luật chỉ cho phép mẹ sau sinh được nghỉ 6 tháng thì các cơ sở mầm non công lập lại chỉ nhận trẻ từ 19 tháng. Chưa kể các trường công lập nhận các bé theo thứ tự ưu tiên: các bé có hộ khẩu trên địa bàn phường. Vậy những người nghèo, những người có hộ khẩu tỉnh phải tìm đến thành phố kiếm kế sinh nhai thì thế nào?

Các cơ sở đủ tiêu chuẩn thì thiếu, cơ sở tự phát mọc lên thì không kiểm soát được, những sinh viên tốt nghiệp ngành mầm non sư phạm không xin được việc làm, các em bé có nhu cầu đi học mầm non thì không đủ trường để học? Gần chỗ cư trú có đủ tiêu chuẩn thì không xin được, đi xa thì không thể...

Giờ làm từ 8g30-17g30 thì giờ con đi học từ 7g15-15g30 hoặc 16g. Chỉ những gia đình có người thân rảnh rỗi ở nhà hoặc có người làm... mới đưa đón trẻ được. Còn những người dân nghèo, không đủ điều kiện thì dĩ nhiên cũng chẳng có gì thuận tiện, hợp lý... Thật là vô vàn nghịch lý!

------------------------------------

* Tin bài liên quan:

Đày đọa trẻ mầm nonXem video clip Đày đọa trẻ mầm nonBộ GD-ĐT yêu cầu tổng rà soát mầm non ngoài công lậpBạo hành học sinh mầm non: cách nào hạn chế?Khởi tố, bắt tạm giam hai “cô giáo” đày đọa trẻ mầm nonBóp cổ, gí đầu, lấy khăn bịt mũi, tát vào mặt bé

Hồ Điệp
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên