09/11/2013 12:32 GMT+7

Chuyện thay đổi tựa đề tác phẩm văn học

THÁI HOÀNG (giáo viên Trường THPT Thành Nhân)
THÁI HOÀNG (giáo viên Trường THPT Thành Nhân)

TT - Từ khi thay đổi chương trình mới, sách giáo khoa ngữ văn thay đổi tên của một số tác phẩm văn học dân gian và văn học trung đại ở lớp 10 và 11 của Nhà xuất bản Giáo Dục.

Bên cạnh những sự thay đổi, chú thích - dịch từ Hán - Việt sang thuần Việt phù hợp tên của nhiều tác phẩm (thuật hoài thành tỏ lòng, quốc tộ thành vận nước, Hoàng Hạc lâu thành lầu Hoàng Hạc, Bạch Đằng giang phú thành phú sông Bạch Đằng, sa hành đoản ca thành bài ca ngắn đi trên bãi cát...) thì vẫn có tên một số tác phẩm chưa phù hợp. Có nên chăng khi thay đổi tên như thế này?

Về văn học dân gian, truyện truyền thuyết Truyện An Dương Vương và Mị Châu - Trọng Thủy thay đổi không phù hợp. Truyện An Dương Vương và Mị Châu - Trọng Thủy trước đây có tên là Mị Châu - Trọng Thủy. Tên như vậy vừa ngắn gọn vừa thể hiện được nội dung tác phẩm, đâu nhất thiết phải đặt thêm tên nhân vật An Dương Vương. Hơn nữa đây là truyện truyền thuyết, cần gì phải đặt thêm từ “truyện”. Nếu cho rằng phải đặt như vậy để đầy đủ tên ba nhân vật thì không hẳn là thế, bởi vì còn Triệu Đà nữa. Nếu không có Triệu Đà thì làm sao có truyện.

Về văn học trung đại thì khá nhiều tên thay đổi không phù hợp. Tác phẩm Độc Tiểu Thanh kí (lớp 10) có nghĩa là “Đọc tập thơ (hoặc tập truyện) của nàng Tiểu Thanh”, vậy tại sao lại đặt tựa đề như thế? “Kí” có nghĩa là thể văn tự sự viết về người thật việc thật có tính chất thời sự, trung thành với hiện thực đến mức cao nhất” (Từ điển tiếng Việt - Nhà xuất bản Đà Nẵng, 2004, Hoàng Phê chủ biên). Nếu đã thay từ “độc” thành “đọc” thì cũng nên thay luôn từ “kí” thành “viết”. Tác phẩm Quy hứng (lớp 10) của nhà thơ Nguyễn Trung Ngạn được dịch thành Hứng trở về. Đọc tựa đề thấy thật gượng gạo. Sao không đặt tựa đề hoàn toàn thuần Việt cho phù hợp hơn.

Hứng trở về đặt như thế làm sao nói lên được tâm trạng và sự mong muốn trở về quê hương của nhà thơ? Hứng trở về- đặt như thế có nghĩa là sự nhất thời của nhà thơ, hứng lên nên muốn trở về. Chẳng hạn như tác phẩm Thu hứng (lớp 10) của nhà thơ Đỗ Phủ được dịch là Cảm xúc mùa thu, tựa đề như thế mới toát lên được cảm xúc của nhà thơ về mùa thu. Ở tác phẩm Xuất dương lưu biệt (lớp 11) của Phan Bội Châu được dịch thành Lưu biệt khi xuất dương chẳng khác gì hai trường hợp trên. Như thế cả ba trường hợp này phải chăng là “lấy râu ông nọ cắm cằm bà kia”. Ở tác phẩm Bình Ngô đại cáo đổi thành Đại cáo bình Ngô. Đổi như thế có tác dụng gì? Nó chẳng thay đổi được gì hết (trong khi thay đổi như thế nhưng sách có trang thì viết Bình Ngô đại cáo, có trang lại viết Đại cáo bình Ngô).

Sắp tới chương trình có thay đổi, mong rằng Bộ GD-ĐT cần xem lại những trường hợp này. Nếu bổ sung một số tác phẩm văn học trung đại thì cũng cần xem kỹ trước khi đổi tên, dịch tên cho phù hợp.

THÁI HOÀNG (giáo viên Trường THPT Thành Nhân)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên