30/09/2013 06:00 GMT+7

Oằn lưng với học phí trường tư

MINH GIẢNG
MINH GIẢNG

TT - Đa số các trường đại học (ĐH) ngoài công lập có học phí 10-20 triệu đồng/năm trong khi nhiều trường học phí lên đến 40 triệu, thậm chí gần 80 triệu đồng/năm. Học phí cao, chất lượng đào tạo có cao tương ứng?

Loạn phí trường tưChuyển khỏi trường tư

CrYwufqJ.jpgPhóng to
Thí sinh làm hồ sơ nhập học tại Trường ĐH Hoa Sen - Ảnh: Như Hùng

Các trường ĐH ngoài công lập được tự chủ xác định học phí nên mặt bằng học phí của các trường rất khác nhau. Nhiều trường đưa ra mức học phí cao. Không chỉ vậy, học phí các trường đều đặn tăng lên hằng năm và mức tăng cũng cao thấp khác nhau tùy trường.

Học phí tăng

Tại Trường ĐH Kinh tế - tài chính TP.HCM, mức học phí được thông báo khi bắt đầu tuyển sinh năm 2013 là 7,4 triệu đồng/tháng, chưa kể học phí tiếng Anh. Nếu tính một năm học có 10 tháng thì tổng học phí lên đến 74 triệu đồng/năm. Đây là trường ĐH ngoài công lập có mức học phí cao nhất hiện nay, dù chương trình đào tạo so với các trường ĐH khác cơ bản giống nhau.

Tại Trường ĐH Hoa Sen, học phí cũng rất cao, từ 35-38 triệu đồng/10 tháng đối với chương trình tiếng Việt và từ 41-43 triệu đồng/10 tháng đối với chương trình tiếng Anh. Trường ĐH Quốc tế Sài Gòn: 41-48 triệu đồng/năm đối với chương trình tiếng Việt và 109-119 triệu đồng/năm đối với chương trình dạy bằng tiếng Anh hoặc chuyển tiếp du học. Trường ĐH Tây Đô, Võ Trường Toản thu học phí nhóm ngành y dược ĐH lên đến gần 40 triệu đồng/năm, trong khi cũng với nhóm ngành này nhiều trường chỉ thu ở mức chưa đến 20 triệu đồng/năm. Nhiều trường thu học phí theo tín chỉ thì đơn giá cũng khá cao, dao động 400.000-800.000 đồng/tín chỉ.

Không chỉ thu học phí cao, nhiều trường cũng đều đặn tăng học phí hằng năm. Mức tăng được các trường thông báo là 5-10%/năm. Chẳng hạn, học phí học kỳ I năm học 2012-2013, Trường ĐH Kỹ thuật công nghệ TP.HCM thu 460.000 đồng/tín chỉ bậc ĐH, và đến học kỳ I năm học 2013-2014, học phí một tín chỉ bậc ĐH được nâng lên 520.000 đồng. Như vậy mỗi tín chỉ đã tăng 60.000 đồng. Nếu tính cho một chương trình đào tạo bốn năm với 140 tín chỉ thì học phí khóa sau so với khóa trước tăng đến 8 triệu đồng.

Hay như tại Trường ĐH Hoa Sen, nếu so sánh học phí học kỳ I năm 2011 và học kỳ I năm học 2013, các ngành có cùng số tín chỉ nhưng sau hai năm học phí nhiều ngành đã tăng mạnh. Trong đó, ngôn ngữ Anh từ 16,7 triệu đồng tăng lên 22,6 triệu đồng/học kỳ, truyền thông và mạng máy tính từ 18,6 triệu đồng tăng lên 23,1 triệu đồng/học kỳ, thiết kế đồ họa từ 16,4 triệu tăng lên 23,4 triệu đồng...

Chất lượng có cao?

Các trường được tự chủ xác định học phí và công bố trước khi tuyển sinh. Người học tham khảo và cân nhắc lựa chọn trường học dựa vào điều kiện cụ thể của mình. Vấn đề đặt ra ở đây là với mức học phí cao như vậy, liệu chất lượng đào tạo có cao tương xứng, người học được thụ hưởng các giá trị xứng đáng với số tiền rất lớn mà họ đã bỏ ra?

Chia sẻ về vấn đề này, TS Phạm Thị Ly (ĐHQG TP.HCM) cho biết chất lượng cao đòi hỏi chi phí cao, đó là chuyện chắc chắn. Vấn đề là chi phí cao có đảm bảo cho chất lượng cao hay không, đó mới là câu hỏi. Với những trường trả lương giảng viên cao thì nhiều khả năng thu hút người có năng lực tốt hơn và duy trì chất lượng tốt hơn. Hơn nữa, vấn đề không chỉ là lương giảng viên mà còn là nhiều hoạt động khác hỗ trợ việc đảm bảo chất lượng của nhà trường. Người học phải mua một dịch vụ mà nhiều năm sau mới kiểm nghiệm được giá trị đích thực. Nếu học phí 50-70 triệu đồng/năm có thể mang lại cơ hội việc làm sau này với tiền lương 10-15 triệu đồng/tháng, thì khoản đầu tư đó có thể coi là hợp lý. Tuy nhiên, người học phải chịu rủi ro nhiều với những biến động của thị trường lao động.

PGS.TS Nguyễn Thiện Tống cho rằng chi phí và chất lượng liên quan với nhau chặt chẽ. Vấn đề ở chỗ các trường xác định mục tiêu đào tạo như thế nào. Chẳng hạn có trường thu học phí cao nhiều năm, đầu tư cơ sở vật chất tương đối đầy đủ. Những năm sau, đầu tư ít hơn và số tiền dư ra sẽ nhiều hơn. Vấn đề là họ tái đầu tư hay chia nhau số tiền đó. Thực tế trường ĐH tư ở VN như một công ty cổ phần, chia cổ tức hay tái đầu tư, đưa ra các quyết sách đều nằm trong tay những cổ đông lớn, đóng góp nhiều tiền. Cơ chế cho họ quyền đó, hoặc chia lợi tức hoặc tái đầu tư và mức tái đầu tư ở các trường rất khác nhau. Trong khi ở một số nước, quyền quyết định chính sách của trường tùy thuộc những nhà giáo, những nhân vật có uy tín nhưng không liên quan đến quyền lợi kinh tế của trường. Cái thiếu của hệ thống ĐH tư tại VN là cơ chế để các trường ĐH tư không vì lợi nhuận - toàn bộ số tiền thu được sẽ được tái đầu tư chứ không chia lãi cho cổ đông. Nếu mô hình này phát triển, dù học phí có cao người học cũng yên tâm họ được cung cấp các dịch vụ, chất lượng tương xứng mà không băn khoăn về điều họ thụ hưởng sau khi đóng học phí như hiện nay.

Ở khía cạnh quản lý, phó hiệu trưởng một trường ĐH công lập tại TP.HCM cho rằng mức học phí lên đến 50-70 triệu đồng/năm như vậy là quá cao so với thu nhập bình quân của phần lớn người dân Việt Nam. Ông đưa ra ví dụ, với mong muốn cải thiện điều kiện giảng dạy cũng như nâng cao chất lượng đào tạo, trường có tổ chức các lớp chất lượng cao với chương trình giảng dạy theo mô hình của ĐH nước ngoài, giảng dạy tiếng Anh, phòng máy lạnh, lớp vài chục sinh viên, giảng viên chọn lọc... như chương trình quốc tế. Nếu tính cả chi phí thuê cơ sở vật chất thì mức học phí khoảng 25 triệu đồng/sinh viên/năm là đủ chi phí hoạt động.

Các trường nói gì?

Lý giải về việc thu học phí cao, GS.TS Nguyễn Thanh Tuyền - hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế - tài chính TP.HCM - cho biết: “Chương trình đào tạo cơ bản giống nhau nhưng phương pháp đào tạo khác nhau. Chúng tôi tổ chức lớp học nhỏ, trả chi phí cao để mời giảng viên giỏi, sinh viên học theo nhóm, giáo trình phát cho sinh viên cả năm học. Tuy nhiên, hiện chúng tôi đang giảm 40% học phí, còn khoảng 54 triệu đồng/năm vì tình hình kinh tế khó khăn, nhiều thí sinh muốn theo học nhưng điều kiện kinh tế không cho phép”.

Ông Hoàng Đức Bình - giám đốc truyền thông và tuyển sinh Trường ĐH Hoa Sen - cho rằng tuy các môn học giống nhau nhưng cách thức giảng dạy khác nhau và đây là mấu chốt của vấn đề. Hoa Sen không công bố là một trường quốc tế nhưng chương trình đào tạo, đề cương từng môn học, giáo trình đều sử dụng theo chuẩn quốc tế hoặc theo kinh nghiệm của các trường quốc tế nổi tiếng. Đội ngũ giảng viên được Hoa Sen chú trọng và được tuyển chọn kỹ, phần lớn tốt nghiệp thạc sĩ, tiến sĩ từ nước ngoài.

* Ông Bùi Hồng Quang (phó vụ trưởng Vụ Kế hoạch - tài chính - Bộ GD-ĐT):

Bộ cũng không can thiệp được

“Từ trước đến nay, Bộ GD-ĐT chưa có quy định nào bắt các trường ngoài công lập phải thu mức học phí bao nhiêu. Bộ chỉ yêu cầu các trường phải công khai mức học phí trước tuyển sinh để thí sinh lựa chọn, phù hợp với điều kiện từng em. Trường hợp thí sinh than phiền mức học phí các trường tư tăng nhanh thì bộ cũng không can thiệp được. Nếu trường tăng học phí, SV không theo được thì trường bị hao hụt SV, đó là điều các trường phải tính toán cân nhắc kỹ lưỡng”.

* GS Ngô Thế Chi (giám đốc Học viện Tài chính):

Phải công khai cho toàn khóa học

“Việc một số trường chỉ công khai học phí năm đầu rồi lặng lẽ tăng mạnh trong những năm sau là không được cả về lý cũng như tình. Cũng phải nói thêm người học nên lượng sức học và điều kiện tài chính của mình để chọn học trường có chất lượng. Phải thẳng thắn nói rằng học phí quá thấp thì không thể có chất lượng tốt được. Quan điểm của tôi là học phí phải được công bố lộ trình từ năm đầu đến năm cuối để sinh viên được biết”.

NGỌC HÀ ghi

MINH GIẢNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên