“Hôm nay... con muốn nói với mẹ một chuyện không vui là con bị... điểm O môn giáo dục công dân”. “Lý do?” - tôi gắt. “Dạ, vì... con không tập trung nghe cô hỏi câu gì nên không trả lời được... Mẹ ơi con đã thành thật với mẹ, mẹ đừng buồn con nha... Con hứa sẽ cố gắng sửa sai!” - giọng con líu ríu thật tội nghiệp.
Phóng to |
“Bỏ chuyện riêng, siêng phát biểu”, lời nhắc nhở nhẹ nhàng này được đưa vào lớp học ở một huyện miền núi tỉnh Ninh Thuận, giúp học sinh tiếp nhận dễ hơn là những lời răn dạy nặng nề - Ảnh: VĂN KỲ |
“Vậy khi ăn “trứng” xong thì con có biết cô hỏi câu gì chưa?” - tôi trêu. “Dạ... cô hỏi “em hiểu thế nào là tính trung thực?”. “Câu trả lời là gì?” - tôi hỏi. “Dạ... tính trung thực trong học tập là ngay thẳng, không gian dối, không quay cóp, chép bài của bạn... Trong quan hệ với mọi người là không nói xấu hay tranh công, đổ lỗi cho người khác, dũng cảm nhận khuyết điểm khi mình có lỗi... Trong hành động thì biết bảo vệ lẽ phải, đấu tranh phê phán việc làm sai... Con đọc rất thuộc lòng nhưng vì “tám chuyện” trong lớp nên cô tức giận cho ăn “trứng ngỗng” để chừa thói”.
Tôi chợt nhận ra bài học thuộc lòng môn giáo dục công dân của con nghe rất hay nhưng trong tôi cũng có cảm xúc không ổn lắm vì những từ “đấu tranh, phê phán, nhận khuyết điểm...” nghe “chém gió” sao đấy. Trường học là nơi nuôi dưỡng tâm hồn trẻ thơ, giáo dục cho các con có suy nghĩ đúng sai là như thế nào. Nhưng giáo dục công dân không cần học như vẹt, “lượm” 9-10 điểm rồi quên. Đã là đạo lý ở đời thầy cô phải truyền tải cho học sinh như nước thấm dần vào đất, cây xanh mới có thể đâm chồi nảy lộc thì mới mong hoa thơm quả ngọt cho đời.
Ở độ tuổi lớp 7, tôi chỉ cần con hiểu tính trung thực chính là lòng tự trọng trong mỗi con người. Những việc con nhận thấy là sai trái thì dứt khoát không làm. Con nhớ bà lão nghèo bán vé số lần trước không?
Khi con bảo mẹ mua giúp bà vài tờ vé số rồi mẹ lại quên tiền thừa thì bà vẫn lọm khọm cố chạy theo để thối lại. Thấy bà tội nghiệp mẹ bảo tặng bà luôn thì bà nằng nặc không chịu, bảo rằng bà bán vé số chứ không xin tiền. Mẹ rất tôn trọng một người như bà lão ấy vì đối với bà thì “nghèo cho sạch rách cho thơm” đó chính là lòng trung thực và sự tự trọng mà sống ở đời chúng ta cần phải có, con biết không?
Nếu con muốn mọi người yêu thương, tôn trọng mình thì trước hết con phải biết thương yêu và tôn trọng họ. Con không chỉ có một mình mà con còn có ông bà, ba mẹ, thầy cô và bạn bè, đó là những người thân yêu luôn bên cạnh con. Nếu con đánh mất lòng tự trọng thì con đã làm tổn thương những người yêu quý con. Con trai nắm lấy tay tôi nhỏ nhẹ: “Mẹ ơi con luôn muốn làm cho mẹ vui. Con sẽ không học lơ đãng như vậy nữa... Con hứa với mẹ bằng tất cả lòng tự trọng của mình!”. Tôi bật cười hạnh phúc rồi vòng tay ôm con vào lòng.
Thật lòng thì để một đứa trẻ nói câu “con đã thành thật với mẹ” một cách rất thành thật, tôi đã phải cố gắng chia sẻ cùng con những khó khăn mà con gặp phải và kịp thời giải thích để con cảm thấy mình có một điểm tựa trong đời. Đôi khi vì những lo toan trong cuộc sống không phải lúc nào tôi cũng đủ kiên nhẫn lắng nghe con.
Những lúc như thế tôi thường bảo con “hãy cho mẹ vài phút yên lặng!”. Vậy là trong vài phút ngắn ngủi ấy con trẻ nhìn thấy nét mặt không vui của mẹ vì lỗi lầm của mình và mẹ cũng nhìn thấy trong mắt con sự chân thành mong sửa sai. Dạy dỗ một đứa trẻ đôi khi điểm O không phải là không có điểm tốt gì cả.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận