Phóng to |
Hai học sinh tại một trường tiểu học ở Hà Nội phải mang trên mình những chiếc cặp quá lớn so với tầm vóc của các em - Ảnh: Nguyễn Khánh |
Giảm tải chương trình - sách giáo khoa phổ thông: Cần điều chỉnh thêmChương trình - sách giáo khoa: Nặng kiến thức, nhẹ thực hành
Giải thích băn khoăn của cử tri Cần Thơ về việc “chương trình-SGK hiện hành biên soạn theo hình thức cuốn chiếu, thiếu chương trình tổng thể nên hiệu quả không như mong muốn”, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận khẳng định: “Việc triển khai đại trà chương trình và SGK được tiến hành theo hình thức cuốn chiếu là việc bắt buộc phải làm đối với mỗi quốc gia và chu kỳ thay sách nào cũng phải thực hiện, vì theo nguyên tắc sư phạm, chỉ các cháu khi học xong chương trình đổi mới ở lớp dưới mới theo học được chương trình đổi mới ở lớp trên. Như vậy, một chu kỳ thay sách sẽ kéo dài từ 10-12 năm (tùy thuộc số năm học của hệ thống giáo dục), mỗi năm chỉ thay cho một lớp, lần lượt từ lớp 1 đến hết lớp 12, không thể đồng thời thay ngay một lúc toàn bộ chương trình và sách giáo khoa của cả hệ thống được”.
Tuy nhiên, người đứng đầu ngành GD-ĐT cũng thừa nhận: Trong chu kỳ làm SGK trước đây, do thời gian chuẩn bị ngắn, vai trò của tổng chủ biên, chủ biên từng bộ sách các môn học của từng năm học và chủ biên của mỗi môn học trong cả hệ thống chưa đầy đủ nên chương trình - SGK hiện hành chưa thật sự liên thông, thống nhất, mà đó là một trong những nguyên nhân góp phần gây ra hiện tượng quá tải.
Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho biết việc tổ chức xây dựng chương trình - SGK sau năm 2015 sẽ nghiêm túc tổng kết, đánh giá, rút kinh nghiệm của việc làm trước để tránh những bất cập đã xảy ra. Ông Luận cũng cho biết hiện Bộ GD-ĐT đang cùng Ban Tuyên giáo trung ương tích cực bổ sung, hoàn thiện dự thảo đề án đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT Việt Nam để trình hội nghị lần thứ 8 BCH Trung ương Đảng khóa XI vào tháng 10-2013.
Đề cập những bất cập trong việc “dạy người” ở các nhà trường hiện nay, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận thừa nhận có nguyên do từ sự hạn chế trong phương pháp, nội dung GD đạo đức học sinh, sinh viên, việc phối hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội chưa chặt chẽ, nội dung GD kỹ năng sống chưa thực sự đi vào chiều sâu và thiếu các điều kiện cần thiết để triển khai, công tác tư vấn tâm lý cho học sinh chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn.
Bộ trưởng Phạm Vũ Luận khẳng định ngoài việc tăng cường các hoạt động ngoại khóa có ý nghĩa, sự hỗ trợ GD của gia đình, chính quyền và các tổ chức xã hội, ngành GD-ĐT sẽ lấy việc đẩy mạnh giảm tải nội dung chương trình, đổi mới nội dung dạy học, kiểm tra, đánh giá học sinh, sinh viên là giải pháp quan trọng để khắc phục hạn chế trong việc “dạy người”. Những bài học gần gũi với đời sống, có sức lôi cuốn, rung cảm đối với học sinh sẽ là yếu tố tác động tới suy nghĩ, hành vi, lối sống của các em.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận