Sổ tay
Số lượng học sinh lúc đầu khởi công xây dựng dự định chỉ là ngôi trường tuyển khoảng 1.400 em. Nhưng ngay từ năm đầu tiên đã phải tuyển 1.600, đến nay đã vượt hơn 2.200 em, thậm chí có năm cá biệt số học sinh đã lên đến 2.600 em. Vì vậy, hơn ai hết, tôi cho phép mình có sự đồng cảm với những ngôi trường mà cơ sở vật chất là cái không thể “phù phép” hoặc qua một đêm là có thể “vươn lớn” thành Phù Đổng, bắt buộc phải giảm bớt số học sinh trong các buổi lễ. Không chỉ lễ khai giảng, bế giảng mà còn rất nhiều dịp lễ hội, vui chơi khác cũng phải “hạn chế số lượng”.
Theo dõi hai trang Giáo dục cả tuần nay, người quản lý chúng tôi đặc biệt quan tâm đến vấn đề mà báo chí cũng như phụ huynh đặt ra, đó là ngày khai giảng của các em học sinh đã dần dần “bị” lấy mất đi ý nghĩa, bị tước đoạt ở một số học sinh luôn nằm trong diện “miễn giảm” dự lễ. Bởi vì vấn đề này là việc mà nơi này nơi khác, nhà quản lý cơ sở là chúng tôi phải “đầu hàng”. Vì sao như vậy?
- Một là về tinh thần: Việc ý nghĩa của ngày khai giảng đã nhạt nhòa, không còn gợi cho học sinh những xúc cảm nào. Khi mọi đơn vị cơ sở giáo dục trong cả nước buộc phải chấp hành chủ trương của bộ trong việc “tựu trường” trước hai tuần. Năm học 2013-2014 này, tính đến ngày 9-9 thì đã bắt đầu bước vào chương trình tuần 4. Nghĩa là từ ngày 12 đến 31-8, chúng tôi đã phải “thực dạy, thực học” đến ba tuần. Việc này theo chỉ đạo là nhằm giảm tải, bù đắp cho những khoảng thời gian mà vì sự cố này khác có thể bị gián đoạn việc học. Ngoài ra, kéo giãn thêm hai tuần còn để thầy cô giáo có thêm chút thời gian tăng cường nâng cao chất lượng học tập của học sinh, giảm tải gánh nặng bài tập về nhà... Thế nên cái sự chênh nhau hai tuần này làm nảy sinh sự chán ngán nơi học sinh và làm cho buổi lễ khai giảng mất đi ý nghĩa. Việc này, những người làm quản lý như chúng tôi, ngoài việc có ý kiến trong nhiều năm thì còn làm được gì hơn?
- Hai là về việc cắt giảm sĩ số học sinh từng lớp tham dự các lễ hội: Trường chúng tôi tuy nhỏ nhưng có một niềm tự hào lớn, đó là trong 30 năm hoạt động của mình, dù là trường lúc chưa tách cấp (năm 1983) hay đã tách rồi (từ năm 1995) năm nào cũng bằng mọi cách phải sắp xếp để cho toàn thể học sinh được dự khai giảng, bế giảng và các lễ hội khác. Tuy nhiên phải nói nhiều khi nhìn học sinh ngồi chen vai, thích cánh như nêm cối để dự lễ mà cũng xót xa. Với những trường mà cơ sở vật chất không cho phép có sự xoay xở thì làm sao dám huy động các em hết. Sự an toàn cho một buổi lễ là việc được đặt lên hàng đầu. Cho nên...
Tôi giải thích hai lý do ở đây không nhằm biện minh hoặc trút trách nhiệm gì hết cho việc ý nghĩa ngày khai giảng cứ dần dần nhạt nhòa đi ở học sinh. Nhưng, khắc phục như thế nào lại nằm ngoài tầm với và khả năng của những người làm quản lý cơ sở như chúng tôi.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận