12/09/2013 08:09 GMT+7

Đại học vẫn chậm đổi mới

NGỌC HÀ
NGỌC HÀ

TT - Ngày 11-9, tại hội nghị tổng kết ba năm thực hiện đổi mới quản lý giáo dục ĐH, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cho rằng một trong những hạn chế của công tác đổi mới quản lý giáo dục ĐH là chương trình đào tạo chậm đổi mới, không gắn với thực tiễn.

Bộ GD-ĐT thừa nhận đào tạo đại học xa thực tiễnChất lượng đào tạo đại học còn thấpChấn chỉnh đào tạo đại học

AZ5p6pjS.jpgPhóng to
Thứ trưởng Bộ Giáo dục - đào tạo Bùi Văn Ga (giữa) trao đổi với các đại biểu bên lề hội nghị - Ảnh: Nguyễn Khánh

Ông Nguyễn Mạnh Lợi, phó cục trưởng Cục Khoa học - công nghệ và đào tạo (Bộ Y tế), cho rằng nếu bộ tiếp tục để các sở GD-ĐT đi thẩm định về cơ sở vật chất cho các trường ĐH đào tạo chuyên ngành y thì chỉ dễ cho nhà trường mà làm khó, làm khổ SV sau này.

Mở ngành y quá dễ dàng

“Điều này bắt nguồn từ việc ngành y có tính đặc thù rất cao. Trường y, ngành đào tạo y phải gắn bó chặt chẽ với cơ sở thực hành. Song thực tế kiểm tra có nhiều trường đào tạo ngành y mà xa các bệnh viện, đơn vị để SV đi thực hành đến 20-30km, SV sẽ thực hành thường xuyên bằng cách nào?” - ông Lợi đặt vấn đề. Ông Lợi khẳng định trong thời đại công nghệ thông tin, việc “vận dụng” chương trình đào tạo đã có của các cơ sở đào tạo truyền thống để làm hồ sơ mở ngành không khó, nhưng nếu cơ quan quản lý làm chặt chẽ, việc mở ngành y sẽ không dễ dàng như hiện nay. Theo đó, các trường đào tạo đa ngành, nhất là các trường ngoài công lập, đội ngũ giảng viên rất ít nhưng đào tạo, chiêu sinh rất ồn ào. “Việc xác định chỉ tiêu tuyển sinh theo cách này hiện nay mà bộ quy định cũng không hợp lý với ngành y. Tôi để ý bộ cứ cho các trường đăng ký chỉ tiêu chung, rồi sau đó tự trường phân bổ theo từng ngành đào tạo. Kết quả, các trường ĐH y uy tín, lâu năm, giàu truyền thống, sở hữu đội ngũ chuyên gia rất mạnh đăng ký chỉ tiêu cũng chẳng hơn gì so với các trường mới mở ngành, đội ngũ giảng viên rất khiêm tốn”- ông Lợi nói.

Trước băn khoăn của đại diện Bộ Y tế, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận thừa nhận trong hội nghị về đào tạo nhân lực y tế đồng bằng sông Cửu Long vừa qua, lãnh đạo nhiều địa phương đã chê trách Bộ Y tế, Bộ GD-ĐT khi quy trình thẩm định mở ngành có vẻ rất nhiều khâu, nhưng rốt cuộc nhiều trường không đủ điều kiện thực hành, không bảo đảm chất lượng. “Tôi đã chỉ đạo các đơn vị của Bộ GD-ĐT thẩm định lại thông tin, nhưng cũng mong Bộ Y tế cùng rút kinh nghiệm, tiến hành kiểm tra đột xuất, kiểm tra tái định kỳ các cơ sở đào tạo ngành y. Một số nơi phản ảnh cho tôi hiện tượng các trường đào tạo y khoa chỉ đi mượn thiết bị y tế của các công ty sản xuất, kinh doanh thiết bị y tế, mang về trưng ra cho các cơ quan quản lý kiểm tra. Mình kiểm tra xong họ lại mang trả hết. Nếu có chuyện đó thật phải đóng cửa ngay, đình chỉ tuyển sinh tức thì” - ông Luận quyết liệt nói.

Trường nhấp nhổm, hệ thống bất ổn

Ông Đào Mạnh Hùng, vụ trưởng Vụ Đào tạo (Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch), bày tỏ mong mỏi tha thiết của nhiều trường nghệ thuật được nâng cấp mà trong hai năm nay, các hồ sơ xin nâng cấp này đều không nhận được hồi âm của Bộ GD-ĐT. “Nhiều trường nghệ thuật có lịch sử lâu đời, có trường trung cấp đã có bề dày 50 năm nhưng xin nâng cấp mà không được. Trường CĐ Du lịch Hà Nội hình thành năm 1972, Trường CĐ Múa Việt Nam, Trường trung cấp Múa đã có tuổi đời khá lớn...” - ông Hùng nói.

Lý giải về quyết định không nâng cấp theo hồ sơ đề nghị của nhiều trường, ông Phạm Vũ Luận chỉ ra việc nâng cấp ào ạt trong một thời gian dài đã khiến hệ thống giáo dục mất ổn định. “Trường trung cấp hoạt động với tâm trạng náo nức 3-5 năm nữa sẽ lên CĐ, trường CĐ tràn trề hi vọng 3-5 năm sau thành trường ĐH. Tâm thế “đứng núi này trông núi nọ” khiến nhiều trường trung cấp mạnh tự nguyện biến thành trường CĐ yếu, trường CĐ thì nhấp nhổm lên ĐH, gây ra tình trạng mất cân đối giữa các trình độ đào tạo”- ông Luận lý giải. Theo ông Luận, việc nâng cấp các trường sẽ chỉ đặt ra theo nhu cầu xã hội, theo đòi hỏi khách quan bên ngoài chứ không thể xuất phát từ đòi hỏi của các trường. “Nếu không, Bộ GD-ĐT sẽ mang nặng cơ chế xin - cho, mà đúng là xin - cho thật. Không thể để các trường vô tư đặt mục tiêu thành lập trường ĐH bắt nguồn từ việc thành lập một trường trung cấp được”- ông Luận nói.

Mong các trường đóng góp xây dựng văn bản

Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho biết các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật của Bộ GD-ĐT đều được công khai trên cổng thông tin điện tử Bộ GD-ĐT, nhưng nhiều trường chưa có thói quen cập nhật, đóng góp ý kiến. Ông Luận mong muốn có sự đóng góp nhiều hơn của các chuyên gia giáo dục, các cơ sở đào tạo để cùng xây dựng những văn bản tốt hơn, tránh những sơ suất đáng tiếc.

Học sinh học cử tuyển giảm

“Số tỉnh cử học sinh đi học theo chế độ cử tuyển giảm dần. Năm 2012 có 29 tỉnh không cử học sinh, có nhiều tỉnh chỉ đạt trên 40% chỉ tiêu đăng ký”. Đây là nội dung báo cáo của Bộ GD-ĐT tại hội nghị sơ kết sáu năm thực hiện chế độ cử tuyển học sinh dân tộc vào các trường ĐH, CĐ và TCCN tổ chức ngày 11-9.

Theo Bộ GD-ĐT, trong sáu năm qua có 12.805 học sinh vào học ĐH, CĐ theo chế độ cử tuyển, đạt 88% so với tổng chỉ tiêu, trong đó chủ yếu học ĐH. Có 2.000 học sinh học TCCN. Tại hội nghị, lãnh đạo Bộ GD-ĐT đề nghị Chính phủ chỉ đạo và giao các bộ ngành chức năng hướng dẫn các địa phương xây dựng chiến lược, quy hoạch đào tạo cán bộ. Căn cứ vào kế hoạch đào tạo nhân lực của địa phương, Bộ GD-ĐT mới có thể giao nhiệm vụ cho các cơ sở giáo dục có kế hoạch đào tạo.

NGỌC HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên