11/09/2013 14:43 GMT+7

Bộ GD-ĐT thừa nhận đào tạo đại học xa thực tiễn

NGỌC HÀ 
NGỌC HÀ 

TTO - Lãnh đạo Bộ GD-ĐT đưa ra thừa nhận này trong Hội nghị tổng kết ba năm thực hiện đổi mới quản lý giáo dục ĐH theo chỉ thị 296 của Thủ tướng Chính phủ tổ chức ngày 11-9 tại Hà Nội.

HkI6x927.jpgPhóng to
Thí sinh dự thi ĐH năm 2013 - Ảnh: TTO

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cho rằng một trong những hạn chế của công tác đổi mới quản lý giáo dục thời gian qua là chương trình đào tạo chậm đổi mới, không gắn với thực tiễn, sự gắn kết giữa nhà trường và doanh nghiệp còn hạn chế.

“Lỗi văn bản”

Bộ GD-ĐT thừa nhận điểm hạn chế cần khắc phục mạnh mẽ trong tiến trình đổi mới quản lý giáo dục ĐH chính là công tác soạn thảo văn bản. Ba năm qua, công tác soạn thảo và ban hành văn bản quy phạm pháp luật về giáo dục ĐH còn chậm so với kế hoạch. Một số văn bản chất lượng chưa cao, chưa đáp ứng yêu cầu của thực tiễn.

Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho rằng đề xuất của một số trường được tham gia ý kiến trong quá trình xây dựng văn bản để tránh sai sót là điều rất cần khuyến khích. Tuy nhiên trên thực tế, các dự thảo văn bản pháp luật của Bộ GD-ĐT đều được công khai trên cổng thông tin điện tử Bộ GD-ĐT nhưng nhiều trường chưa có thói quen cập nhật, đóng góp ý kiến.

Bộ trưởng mong muốn có sự đóng góp nhiều hơn của các chuyên gia giáo dục, các cơ sở đào tạo để cùng xây dựng những văn bản pháp luật tốt hơn, tránh những sơ suất đáng tiếc.

Thứ trưởng Bùi Văn Ga bày tỏ trăn trở đối với thực trạng nhiều trường ĐH, CĐ chưa nghiêm túc chấp hành kỷ cương pháp luật, dẫn tới nhiều sai phạm như xác định chỉ tiêu không đúng với thực tế. Đã xuất hiện những sai phạm nghiêm trọng khi nhiều trường liên tục tuyển sinh vượt chỉ tiêu, thực hiện liên kết đào tạo (trong nước và quốc tế) sai quy định, bất chấp các quy định quản lý nhà nước về giáo dục đại học như Trường ĐH Lương Thế Vinh, Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM, Trường CĐ Kinh tế Tài chính Thái Nguyên, Trường CĐ Tài chính Hải quan, Trường CĐ ASEAN…

Trong hai năm 2011, 2012, Bộ GD-ĐT đã kiểm tra việc thực hiện cam kết của 87 trường đại học, cao đẳng (43 trường công lập, 44 trường ngoài công lập, trong đó có 53 trường đại học và học viện, 34 trường cao đẳng) trong đề án thành lập trường.

Kết quả hầu hết các trường đã có cố gắng trong đầu tư, xây dựng cơ sở vật chất, huy động kinh phí, xây dựng đội ngũ giảng viên cơ hữu, thực hiện mở ngành đào tạo.

Tuy nhiên, vẫn có đến 7/87 trường được kiểm tra có số lượng giảng viên cơ hữu và hợp đồng dài hạn dưới 50 người; có 4 trường được kiểm tra chưa có đất như đã cam kết.

Trường cùng khối ngành sẽ dùng chung giáo trình

Theo kế hoạch của Bộ GD-ĐT, các trường sẽ tổ chức rà soát tình hình giáo trình hiện có của trường, phối hợp các trường trong cùng khối ngành; khoa cùng nhóm ngành để biên soạn giáo trình dùng chung.

Đến năm 2015, tất cả các chương trình đào tạo tại các trường đều có đủ giáo trình phục vụ đào tạo cho các môn học được thực hiện dưới các hình thức tổ chức biên soạn, lựa chọn, mua bản quyền của nước ngoài, dịch và in trong nước. Nếu các môn học không có giáo trình phục vụ đào tạo thì kiên quyết không đưa vào chương trình đào tạo.

Tại hội nghị, Bộ GD-ĐT cũng khẳng định trong giai đoạn 2013-2015, bộ sẽ xây dựng lại chính sách học phí, học bổng, tín dụng sinh viên trên cơ sở xác lập nguyên tắc nguồn thu từ học phí phải tính đủ chi phí phục vụ đào tạo.

Sao chép chuẩn đầu ra

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga nhận định việc công bố chuẩn đầu ra, các điều kiện đảm bảo chất lượng chưa đi vào thực chất, còn mang tính hình thức, chưa xác định rõ mục tiêu đào tạo, triển khai thực hiện chương trình.

Đặc biệt, chuẩn đầu ra của nhiều ngành trong cùng một trường đều na ná nhau. Các điều kiện đảm bảo chất lượng chưa đi vào thực chất, thiếu các giải pháp tổng thể để nâng cao chất lượng đào tạo.

NGỌC HÀ 
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên