Phóng to |
Mỗi buổi trưa, cô Nhài luôn có mặt ở lớp để kiểm tra bài vở của học sinh - Ảnh: M.T. |
12 giờ là cô Nhài có mặt tại lớp để kiểm tra xem lớp có chuẩn bị chu đáo bài vở của các tiết học hôm nay không. Ai không làm bài, không thuộc bài, cô kêu ban cán sự lớp ghi vào “sổ bìa đen” để “giải trình” vào tiết chủ nhiệm.
Lúc kiểm tra, thấy nam sinh nào tóc hơi dài, cô bảo: “Mai đến nhà, cô chở đi cắt tóc”. Dừng lại ở bàn một nữ sinh, cô chìa cây cắt móng tay nhỏ nhẹ: “Con để móng tay dài quá, cô cắt cho...”. Một vài bạn nữ khác tự giác giơ tay lên: “Còn con nữa, cô ơi!”.
Vừa cắt cô vừa nhẹ nhàng khuyên: “Tuổi các con còn nhỏ không nên để móng tay dài sơn đỏ chót không hợp. Sau này lớn lên làm đẹp cũng không muộn. Các con cái gì cũng tốt, đừng để vì chuyện này mà bị kỷ luật không đáng”. Kế đến, cô hỏi về tình hình sinh hoạt. Lớp đang bàn tán sôi nổi thì tiếng trống vang lên báo hiệu buổi học đầu tiên sắp đến. Khi đó đã 12g45, cô rời lớp...
45 phút của cô
Hiếm có giáo viên chủ nhiệm nào như cô Nhài trưa nào cũng dành cho học trò 45 phút như vậy. “Tuy cực nhưng 45 phút đó giúp tôi biết rõ tình hình để giải quyết được rất nhiều chuyện, như biết được nhà em nào có chuyện gì đang xảy ra, học sinh nào không học bài... Từ đó tìm hiểu nguyên nhân can thiệp kịp lúc” - cô Nhài bộc bạch.
Niên học này nữa là cô Nhài liên tiếp chủ nhiệm lớp 8/2 được gần hai năm. Hai năm trước lớp này luôn đứng chót khối. Năm lớp 6, lớp phải thay đổi hai giáo viên chủ nhiệm.
Có giáo viên trẻ phải bật khóc ngay tại lớp. Học kỳ I năm lớp 7, tuần nào sinh hoạt dưới cờ, lớp cũng bị đưa ra nhắc nhở bởi luôn xếp hạng cuối thi đua toàn khối. Tình hình của lớp được “phơi” ra: học sinh không thuộc bài nhưng mặt cứ nghênh nghênh.
Thầy cô giảng, mặc kệ, lớp cứ nói chuyện. Giáo viên nhỏ nhẹ khuyên thì các em cười rồi... tiếp tục. Còn nếu hơi lớn tiếng hoặc kỷ luật thì các em càng quậy thêm. Rồi còn đủ thứ “tật” khác như trốn tiết, đánh nhau, yêu đương... Sơ kết học kỳ I, lớp có 40 em thì có đến 18 học sinh yếu, kém, chỉ có 41% trên trung bình. Mặc dù thầy giáo chủ nhiệm đã cố hết sức nhưng cuối cùng đành “bó tay” xin ngừng chủ nhiệm lớp.
Cô Phạm Thị Hà nhớ lại: “Giáo viên đều ngại chủ nhiệm vì nếu học kỳ 2 tình hình không cải thiện thì có thể lớp ở lại... gần phân nửa. Trước tình hình trên, ban giám hiệu trường họp với nhau và thống nhất phân công công tác chủ nhiệm cho cô Nhài bởi nhà cô Nhài gần trường, ông xã cô Nhài cũng là giáo viên của trường, con trai cô Nhài đang học lớp 7 là học sinh giỏi nhất khối và quan trọng là cô Nhài rất tâm huyết...”.
Khi nghe giao nhiệm vụ, cô Nhài lo lắng bởi mình là giáo viên thể dục, lịch dạy toàn buổi sáng, trong khi đó lớp lại học chính khóa buổi chiều. Cô cũng không chủ nhiệm nhiều năm rồi, biết có làm tròn... nhưng rồi được sự động viên, ủng hộ của chồng, con, cô đồng ý.
Việc đầu tiên cô làm là tìm hiểu nguyên nhân khiến các em học yếu kém rồi tập hợp các em lại tại nhà của mình mỗi buổi tối để đích thân cô kiểm tra bài vở. Cô tâm sự ở tuổi mới lớn tâm sinh lý các em rất phức tạp, nhiều em muốn khẳng định cái tôi dù đó là tật xấu như đánh nhau, tranh giành bạn gái... mà chểnh mảng chuyện học.
Chẳng hạn như Nguyễn Văn Tiến. Ngày cô đến nhà động viên mẹ Tiến cho con đến học miễn phí mỗi tối tại nhà mình, cô biết thêm một phần nguyên nhân khiến Tiến chán học là hay bị mẹ chê bai. Mẹ Tiến nói với cô rằng: “Thôi thằng đó dở lắm cô ơi!”. Cô phải giải thích Tiến đã mất căn bản nên cho dù học lại mấy năm cũng không khá lên nổi. “Phải phục hồi căn bản để cháu theo kịp bạn bè. Cháu có cái hay, cái dở, cái nào hay thì chị khen, chứ cứ chê hoài cháu có tinh thần đâu mà học” - cô nhấn mạnh. Với Tiến, cô nhỏ nhẹ khuyên: “Con còn nhỏ, ráng học hành lo tương lai, muốn yêu đợi lớn...”.
Và lớp học miễn phí
Riêng Vũ Hải Sơn bị game online hút hết thời gian. Mẹ khuyên hoài không được nên khi cô đến người mẹ rất mừng. Bà gửi gắm: “Cô khuyên giùm, tui nói hoài nó không nghe...”. Cô nhỏ nhẹ tâm sự với Sơn: “Con không thương mẹ sao, phải học để lớn có cái nghề nuôi mình, nuôi mẹ nữa chứ”.
Có cha mẹ lo buôn bán, ít quan tâm đến chuyện học của con như trường hợp của Nguyễn Minh Cường. Khi cô đến, cha Cường lắc đầu dứt khoát: “Thằng đó mà học cái gì, ở lại hai năm rồi. Tôi cho nó nghỉ ở nhà buôn bán”. Cô vẫn kiên nhẫn rằng dù gì biết chữ tính toán buôn bán cũng tốt hơn, huống chi đây là thời hội nhập. Nếu cho đến nhà cô học mà Cường vẫn học kém thì hãy cho nghỉ... Cứ như vậy, cô thuyết phục phụ huynh đưa con em mình đến nhà cô học phụ đạo miễn phí vào mỗi buổi tối.
Buổi học bắt đầu từ 19 giờ đến 22 giờ. Lịch học theo thời khóa biểu của lớp. Các môn xã hội, cô bắt các em ngồi học tại chỗ, rồi kiểm tra từng em bằng những câu hỏi trọng tâm cho đến khi các em nắm bài.
Với các môn tự nhiên như toán, lý, cô nhờ con trai mình là Bùi Thanh Tuấn, cũng đang học lớp 7, vốn nhiều năm liền là học sinh giỏi nhất khối, đứng ra hướng dẫn, giải thích cho các bạn hiểu. Phần nào Tuấn giải thích nhanh cô nhắc con chậm lại. Khi các bạn đã nắm bài, cô yêu cầu con tìm những bài tập tương tự cho nhóm làm. Với những em mất căn bản toán, lý, cô nhờ chồng mình mỗi sáng dành hai tiếng ôn lại kiến thức cho các em. Có những em nam nhà ở xa, sợ đêm hôm chạy xe về gặp bất trắc, nguy hiểm nên cô đề nghị phụ huynh cho ngủ lại nhà cô.
Dần dà bằng sự tận tụy của mình, cô chẳng những giúp các em phục hồi căn bản mà còn thổi vào niềm đam mê ham học ở các em. 18 em mà cô dạy phụ đạo miễn phí từ học yếu, kém đã chuyển lên trung bình, khá, thậm chí đạt loại giỏi như Nguyễn Minh Cường, Nguyễn Thị Kim Xuyến, Bùi Ngọc Ánh...
Xin được vào lớp cô Nhài Kết quả học kỳ 2 năm lớp 7 do cô chủ nhiệm đã làm toàn trường bất ngờ khi có trên 87% đạt loại khá, giỏi. Học sinh, phụ huynh và cả ban giám hiệu trường đề nghị cô tiếp tục làm chủ nhiệm. Bản thân cô cũng đã thương các em như con mình nên khi các em lên lớp 8 cô vẫn tiếp tục chủ nhiệm. Tài chủ nhiệm của cô được nhiều người biết đến, có vài học sinh, từ nơi khác chuyển đến, cũng thuộc dạng cá biệt, phụ huynh quyết năn nỉ ban giám hiệu xin cho con em mình được học lớp cô Nhài. Và cũng chính bằng phương pháp dạy kèm miễn phí như trên, cô đã kéo các em từ yếu kém trở thành trung bình khá. Lớp đã đi vào nếp, học kỳ 1 năm nay lớp cũng đứng đầu khối. Phụ huynh thì khỏi nói, ai cũng rất mừng trước sự tiến bộ, ham học của con. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận