09/10/2012 09:01 GMT+7

Kỳ cuối: Không thể đổ đồng

H.HƯƠNG - V.HÀ - L.TRANG
H.HƯƠNG - V.HÀ - L.TRANG

TT - Nhiều người đề nghị nâng học phí để đảm bảo hoạt động giảng dạy, ngăn chặn lạm thu. Tuy nhiên, cũng nhiều ý kiến cho rằng chưa hẳn đổ đồng một mức học phí, bắt phụ huynh đóng là phương án hay.

Phí nào cũng tăngNhững khoản phí “ngọt ngào” Kỳ 1: Hàng chục khoản phí đổ đầu phụ huynh

1w8miMEN.jpgPhóng to
Trường tiểu học Bàu Sen, quận 5, TP.HCM được phụ huynh hỗ trợ xây dựng thư viện với số tiền 120 triệu đồng - Ảnh: Như Hùng

“Không thể kể tên hết những thứ phải cần đến tiền trong nhà trường. Theo đúng quy trình, trường phải lập báo cáo lên trên, rồi làm rất nhiều thủ tục, đi lại nhiều lần mới có thể xin được cấp kinh phí bổ sung. Trong khi nhiều việc cần phải giải quyết ngay” - bà Đinh Thùy Dương, hiệu trưởng Trường tiểu học Thanh Xuân Trung, Hà Nội, trần tình như thế về những khó khăn, chật vật trong việc tiếp cận tiền ngân sách.

110.000 hay 200.000 đồng/tháng?

Từ chối trang thiết bị

Tại Trường tiểu học Chi Lăng, Q.6, TP.HCM, ban giám hiệu đã không ít lần từ chối nhận các trang thiết bị do phụ huynh đưa đến tặng cho trường và phòng học của con mình. Bà Võ Thu Tâm, hiệu trưởng nhà trường, phân tích: “Khi xây dựng, mỗi phòng học đã được lắp 16 bóng đèn và 5 quạt treo tường. Nhiều phụ huynh có nhã ý mua sắm thêm máy lạnh nhưng trường không đồng ý vì khoản tiền điện sẽ trội lên, chưa kể phòng học máy lạnh dễ khiến học sinh dễ bị lây bệnh của nhau nếu có. Lớp học chỉ cần thông thoáng, sạch sẽ, nếu có trang trí chỉ cần thêm các câu khẩu hiệu, chủ điểm là được”.

Những khó khăn, chật vật về “thủ tục xin tiền” ngân sách khiến nhiều nhà trường chọn con đường dễ hơn là “xin phụ huynh”. Muốn không phải đi “xin phụ huynh”, nhiều hiệu trưởng lại đề nghị việc tăng học phí. Một số hiệu trưởng tại Hà Nội khẳng định: “Nếu học phí thu 200.000 đồng/học sinh/tháng sẽ chấm dứt lạm thu. Vì mọi chi phí diễn ra trong nhà trường sẽ được gói gọn trong khoản học phí này.” Nếu so với tổng mức tiền phụ huynh đang phải đóng hiện nay, mức học phí trên không phải là nhiều.

Trong khi đó, tại TP.HCM có một trường chỉ thu một khoản học phí 110.000 đồng/tháng/học sinh. Từ năm 2007, Trường THPT Nguyễn Thái Bình thí điểm mô hình thu một khoản cho đủ. Theo đó, mỗi tháng học sinh chỉ đóng học phí 110.000 đồng và tiền cơ sở vật chất 45.000 đồng/học sinh/năm. Ngoài ra, trường không được thu thêm bất cứ khoản nào. Ông Nguyễn Văn Hòa - hiệu trưởng nhà trường - cho biết: “Trường tôi nằm trong khu dân cư lao động, phụ huynh thuộc diện khá giả không nhiều. Vậy mà khi thu học phí 110.000 đồng, gấp gần bốn lần so với học phí các trường khác nhưng chỉ có vài phụ huynh thắc mắc, còn lại đều đồng thuận vì họ không phải đóng góp gì thêm mà học sinh vẫn được học phụ đạo ba buổi/tuần (ở các trường khác, phụ huynh phải đóng thêm tiền phụ đạo - PV)”.

Năm học 2012-2013, theo quy định của Sở GD-ĐT TP.HCM, học sinh không phải đóng khoản tiền cơ sở vật chất nữa nên học sinh Trường Nguyễn Thái Bình chỉ đóng một khoản học phí, 60.000 đồng/năm học cho khoản thu hộ - chi hộ (phù hiệu, học bạ, giấy thi, đề thi...) và 5.000 đồng/tháng tiền nước uống. Cũng theo ông Hòa: “Từ năm 2010 trở về trước thì mức học phí 110.000 đồng/tháng/học sinh là quá lý tưởng, thu nhập của giáo viên được cải thiện nhiều. Từ năm 2010 đến nay khó khăn hơn do mức lương tối thiểu đã tăng nhiều lần. Tuy nhiên, gói ghém thì vẫn đủ, bảo đảm được hoạt động dạy và học. Thực hiện mô hình này, nhà trường khỏe nhất ở chỗ không bị phụ huynh kiện cáo vì các khoản thu, trường cũng chủ động được kế hoạch mua sắm trang thiết bị, sửa chữa nhỏ”.

Nguồn lực chính vẫn là Nhà nước

Ông Trần Mậu Minh - hiệu trưởng Trường THCS Trần Văn Ơn, Q.1, TP.HCM - cho rằng cần phải xác định đối với các trường công lập, nguồn lực chính vẫn là ngân sách nhà nước. Trong tình hình như hiện nay, khi mức học phí quá lạc hậu, ngân sách thì đã dùng khoảng 80% để chi lương cho giáo viên, đương nhiên các trường phải xã hội hóa để thực hiện các hoạt động giáo dục kỹ năng sống, dạy năng khiếu, mua sắm trang thiết bị, bồi dưỡng giáo viên... đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục. Nếu không xã hội hóa thì nguồn ngân sách và học phí chỉ đủ cho nhà trường thực hiện giảng dạy các môn chính khóa ở mức độ nhất định.

Theo ông Lưu Hồng Uyên - quyền trưởng Phòng GD-ĐT Q.6, TP.HCM: “Tôi đã đọc kế hoạch xã hội hóa giáo dục của một số trường và nói ngay nhà trường đã làm sai. Đã vận động thì không được đổ đồng mỗi phụ huynh bao nhiêu tiền, xã hội hóa tức là khơi gợi được nguồn lực ở những người khá giả chứ không tận thu của tất cả phụ huynh. Có trường còn ghi trong kế hoạch xã hội hóa là miễn giảm cho những phụ huynh nghèo lại càng sai. Ai có điều kiện thì đóng, không thì thôi, ở đây mình đang vận động mà”.

Nhiều cán bộ quản lý cũng đồng tình rằng xã hội hóa giáo dục là vận động những phụ huynh có điều kiện như thế chứ không phải ép tất cả phụ huynh phải đóng một khoản như nhau. Đầu năm học này, Trường tiểu học Bàu Sen, Q.5, TP.HCM là một trong những trường đã thực hiện được nguyên tắc này. Theo bà Võ Ngọc Thu - trưởng Phòng GD-ĐT Q.5, TP.HCM, năm học này trường đã vận động phụ huynh để xây dựng thư viện với tổng kinh phí 120 triệu đồng. Trong đó, có một phụ huynh đã đóng góp 100 triệu đồng, có phụ huynh đóng 1 triệu, 2 triệu đồng...

Ông Trần Mậu Minh khẳng định xã hội hóa giáo dục là cần thiết, chỉ đáng nói là một số trường vận động tràn lan, vô căn cứ... làm mất niềm tin của xã hội. Theo ông, nếu những kế hoạch hoạt động của ban đại diện cha mẹ học sinh được một cấp nào đó duyệt xem có phù hợp với khả năng đóng góp của phụ huynh không, công trình mà phụ huynh thực hiện có thật sự cần thiết cho học sinh không... thì có lẽ sẽ giảm được tình trạng thu tràn lan như hiện nay.

H.HƯƠNG - V.HÀ - L.TRANG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên