Phóng to |
Phụ huynh đợi đóng tiền học đầu năm tại một trường tiểu học ở Q.5, TP.HCM - Ảnh: NHƯ HÙNG |
Kỳ 1: Phí nào cũng tăng
Thay vào đó, các trường quan tâm hơn đến những khoản phí “ngọt ngào” mang danh tự nguyện. Đó là những khoản không phải học phí nhưng phụ huynh vẫn phải móc túi ra đóng dù so với học phí cao gấp nhiều lần.
Gấp 10-30 lần
Theo quy định của Bộ GD-ĐT, các trường phổ thông không được tổ chức dạy thêm - học thêm trong trường. Tuy nhiên, trên thực tế hầu hết các trường THCS, THPT ở TP.HCM đều có dạy tăng tiết với nhiều hình thức khác nhau. Để “lách luật”, nhiều trường THPT đã xin phép thành lập trung tâm văn hóa ngoài giờ của trường với tính chất “bình mới rượu cũ”: đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý, cơ sở vật chất đều là của trường. Trung tâm đảm nhận việc dạy tăng tiết cho HS với mức học phí cao hơn gấp nhiều lần so với học phí chính khóa. Ở nhiều trường, ngay từ lớp đầu cấp đến lớp cuối cấp, HS đều phải học tăng tiết 8-20 tiết/tuần, mức học phí cũng do các trường tự đặt ra: 150.000-450.000 đồng/tháng/HS. Số tiền này so với mức học phí 30.000 đồng/tháng/HS THPT và 15.000 đồng/tháng/HS THCS cao hơn 10 - 30 lần.
"Mức học phí hiện tại quá lạc hậu khiến các trường phải thu thêm nhiều khoản để bảo đảm hoạt động của nhà trường. Theo tôi, đã là trường công thì miễn học phí. Chỉ những trường tiên tiến, chất lượng cao mới thu học phí nhưng phải là phù hợp, một khoản duy nhất chứ không chia ra quá nhiều khoản như bây giờ" Ông Trần Mậu Minh(hiệu trưởng Trường THCS Trần Văn Ơn, Q.1, TP.HCM) |
Hiệu trưởng một trường THPT ở Q.Phú Nhuận, TP.HCM đúc kết: “Thời gian đầu, trường đặt ra khoản tăng tiết để tạo thêm thu nhập cho giáo viên do học phí quá thấp. Thế nhưng theo thời gian, có trường thực hiện tăng tiết thấy hiệu quả hơn hẳn, tỉ lệ tốt nghiệp, tỉ lệ đậu đại học tăng cao nên nhiều trường làm theo”.
Học phí thấp, phụ phí cao
Tương tự, tại Hà Nội nhiều năm nay vẫn áp dụng quy định thu học phí ở mức thấp, khoảng vài chục ngàn đồng/tháng, tùy cấp học. Nhưng một nghịch lý cũng tồn tại từ lâu là học phí thấp thì phụ phí cao, rốt cuộc phụ huynh vẫn phải đóng hàng chục khoản từ bắt buộc đến tự nguyện. Một số trường tuy không chẻ ra từng khoản cụ thể thì kêu gọi thu tiền xây dựng cơ sở vật chất, phát triển trường, quỹ khuyến học... Chưa kể tiền học thêm (do trường tổ chức), quỹ phụ huynh rồi tiền ăn bán trú, tiền xe đưa đón cũng tăng theo trượt giá.
Thu “ngoài luồng” gấp 3 lần học phí So sánh các nguồn kinh phí dành cho GD-ĐT TP.HCM tính từ năm 2008 đến nay, tổng các khoản thu từ học phí luôn thấp hơn tổng các khoản phí khác do phụ huynh đóng góp thêm. Năm 2008: tổng thu từ học phí 296 tỉ đồng thì các nguồn khác là 698 tỉ đồng. Năm 2009: học phí là 317 tỉ đồng thì khoản ngoài quy định là 751 tỉ đồng. Năm 2010: học phí là 343 tỉ đồng thì ngoài quy định là 862 tỉ đồng. Năm 2011: học phí là 367 tỉ đồng thì ngoài quy định là 923 tỉ đồng. |
Theo mức học phí mới áp dụng cho năm học 2012-2013 vừa được HĐND TP Hà Nội thông qua, mức học phí sẽ giảm 30.000- 40.000 đồng so với quy định cũ. Nhiều trường và cả phụ huynh HS lo lắng về một thực tế “bùng phát phụ phí” để giải quyết khó khăn của các trường. Nhiều hiệu trưởng ở Hà Nội cho rằng chờ ngân sách nhà nước cấp thì rất chậm. Trong khi đó, nếu tính theo mức học phí cũ thì nhà trường đã rất khó khăn, nhiều hoạt động, nhiều vấn đề phát sinh cần đến tiền, chỉ còn cách trông đợi sự giúp đỡ của phụ huynh.
Tiền nào cũng của phụ huynh!
Cô Nguyễn Thị Bích Thủy - hiệu trưởng Trường mầm non Sơn Ca 5, quận Phú Nhuận - lý giải: “Mức học phí hiện nay các trường đang áp dụng được xây dựng từ năm 1998. Từ đó đến nay, mức lương tối thiểu đã tăng nhiều lần, vật giá còn tăng khủng khiếp hơn. Thế mà HS nhà trẻ vẫn đóng 50.000 đồng/tháng, HS mẫu giáo 40.000 đồng/tháng; Mỗi tháng giáo viên trường tôi chỉ được thêm 200.000 đồng/người trích từ khoản học phí”. Theo cô Thủy: “Khoản tiền lạc hậu nhất hiện là cơ sở vật chất: chỉ có 30.000 đồng/năm/HS. Trường tôi có 350 HS, coi như tổng thu khoản cơ sở vật chất là 10.500.000 đồng/năm học. Khoản tiền này không đủ để sửa quạt, máy bơm nước, thay bóng đèn, vòi nước... nói chi đến việc mua sắm trang thiết bị dạy học”.
Với tình trạng như trên, đa số trường đều trông chờ vào đóng góp của phụ huynh để hiện đại hóa cơ sở vật chất trường lớp và trang thiết bị dạy học.
Cô Trần Thị Ngọc Tuyết, hiệu trưởng Trường mầm non Sơn Ca 11 (Q.Phú Nhuận), nhìn nhận: “Năm học 2011-2012 ban đại diện cha mẹ HS thu quỹ 60.000 đồng/người/tháng và đã hỗ trợ rất nhiều cho hoạt động dạy và học: chúng tôi có kinh phí để hợp đồng thêm với lao công, giảm bớt áp lực lao động cho giáo viên, tạo điều kiện cho các cô giáo nâng cao chất lượng dạy học, mua sắm thêm đồ dùng, đồ chơi hiện đại...”.
Bên cạnh đó, ở các trường tiểu học, THCS, THPT trên địa bàn TP, ngoài khoản quỹ đóng cho ban đại diện cha mẹ HS, còn có khoản quỹ đóng cho chi hội phụ huynh của lớp. “Toàn những khoản thu có liên quan đến một kết quả mà phụ huynh nào cũng mong muốn: con em mình được sinh hoạt, học tập trong môi trường tốt nhất. Do đó ít có phụ huynh nào từ chối” - chị L., phụ huynh Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa, đánh giá.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận