Hơn 400/500 thí sinh nói có gian lận thi cử
Phóng to |
Thí sinh xem lại “phao” sau khi ra khỏi phòng thi tại hội đồng thi Trường THPT thị xã Phước Long (Bình Phước) trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2012 - Ảnh: HÀ BÌNH |
PGS.TS Trần Xuân Nhĩ(nguyên thứ trưởng Bộ GD-ĐT):
Đậu quá cao như vậy là do gian lận thôi
Thú thật tôi chẳng bất ngờ lắm khi phần lớn thí sinh được hỏi nói rằng có xảy ra tiêu cực tại kỳ thi tốt nghiệp THPT vừa qua. Bởi trước hết, tôi thấy tỉ lệ đậu tốt nghiệp THPT của cả nước năm nay gần đến 98% đã là... bất ngờ lắm rồi. Chính cái “bất ngờ” đó đến việc học sinh nói có gian lận thì tôi...chẳng có gì bất ngờ nữa. Nếu như Bộ GD-ĐT cho rằng đề thi vừa phải thì học sinh đậu quá cao như vậy là do gian lận thôi. Những thí sinh đã nói ra những điều nghe thấy, nhìn thấy tại kỳ thi đã thể hiện trách nhiệm của mình là nói lên sự thật.
Một giám thị ở Đắk Lắk: Có dễ dãi nhưng không buông lỏng Tôi làm công tác coi thi trong kỳ thi tốt nghiệp THPT vừa qua. Tôi và các giám thị khác đều cho học sinh trao đổi bài, có thể xem tài liệu nhưng không có chuyện đưa tài liệu tràn lan từ bên ngoài vào. Học trò đừng làm quá là được chứ còn lại là coi thi khá thoáng. Khi học trò đưa tài liệu vào phòng thi, có sử dụng thì nhắc nhở các em thôi chứ không lập biên bản. Khi có thanh tra đến, hội đồng biết nên nghiêm túc hơn. Việc dễ dãi này do giám thị hiểu ngầm và hội đồng coi thi mang tính chất “tình cảm” thôi chứ không có chủ trương chung. Chúng tôi dễ dãi cho học trò vì tâm lý của người thầy không nỡ khắt khe quá để học sinh trượt tốt nghiệp. |
TS Phạm Thị Ly(ĐH Quốc gia TP.HCM):
Tôi không ngạc nhiên chút nào
Tôi kể câu chuyện thế này. Có một giáo viên Pháp trong lần sang VN có dịp chứng kiến một buổi thi lấy chứng chỉ ngoại ngữ. Sau đó cô ấy bảo: “Trong một buổi sáng, tôi nhìn thấy những trò gian dối nhiều bằng toàn bộ trò gian dối mà tôi đã nhìn thấy trong cả cuộc đời tôi cộng lại”. Dẫn câu của giáo viên người Pháp để nói rằng tôi không ngạc nhiên chút nào khi học sinh nói về tiêu cực trong kỳ thi tốt nghiệp THPT vừa qua và nghĩ rằng học trò nói thật.
Kết quả thăm dò này nhất quán với thông tin trước đây tôi đọc trên báo, rằng kết quả thi tốt nghiệp THPT năm nay rất mâu thuẫn với kết quả thi thử trước đó. Chẳng hạn năm học 2010-2011 tỉ lệ đỗ tốt nghiệp THPT trong kỳ thi thử của một tỉnh là 48,01%, nhưng chưa đầy một tháng sau tại kỳ thi quốc gia con số này lên đến 91,85%. Năm học 2011-2012 thi thử có tỉ lệ 46,9%, một tháng sau đạt đến 99,56%. Đặc biệt có nhiều trường tỉ lệ trong kỳ thi thử năm 2012 rất thấp nhưng kỳ thi quốc gia lại tăng một cách khó hiểu.
Chẳng hạn có trường thi thử tốt nghiệp THPT đạt 2,2% nhưng kỳ thi thật đạt 99,56%; trường khác thi thử từ 3,1% tăng lên đến 99,29%; có trường thi thử 16,4% nhưng thi thật tăng lên đến 100%... Sự mâu thuẫn giữa thi thử và thi thật hoàn toàn phù hợp với kết quả thăm dò Tuổi Trẻ vừa thực hiện. Vì sao thi thử đậu thấp như vậy mà thi thật đậu nhiều như thế? Chắc chắn trong một thời gian ngắn như vậy không thể có “phép lạ” được từ 2-3% lên 100%. Thi thử không bị áp lực thành tích nên họ làm rất nghiêm túc. Và đó chính là kết quả thật!
GS Văn Như Cương (hiệu trưởng Trường THPT Lương Thế Vinh, Hà Nội):
Phản ánh đúng thực tế
Con số hơn 400/500 thí sinh khi được hỏi ngẫu nhiên nói có hiện tượng gian lận thi cử trong kỳ thi tốt nghiệp THPT vừa qua không đáng ngạc nhiên và phản ánh đúng thực tế. Dù đó là hiện tượng hỏi bài nhau, trao đổi bài nhau, mang tài liệu, trao đổi giấy nháp cho nhau... đều là tiêu cực, vi phạm cả. Cho nên 84,6% theo thăm dò là phản ánh đúng sự thật. Ở thi tốt nghiệp THPT, giám thị không nỡ bắt học trò khi dùng tài liệu, hỏi bài, nhìn bài nhau nên “làm ngơ” vì thương học trò thì tôi cho là nhiều. Do đó học sinh nói đúng, không bịa ra cho thầy cô, bạn mình. Tuy nhiên, chúng ta cần đánh giá, phân loại vi phạm ấy có vi phạm nhỏ, vi phạm lớn và vi phạm cực kỳ nghiêm trọng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận