20/07/2012 07:11 GMT+7

Cửa hẹp với thí sinh huyện nghèo

MINH GIẢNG - NGỌC HÀ
MINH GIẢNG - NGỌC HÀ

TT - Theo quy chế tuyển sinh, thí sinh là người dân tộc thiểu số ở 62 huyện nghèo sẽ được ưu tiên xét tuyển vào các trường ĐH-CĐ. Tuy nhiên, nhiều trường lại đặt ra các tiêu chuẩn xét tuyển quá cao.

Thậm chí có trường không xét tuyển khiến cơ hội vào ĐH của những thí sinh này hết sức mong manh.

1wUJYq1I.jpgPhóng to
Thí sinh dự thi vào Trường ĐH Kinh tế TP.HCM. Năm nay không có thí sinh nào thuộc các huyện nghèo đủ điều kiện xét tuyển vào trường -Ảnh: Như Hùng

PGS.TS Lương Khắc Hiếu - giám đốc Học viện Báo chí và tuyên truyền - cho hay trường dành 2% chỉ tiêu cho việc xét tuyển học sinh huyện nghèo. “Yêu cầu là học sinh đạt học lực giỏi ba năm THPT, tốt nghiệp loại khá, hạnh kiểm tốt”. Tuy nhiên, PGS Hiếu cũng cho rằng với yêu cầu này, rất ít học sinh huyện nghèo đạt được.

Lý do để các trường kiên định tiêu chuẩn “học sinh huyện nghèo nhưng học giỏi” mới được xét, được lãnh đạo một số trường đưa ra là: “Trường không thể hạ bớt tiêu chuẩn được vì đó là vấn đề thương hiệu. Trường này nhìn trường kia, tiêu chuẩn thấp hơn thì mặc nhiên thừa nhận kém hơn trường khác sao?”.

Không thể “chạm” tới tiêu chuẩn

Ở khu vực phía Nam, nhiều trường đưa ra các tiêu chuẩn hết sức ngặt nghèo khiến thí sinh rất khó có thể đạt được. ThS Nguyễn Văn Đương - phó phòng đào tạo Trường ĐH Kinh tế TP.HCM - cho biết trường xét tuyển thí sinh là người dân tộc thiểu số tại 62 huyện nghèo nếu đủ các điều kiện: có hộ khẩu thường trú ba năm trở lên, xếp loại học lực giỏi ba năm liền, kết quả tốt nghiệp THPT xếp loại giỏi. Với các tiêu chí trên, trường có nhận được một số hồ sơ xét tuyển của thí sinh nhưng tất cả đều không đạt yêu cầu.

Tương tự, một cán bộ của Trường ĐH Tôn Đức Thắng cho biết đã nhận được hai hồ sơ nhưng cả hai đều không đạt về học lực do trường đặt ra. TS Lê Xuân Vinh, trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Quy Nhơn, cũng cho hay trường nhận được khoảng 30 hồ sơ xét tuyển, trong đó có một số hồ sơ không đạt yêu cầu do trường đặt ra: ba năm THPT và tốt nghiệp THPT đạt loại khá.

Không chỉ đưa ra những yêu cầu quá cao khiến học sinh huyện nghèo không thể “chạm” tới, nhiều trường còn tuyên bố không thực hiện việc xét tuyển đối với đối tượng này. Ông Nguyễn Văn Long, phó trưởng phòng giáo dục chuyên nghiệp Sở GD-ĐT Thanh Hóa, cho hay mới đây sở đã nhận được ba hồ sơ xét tuyển bị trả lại từ Trường CĐ Y tế Thái Nguyên. Sở GD-ĐT Thanh Hóa liên hệ thì nhận được câu trả lời chính thức: trường không xét tuyển thẳng học sinh huyện nghèo. Ông Nguyễn Kim Thành - trưởng phòng đào tạo Trường CĐ Y tế Thái Nguyên - xác nhận trường chỉ tổ chức thi tuyển, không xét tuyển đối với học sinh huyện nghèo dù đã nhận được khá nhiều hồ sơ đăng ký. Thậm chí Trường ĐH Kinh tế (ĐH Quốc gia Hà Nội) còn thông báo ngắn gọn với các sở GD-ĐT: không ưu tiên xét tuyển học sinh huyện nghèo, hồ sơ cũng không trả lại vì trường không có kinh phí để gửi chuyển cho học sinh.

Hụt hẫng

Ông Hoàng Xuân Thạnh - trưởng phòng giáo dục chuyên nghiệp Sở GD-ĐT Lai Châu - cho biết khi đọc tiêu chí xét tuyển từng trường thì quá hoảng vì học sinh khó đạt được yêu cầu. Theo ông Thạnh, 662 hồ sơ từ năm huyện nghèo được gửi đi, hầu như không có trường hợp nào là học sinh giỏi như yêu cầu của nhiều trường. “Chủ trương của bộ rất tuyệt vời, nhưng giá như bộ đồng thời có văn bản yêu cầu cụ thể gửi đến các trường, đặt ra đối tượng đạt yêu cầu thế nào thì xét vào dạng ưu tiên 1, ưu tiên 2... có lẽ các em sẽ đỡ bị hụt hẫng” - ông Thạnh nói.

Trong khi đó tại Điện Biên, bốn huyện nghèo với số lượng học sinh lớp 12 ước chừng 350-400 em thì có đến hơn 20% chỉ dừng ở học lực yếu. 343 hồ sơ (có thí sinh đăng ký xét tuyển nhiều ngành, nhiều trường, làm nhiều hồ sơ) thì chỉ có 24 em đạt học lực khá, còn lại xếp loại trung bình, không ai đạt danh hiệu học sinh giỏi. Ông Phạm Văn Tâm, trưởng phòng giáo dục chuyên nghiệp Sở GD-ĐT Điện Biên, than trừ một số trường đào tạo ngành nông lâm ở Thái Nguyên, Bắc Giang chấp nhận xét tuyển học sinh trung bình, còn các trường khối ngành kinh tế - kỹ thuật đều yêu cầu rất cao như ba năm học sinh giỏi, tốt nghiệp THPT loại khá. “Điều này rất vô lý vì ở Điện Biên, nếu các em học lực tốt một chút thì đã vào trường dân tộc nội trú tỉnh. Song 120 học sinh khối 12 của trường nội trú lại không thuộc đối tượng ưu tiên vì các em đã thoát ly, không tốt nghiệp tại trường THPT huyện nghèo như yêu cầu của bộ nữa” - ông Tâm phân trần.

Tại Thanh Hóa, rà soát hơn 1.000 hồ sơ xét tuyển thẳng gửi đến 114 trường ĐH, CĐ trên cả nước từ học sinh bảy huyện nghèo trên địa bàn cũng không có trường hợp nào đạt danh hiệu học sinh giỏi.

Một cán bộ phòng giáo dục chuyên nghiệp Sở GD-ĐT Bình Định cho biết với việc đặt ra các điều kiện học lực khá giỏi như vậy, học sinh các huyện nghèo này sẽ rất khó với tới vì điều kiện học tập và chất lượng học sinh không cao.

Theo điều 33 quy chế tuyển sinh: Đối với thí sinh là người dân tộc thiểu số, thí sinh có hộ khẩu thường trú từ ba năm trở lên tính đến ngày nộp hồ sơ xét tuyển tại các huyện nghèo theo quy định của Chính phủ, nếu học ba năm cuối cấp và tốt nghiệp THPT tại các huyện này thì hiệu trưởng các trường xem xét, quyết định xét tuyển cho vào học. Sau khi nhập học, những thí sinh này được học bổ sung kiến thức một năm trước khi vào học chính thức. Chương trình bổ sung kiến thức do hiệu trưởng các trường quy định.

MINH GIẢNG - NGỌC HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên