Chấn chỉnh đào tạo liên thôngTràn lan liên kết “chui”
Phóng to |
Điểm đặt lớp liên thông ĐH, CĐ của Trường ĐH Lương Thế Vinh, Trường ĐH Thái Bình Dương và CĐ Viễn Đông đều sai quy định - Ảnh: Minh Giảng |
Thời điểm này, Trường ĐH Võ Trường Toản đang nhận hồ sơ tuyển sinh chương trình liên thông từ trung cấp, CĐ lên ĐH. Điểm đặt lớp của chương trình này không phải cơ sở của trường tại tỉnh Hậu Giang mà ở TP.HCM. Không những thế, quy định tuyển sinh liên thông của trường cũng đi ngược lại quy định tuyển sinh liên thông của Bộ GD-ĐT.
Theo thông báo của trường, người tốt nghiệp trung cấp, CĐ không đúng chuyên ngành sẽ được học bổ sung kiến thức sau khi trúng tuyển. Thế nhưng theo quy định, người có bằng tốt nghiệp trung cấp hoặc cao đẳng khác ngành đào tạo nhưng cùng trong một khối ngành phải học thêm một khối lượng kiến thức bổ sung để có đủ trình độ đầu vào ngành theo học liên thông trước khi dự thi tuyển.
Mở lớp ngoài trường
Trong khi đó, Trường CĐ Viễn Đông cũng liên kết với Trường công nghệ Bách Khoa (trường trung cấp nghề) tuyển sinh và đào tạo liên thông từ trung cấp lên CĐ hệ chính quy. Đáng nói là trường tuyển sinh liên thông đối với đối tượng tốt nghiệp trung cấp nghề trong khi trường chưa được phép thực hiện việc này.
Việc liên kết và liên thông như trên đều trái quy định. Theo quy định liên kết đào tạo trình độ CĐ, đối tượng liên kết chỉ là các trường trung cấp chuyên nghiệp, CĐ, ĐH và các trung tâm giáo dục thường xuyên cấp tỉnh, hoàn toàn không có các trường nghề. Bên cạnh đó, theo thông báo tháng 11-2011, các trường không được liên kết đào tạo cấp bằng CĐ, ĐH chính quy ngoài cơ sở đào tạo.
Một trường khác cũng tuyển sinh rầm rộ nhiều chương trình đào tạo ĐH, CĐ chính quy ngoài trường tại TP.HCM là Trường ĐH Thái Bình Dương. Tại Trường trung cấp Tây Nam Á, Trường Thái Bình Dương liên kết tuyển sinh bốn ngành từ trung cấp lên ĐH để cấp bằng chính quy. Ngoài ra, Trường ĐH Lương Thế Vinh cũng liên kết với Trường Tây Nam Á tuyển sinh liên thông từ trung cấp lên ĐH để cấp bằng chính quy.
Điều đáng nói là nơi đặt lớp đào tạo ĐH của Trường ĐH Lương Thế Vinh lại là một trường tiểu học. Nhân viên Trường Tây Nam Á cho biết ngoài điểm đào tạo tại trường, còn có điểm đào tạo tại Trung tâm Giáo dục thường xuyên Q.11. Tuy nhiên, thường thì các lớp được tổ chức tại trường vì ở trung tâm giáo dục thường xuyên ít sinh viên. Chưa kể, Trường Thái Bình Dương còn tổ chức tuyển sinh và đào tạo liên thông từ trung cấp, CĐ lên ĐH với điểm đặt lớp tại các quận 6, 11, Gò Vấp, TP.HCM. Trường ĐH Điện lực cũng tổ chức tuyển sinh liên thông cấp bằng ĐH, CĐ chính quy với điểm đặt lớp tại một số trường trung cấp, CĐ ở TP.HCM.
Tuyển sinh “chui”
Không chỉ phớt lờ quy định, nhiều trường còn tuyển sinh khi chưa được phép. Đối với thông báo tuyển sinh của Trường trung cấp Hồng Hà, TS Đặng Công Quốc - trưởng phòng đào tạo thường xuyên Trường CĐ Công thương TP.HCM - cho rằng hiện việc liên kết này vẫn chưa được cấp phép và trường cũng không đồng ý đào tạo nhưng Trường Hồng Hà tự ý quảng cáo, tuyển sinh.
Trong khi đó, ông Trần Thanh Hải - hiệu trưởng Trường CĐ Viễn Đông - cho rằng trường đặt cơ sở tại Trường công nghệ Bách Khoa chứ không phải liên kết với đơn vị này. Tuy nhiên khi Tuổi Trẻ đặt vấn đề có được phép thành lập cơ sở hay chưa thì ông Hải nói rằng đã báo cáo Sở GD-ĐT nhưng chưa đăng ký! Ông Hải cũng thừa nhận trường chưa được cấp phép để tuyển sinh liên thông từ bậc trung cấp nghề lên CĐ chuyên nghiệp.
Khi liên hệ với bộ phận tuyển sinh Trường ĐH Võ Trường Toản tại TP.HCM, Tuổi Trẻ được nhân viên nhận hồ sơ khẳng định sinh viên sẽ học ngay tại địa chỉ 40 Đinh Tiên Hoàng (TP.HCM). Thế nhưng trao đổi với Tuổi Trẻ, TS Dương Đăng Khoa - hiệu trưởng Trường ĐH Võ Trường Toản - lại cho rằng đó chỉ là nơi nhận hồ sơ.
Sau khi nhận sẽ hỏi ý kiến người học, nếu sinh viên đồng ý về Hậu Giang học trường sẽ đào tạo, nếu không đồng ý thì thôi! Lý giải việc cho sinh viên tốt nghiệp không đúng chuyên ngành học bổ sung kiến thức sau khi trúng tuyển, ông Khoa cho rằng các trường có thể chọn một trong hai cách để học bổ sung trước hoặc sau (?). Tuy nhiên, theo quy định về đào tạo liên thông, người chưa đủ điều kiện dự thi liên thông phải học bổ sung kiến thức trước khi dự thi.
Sở GD-ĐT đứng ngoài cuộc Tại hội nghị giao ban năm thành phố trực thuộc trung ương diễn ra ở TP.HCM giữa tháng 3, nhiều đại biểu phàn nàn mặc dù đã có nghị định phân cấp quản lý trong lĩnh vực giáo dục nhưng hiện nay địa phương không được tham gia, có ý kiến. Ông Nguyễn Hữu Niềm - trưởng phòng giáo dục chuyên nghiệp Sở GD-ĐT Hà Nội - cho rằng việc liên kết đào tạo hiện nay “nở như hoa mùa xuân” nhưng sở không thể quản lý được. Ông lý giải: khi cần liên kết, các trường bàn bạc với nhau sau đó xin phép Bộ GD-ĐT, sở GD-ĐT không biết và cũng không được hỏi ý kiến. Chỉ cấp bằng vừa làm vừa học Ngày 14-11-2011, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga đã có văn bản chỉ đạo các trường chỉ liên kết tuyển sinh và đào tạo liên thông tại các trường trung cấp chuyên nghiệp, trường CĐ, ĐH hoặc trung tâm giáo dục thường xuyên cấp tỉnh theo quy định và chỉ cấp bằng tốt nghiệp hình thức vừa làm vừa học. Với các trường liên kết đặt lớp không đúng quy định, Bộ GD-ĐT cũng đưa ra các biện pháp xử lý như chuyển sinh viên đang học các lớp liên kết trái quy định sang các trường khác đủ điều kiện trên cùng địa bàn để đào tạo, trừ chỉ tiêu tuyển sinh năm 2012 đối với các trường vi phạm quy định. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận