22/03/2012 22:33 GMT+7

Các trường đại học tự quyết chỉ tiêu tuyển sinh

LÊ KIÊN
LÊ KIÊN

TTO - Chiều 22-3, UB Thường vụ Quốc hội thảo luận dự án Luật giáo dục đại học. Tiếp thu ý kiến đại biểu tại kỳ họp trước, Ủy ban văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng đã chỉnh lý dự thảo luật.

Việc chỉnh lý này nhằm làm rõ hơn các quy định về quyền tự chủ của trường đại học.

29zQvzZb.jpgPhóng to
Ảnh minh họa: NHƯ HÙNG

GS.TS Đào Trọng Thi – Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng– cho biết quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm là thuộc tính cơ bản của giáo dục đại học, là yêu cầu khách quan, tất yếu và phù hợp với xu thế phát triển và là tư tưởng xuyên suốt của dự luật.

Theo đó, dự thảo mới nhất quy định cơ sở giáo dục đại học tự chủ xác định chỉ tiêu tuyển sinh và chịu trách nhiệm công bố công khai chỉ tiêu tuyển sinh, chất lượng đào tạo và các điều kiện đảm bảo chất lượng đào tạo. Cơ sở giáo dục đại học tự chủ quyết định phương thức tuyển sinh và chịu trách nhiệm về công tác tuyển sinh.

Đối với vấn đề mở ngành, chuyên ngành. Dự luật quy định theo hướng các cơ sở giáo dục đại học đạt chuẩn quốc gia sẽ được quyền mở ngành, chuyên ngành đào tạo thuộc lĩnh vực của nhà trường khi có đủ năng lực đáp ứng các điều kiện theo quy định. Còn lại, do hiện nay thị trường lao động nước ta chưa đủ mạnh để có thể tự điều tiết hiệu quả giữa nhu cầu sử dụng và chất lượng nguồn nhân lực; vì vậy, giao cho Bộ trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo thẩm quyền quyết định cho phép mở ngành đào tạo để đảm bảo điều tiết cơ cấu nguồn nhân lực được đào tạo theo quy hoạch.

Đồng tình với quan điểm trên, phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng cứ để các trường tự chủ, tự chịu trách nhiệm về chất lượng đào tạo, phát triển phù hợp với quy mô. Không nên tồn tại chuyện hàng năm các trường cứ phải đi xin chỉ tiêu tuyển sinh. Tất nhiên, giao quyền tự chủ thì phải đi đôi với quy định chặt chẽ về tiêu chuẩn, về việc kiểm định chất lượng.

Còn phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho rằng “trao quyền tự chủ cần phải có lộ trình do các cơ sở đào tạo của ta chưa đồng điều, nhiều cơ sở chưa đủ điều kiện đảm bảo chất lượng đào tạo”.

Đối với nguyên tắc phi lợi nhuận trong đầu tư cơ sở giáo dục đại học, dự luật cũng đã quy định rõ là “cơ sở giáo dục đại học tư thục và cơ sở giáo dục đại học có vốn đầu tư nước ngoài được xác định là hoạt động không vì lợi nhuận nếu các cổ đông hoặc các thành viên góp vốn không hưởng lợi tức hoặc hưởng lợi tức hàng năm không vượt quá lãi suất huy động tiền gửi bình quân do Ngân hàng Nhà nước VN công bố”.

* Thảo luận về dự thảo Luật công đoàn (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng – an ninh Nguyễn Kim Khoa và chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu cho rằng Hiến pháp quy định giai cấp công nhân là lực lượng tiên phong, cho nên cần cân nhắc việc quy định trong luật cho phép người nước ngoài tham gia công đoàn.

“Có những công trường, nhà máy 100% lao động nước ngoài, hoặc đa số là người nước ngoài. Chẳng hạn ở công trường bôxit Nhân Cơ, Tân Rai phần lớn là lao động Trung Quốc thì họ có được thành lập tổ chức công đoàn không?” – tướng Khoa e ngại.

Tuy nhiên, phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân lại nghĩ khác: “Với tinh thần giai cấp công nhân toàn thế giới đoàn kết lại. Tôi nghĩ rằng để lao động nước ngoài vào công đoàn thì chỉ có tốt. Vì luật chúng ta quy định rõ là công đoàn đặt dưới sự lãnh đạo toàn diện của Đảng. Như vậy người ta vào sẽ nghiên cứu điều lệ Đảng, rồi nghiên cứu nghị quyết 4 của Đảng ta, như vậy chỉ có tốt cho đảng. Cho phép người nước ngoài vào công đoàn cũng thể hiện sự cởi mở của chúng ta. Ở đây không có gì là nhạy cảm chính trị cả”.

Phó chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn cũng cho rằng không nên cho phép lao động nước ngoài tự lập tổ chức công đoàn, còn việc họ tự nguyện xin gia nhập tổ chức công đoàn cơ sở tại VN thì nên chấp nhận.

LÊ KIÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên