08/03/2012 03:11 GMT+7

Sẽ quan tâm hơn đến vấn đề con người

VĨNH HÀ - NGỌC HÀ ghi
VĨNH HÀ - NGỌC HÀ ghi

TT - Sáng 7-3, ông Phạm Vũ Luận, bộ trưởng Bộ GD-ĐT, đã có cuộc đối thoại về GD-ĐT tại cổng thông tin điện tử của Chính phủ.

Trình bày những công việc sẽ giải quyết trong năm 2012 và chuẩn bị triển khai cho sau năm 2015, bộ trưởng nhấn mạnh: “Vấn đề nổi cộm mà Bộ GD-ĐT sẽ tập trung quan tâm là yếu tố con người, trong đó thầy cô giáo, học sinh, sinh viên sẽ là đối tượng trung tâm”.

Xem tường thuật trực tuyến cuộc đối thoại

7uANW0U1.jpgPhóng to
Ông Phạm Vũ Luận - Ảnh: Việt Dũng

Vừa đặt câu hỏi nhưng ông Tạ Quang Sum, hiệu trưởng Trường THPT Trần Hưng Đạo (TP Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa), vừa gợi ý với bộ trưởng một hướng giảm tải hợp lý, hiệu quả hơn: không nên giảm tải như hiện nay mà nên soát xét toàn bộ chương trình để cắt giảm bộ môn, tiết học. Từ đó tăng chủ đề, nội dung, thời lượng cho một số bộ môn nhằm mở rộng phạm vi cung ứng kiến thức, lược những phần không cần thiết.

Giảm tải cần hiệu quả

Trao đổi với ông Tạ Quang Sum, ông Phạm Vũ Luận nhận xét ý kiến trên rất có ý nghĩa. Ông Luận khẳng định: “Có những việc sẽ giải quyết ngay trong năm 2012. Nhưng có những vấn đề chúng tôi sẽ trao đổi, thảo luận để chuẩn bị kế hoạch đổi mới giáo dục phổ thông sau năm 2015”.

Một học sinh lớp 12 đặt vấn đề với bộ trưởng: “Đổi mới SGK, phương pháp dạy học nên theo hướng dạy bằng thực hành, hình ảnh, video clip, mẩu chuyện, tình huống thực tế sẽ dễ nhớ, nhớ lâu. Đừng bắt chúng cháu học những cuốn sách chỉ có chữ và những câu hỏi, bài toán khó hiểu và phi thực tế”.

Bộ trưởng Phạm Vũ Luận bày tỏ bất ngờ về sự hiểu biết và tâm huyết của em học sinh trên. Ông hứa: “Để đổi mới chương trình - SGK phổ thông sau năm 2015, chắc chắn chúng tôi sẽ lắng nghe ý kiến từ đối tượng phục vụ của mình là học sinh. Chúng tôi sẽ có cơ chế rộng rãi hơn để tiếp nhận ý kiến của cháu và các bạn khác một cách đầy đủ, sâu rộng”.

Giáo viên không biết đến tiền thưởng tết, dài cổ đợi phụ cấp thâm niên

Khôi hài phó giáo sư lại phải thi giảng viên chính

Bạn đọc Nguyễn Hoàng Hà (ĐH Bách khoa) dẫn chứng về sự bất cập trong văn bản ban hành cho ngành giáo dục khi trước đây quy định những ai được phong phó giáo sư sẽ hưởng lương giảng viên chính, nhưng quyết định 174/2008/QĐ-TTg ghi rõ ai được công nhận là phó giáo sư lại tiếp tục nộp hồ sơ thi giảng viên chính. Bước “cải tiến... lùi” này đã mặc nhiên thừa nhận mệnh đề khôi hài là phó giáo sư thấp hơn giảng viên chính (?!). Ông Luận thừa nhận đây là lỗi đã được phát hiện và sẽ sửa đổi, đưa ra dự thảo quyết định mới thay thế quyết định 174 ngay trong tháng tới.

Rất nhiều ý kiến đề cập những bất cập trong chế độ, chính sách với nhà giáo. Bà Nguyễn Thị Nguyệt (Hà Giang) nói: “Dù có chế độ ưu đãi nhưng đến nay đời sống của giáo viên vùng cao rất khổ cực, cơ sở vật chất thiếu thốn, đồng lương không đủ sống, có nơi giáo viên không biết đến tiền thưởng tết là gì. Vậy làm sao giáo viên có thể tâm huyết với nghề, thưa bộ trưởng?”.

Một cán bộ quản lý giáo dục ở huyện Hoài Nhơn, Bình Định cho biết đã làm công tác quản lý giáo dục 20 năm, sắp về hưu mà không được hưởng một loại phụ cấp nào.

Nhiều thầy cô giáo đặt câu hỏi: “Vì sao quy định về phụ cấp thâm niên có hiệu lực gần một năm qua mà giờ giáo viên vẫn chưa được nhận? Ở ngay Hà Nội, nhiều giáo viên cũng không biết bao giờ thì được nhận và nhận bao nhiêu, từ khi nào?”.

Về phụ cấp thâm niên cho nhà giáo, bộ trưởng thừa nhận: “Chúng tôi muốn ban hành sớm nhất, nhưng do có tới bốn bộ tham gia ban hành, nội dung lại liên quan đến nhiều lĩnh vực khác nhau nên mặc dù các bộ, ngành làm rất nghiêm túc, rất quyết tâm nhưng có thể một phần do năng lực, phần lớn do cơ chế nên triển khai chưa được nhanh”.

Đề cập đến chính sách đối với giáo viên vùng khó, người đứng đầu ngành GD-ĐT chia sẻ với khó khăn của các thầy cô giáo và cho biết Chính phủ đang xây dựng chính sách tiền lương mới, Bộ GD-ĐT và các bộ, ngành đang đề xuất chính sách đặc thù đối với thầy cô giáo, học sinh, sinh viên, các đối tượng ưu tiên nhưng vẫn phải đặt trong mặt bằng chung với các đối tượng khác. Riêng chính sách đối với giáo viên mầm non, bộ trưởng cho biết đã ban hành định mức giờ làm việc đối với giáo viên mầm non để các thầy cô giảm bớt căng thẳng, đang nghiên cứu để có biên chế cho bảo mẫu, triển khai chuyển giáo viên mầm non ngoài công lập ở khu vực khó khăn vào công lập.

Kiểm định mỏng, chất lượng ĐH “có vấn đề”

Nhiều ý kiến tại cuộc đối thoại lo ngại việc ĐH thành lập nhiều mà bộ phận kiểm định của bộ quá mỏng, không đủ để rà soát các trường có bảo đảm được chất lượng như cam kết thành lập.

Bộ trưởng Phạm Vũ Luận thừa nhận công tác kiểm định giáo dục chưa đáp ứng được nhu cầu, các trường vẫn được khuyến khích... tự đánh giá. Cuối năm 2011, trong đợt kiểm tra 20 trường ĐH, bộ đã buộc ngừng tuyển sinh bốn trường và dừng tuyển sinh hàng trăm ngành đào tạo ở các trường khác. Hiện bộ đang có những đoàn kiểm tra cam kết thành lập trường ở 80 trường ĐH. Tuy nhiên, bạn đọc Trần Đức Thụ (Đà Nẵng) vẫn hoài nghi về các biện pháp xử lý khi đặt vấn đề: “Bộ đã kiểm tra các trường, nhưng quan điểm của bộ trong xử lý các sai phạm như thế nào?”.

Đáp lại, bộ trưởng đưa ra phương án khá mềm dẻo, được so sánh giống như những “lương y” với nhiệm vụ “cứu người” là trên hết, tức là hỗ trợ, giúp đỡ, nhắc nhở, cảnh báo để các trường khắc phục, bổ sung điều kiện. Với các vi phạm nghiêm trọng, sai sót lớn ảnh hưởng sâu sắc mạnh mẽ tới chất lượng giáo dục thì phải có biện pháp mạnh. Nhưng với những sai phạm kiểu như ĐH Hùng Vương thì không chỉ có chế tài của cơ quan quản lý nhà nước, chắc chắn sẽ cần sự can thiệp của pháp luật.

Bạn Ngọc Lan - một công chức trẻ - không giấu được sự hoang mang đối với chính khả năng, trình độ thật sự của mình dù đã tốt nghiệp ĐH ba năm, đã đi làm và hiện đang tiếp tục học cao học: “Sau khi tốt nghiệp ĐH, cháu đã rơi vào một cuộc khủng hoảng vì không biết mình sẽ làm gì và làm ở đâu vì thật sự những gì cháu học khác xa rất nhiều so với thực tế (...). Chương trình cao học cháu sắp tốt nghiệp thì quá chồng chéo, không thực chất”.

Bộ trưởng thừa nhận: “Chất lượng đào tạo nguồn nhân lực còn nhiều điều phải bàn” và cho biết “đã đưa ra quy định cao hơn về chuẩn, điều kiện mà các trường được phép tổ chức đào tạo sau ĐH và tiến hành thanh tra, kiểm tra đối với các cơ sở giáo dục ĐH không còn đủ điều kiện đáp ứng đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ để rút chỉ tiêu”. Bộ yêu cầu và tạo điều kiện để các cơ sở giáo dục ĐH có chuyển đổi chương trình đào tạo từ hướng đào tạo những cái mình có năng lực sang hướng đào tạo theo nhu cầu doanh nghiệp.

VĨNH HÀ - NGỌC HÀ ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên