Phóng to |
Bộ trưởng Bộ GD - ĐT. Ảnh: chinhphu.vn |
Trong đó có nhiều vấn đề mà dư luận bức xúc, mong muốn được sự giải thích thuyết phục.
Trao đổi về những công việc sẽ làm trong năm 2012 và những năm tới, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho biết: Trong năm 2012, chúng tôi tập trung vào những công việc sau: khối mầm non, phổ thông tăng cường cơ sở vật chất, tăng chất lượng, tiếp tục thực hiện giảm tải. Tập trung triển khai tốt hơn phổ cập mầm non 5 tuổi, quan tâm giáo dục vùng sâu vùng xa.
* Ngành nông, lâm, ngư nghiệp, sư phạm hiện nay kém hấp dẫn và việc mất cân đối còn trầm trọng hơn trong những năm tới. Bộ GD-ĐT có giải pháp gì để khắc phục? (Anh Thanh Tùng, tại Quán Thánh, Hà Nội)
- Việc mất cân đối là một thực tế. Khi chúng ta chuyển sang cơ chế thị trường, giữa đào tạo và phân công công việc không gắn với nhau. Đây là một khó khăn. Bộ GD-ĐT cũng có những chính sách để thu hút ngược học sinh vào những ngành xã hội đang thiếu nhân lực.
Về chính sách, đối với giáo viên chúng tôi đã có phụ cấp thâm niên giảng dạy trong hệ thống, phụ cấp đứng lớp. Đối với giáo viên dạy học ở vùng sâu vùng xa có phụ cấp thu hút, cao nhất là 70% lương cơ bản. Có chính sách thu hút giảng viên giỏi. Học sinh tiểu học được miễn học phí.
* Tại sao bộ không có chủ trương thay đổi vào đầu năm học để có sự chuẩn bị? Bộ chỉ cho phép tuyển sinh khối A1 nhưng Trường ĐH Kiến trúc TP.HCM tuyển sinh khối H1, việc này có phải chủ trương chung, Bộ GD-ĐT có cho phép không?
- Năm 2012, Bộ GD-ĐT chỉ quyết định bổ sung khối thi A1. Khối H1 do Trường ĐH Kiến trúc TP.HCM đề xuất nhưng bộ không đồng ý.
* Số trường ĐH thành lập nhiều, trong khi bộ chưa đủ lực lượng cán bộ kiểm định, thẩm định đúng chất lượng đào tạo của nhiều trường ĐH. Thưa bộ trưởng, bộ đã nghĩ đến phương án nào tái cơ cấu mạng lưới ĐH trong toàn quốc? (Ông Bình, Hội Khoa học lịch sử Việt Nam)
- Đây là câu hỏi nhiều mảng. Thành lập trường và tự chủ trường ĐH khác ở trường phổ thông. Tất cả các trường phổ thông đều chung một chương trình, trong khi ĐH hoàn toàn khác. Các trường ĐH, CĐ đào tạo nhiều ngành nghề, đáp ứng nhu cầu khác nhau về nguồn nhân lực và ĐH tự chủ cao hơn phổ thông.
Để đảm bảo năng lực và điều kiện tự chủ, bộ yêu cầu những trường có thầy giáo ít thì không được tự thẩm định chương trình, giáo trình mà phải mang hồ sơ đến các trường ĐH có đội ngũ, bề dày kinh nghiệm để được thẩm định và hướng dẫn thực hiện. Toàn bộ việc mở ngành do bộ xem xét.
Kiểm định là công việc quan trọng để bảo đảm nguồn nhân lực, là điều kiện thúc đẩy các trường phát triển. Bộ đã có văn bản hướng dẫn để nhà trường tự đánh giá. Bộ đang xây dựng văn bản đào tạo cán bộ kiểm định và đã cử cán bộ đi học về kiểm định tại các nước làm tốt việc này. Nhất định sẽ đưa chất lượng kiểm định trở thành yêu cầu bắt buộc đối với nhà trường.
* Câu chuyện trên chắc chắn có liên quan đến sự việc của ĐH Hùng Vương đúng không thưa bộ trưởng? (câu hỏi của người dẫn chương trình)
- Đây là một trường hợp cá biệt. Lãnh đạo bộ vừa ký quyết định ngừng tuyển sinh đối với Trường ĐH Hùng Vương. Tôi tin rằng sau đây UBND TP.HCM sẽ xử lý đến cùng những sai phạm của trường này.
* Bộ đã kiểm tra một số trường đại học, quan điểm của Bộ GD-ĐT trong việc này thế nào? (Một bạn đọc tại Đà Nẵng)
- Sự vững mạnh, yếu kém của các trường cũng là sự vững mạnh, yếu kém của bộ. Bộ GD-ĐT muốn có những cảnh báo, nhắc nhở để các trường điều chỉnh. Nhưng với những sai phạm nghiêm trọng thì phải xử lý nghiêm khắc, như trường hợp Trường đại học Hùng Vương.
* Bộ GD-ĐT đã phê duyệt đề án phổ cập mầm non 5 tuổi. Bộ cho biết việc này đã triển khai thế nào? Vì sao tình trạng phụ huynh xếp hàng xin học cho con qua đêm kéo dài chưa được khắc phục?
- Tôi đã xem những cảnh các ông bà, bố mẹ xếp hàng xin học cho con. Tôi rất chia sẻ với những khó khăn của các bậc phụ huynh và cảm ơn các bậc phụ huynh đã quan tâm đến việc học của con em trong hoàn cảnh khó khăn. Việc thiếu chỗ học do tốc độ đô thị hóa, nhu cầu học tăng đột biến.
Một nguyên do nữa là sự chênh lệch giữa điều kiện đảm bảo chất lượng giáo dục giữa các trường. Nhu cầu muốn học ở nơi có điều kiện tốt hơn khiến cho một số nơi có sự quá tải, căng thẳng trong tuyển sinh. Bộ GD-ĐT chỉ đạo ngành GD-ĐT phải cố gắng kéo gần khoảng cách chất lượng giữa các trường. Bộ GD-ĐT cũng đã làm việc với Hà Nội và TP.HCM và đã có những giải pháp quyết liệt để chấm dứt việc này.
* Bộ GD-ĐT có giải pháp gì khắc phục khó khăn của giáo viên mầm non? Giáo viên mầm non có được biên chế hết trong năm nay không?
- Thời gian làm việc của giáo viên mầm non hơn 8 tiếng, có khi hơn 10 tiếng. Thu nhập của giáo viên mầm non rất thấp. Giáo viên mầm non ngoài công lập thu nhập còn thấp hơn. Bộ đã ban hành định mức làm việc của giáo viên mầm non, có tính toán về biên chế để giáo viên mầm non không phải làm việc căng thẳng. Đang đề xuất biên chế cho bảo mẫu trong trường mầm non, chuyển giáo viên mầm non trong trường ngoài công lập vào trường công lập ở địa bàn khó khăn.
Phóng to |
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận trong buổi đối thoại trực tuyến - Ảnh: Việt Dũng |
Phóng to |
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận (phải) nhận được nhiều câu hỏi trong buổi đối thoại trực tuyến - Ảnh: Việt Dũng |
* Việc dạy chữ trước cho trẻ mầm non bao giờ mới cấm được? Học sinh học 2 buổi ở trường về nhà vẫn phải làm bài tập đến đêm, vậy có cần thiết không?
- Bộ GD-ĐT đã có chỉ đạo cấm dạy chữ trước cho trẻ mầm non. Học sinh tiểu học học 2 buổi/ngày ở trường vẫn phải làm bài tập ở nhà là không cần thiết.
* Bộ trưởng trả lời như thế với tư cách phụ huynh hay bộ trưởng?
- Tôi nghĩ là cả hai.
* Bộ GD-ĐT đang triển khai đề án dạy ngoại ngữ bắt buộc cho học sinh lớp 3 trở lên nhưng trình độ giáo viên thì còn thấp. Bộ có giải pháp gì để đảm bảo chất lượng?
- Quan điểm của Bộ GD-ĐT là tiến dần dần. Bao giờ đủ điều kiện về cơ sở vật chất, chất lượng giáo viên thì mới triển khai. Cùng với việc triển khai đề án dạy ngoại ngữ cho học sinh từ lớp 3, Bộ GD-ĐT cũng có kế hoạch đào tạo, tập huấn giáo viên đủ trình độ để đảm nhiệm chương trình này.
Phóng to |
Quang cảnh buổi đối thoại trực tuyến |
* Trong năm 2012, việc tổ chức thi ĐH, CĐ có gì thay đổi so với trước? Có thể gộp kỳ thi ĐH, CĐ thành một đợt thay cho 2 đợt để đỡ tốn kém cho xã hội?
- Bạn nên tham khảo chi tiết trên trang web của bộ. Về cơ bản, kỳ thi giữ ổn định như 2011. Những thay đổi chỉ để bảo đảm thuận lợi cho thí sinh. Năm nay bổ sung khối A1 toán, lý, tiếng Anh. Lưu ý những trường trước đây tuyển khối A muốn bổ sung A1 thì phải tuyển sinh ngành đó cả hai khối A, A1.
Năm 2012 cũng mở điều kiện để các cháu thi khu vực Hà Nội, TP.HCM là thí sinh Quảng Ninh, Hải Phòng, khu vực lân cận Nghệ An sẽ được thi tại địa phương, là các cụm thi.
Hiện tại, hằng năm số lượng thí sinh dự thi ĐH-CĐ rất lớn, không thể chung đợt vì không đủ thầy cô để coi thi, không đủ phương tiện phục vụ tất cả cho một đợt thi, không đủ phòng thi. Điều kiện ăn uống, đi lại cũng sẽ rất căng thẳng nếu gộp tất cả vào một đợt thi, nên phương án này không thể thực hiện được.
- Ông Bùi Anh Tuấn - vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học Bộ GD-ĐT - trả lời thêm: Điều chỉnh ĐH, CĐ chỉ là yếu tố kỹ thuật, còn cơ bản là giữ ổn định. Tất cả là để tạo thuận lợi cho thí sinh và gia đình.
* Bộ không in cuốn “Những điều cần biết” khiến dư luận cho rằng làm các thí sinh, phụ huynh rối như canh hẹ. Nhiều đơn vị lợi dụng phát hành và có nhiều thông tin sai. Nhiều cuốn nói là “nhân đôi điểm ưu tiên” trong khi bộ đã bỏ quy định cho phép các trường vùng dân tộc thiểu số được hạ điểm chuẩn.
Ngay trong thông tin trên trang web của bộ cũng không chuẩn khi một số ngành của một số trường như ĐH Hoa Sen vẫn ghi mã ngành ba chữ số, ĐH quốc tế Hồng Bàng lại ghi ở Hải Phòng, trong khi nó nằm ở TP.HCM. Bộ có phương án sửa chữa nào?
- Thông tin phát hành cuốn “Những điều cần biết” vừa đúng vừa không đúng. Sau hội nghị tuyển sinh, bộ đã lắng nghe và giao cho NXB Giáo Dục VN tổ chức xuất bản cuốn những điều cần biết. Các cục vẫn cân chỉnh thông tin để phát hành sớm nhất. Hiện chưa phát hành được vì đúng là còn nhiều sai sót.
Có những trường đăng ký chỉ tiêu cao, phải cân chỉnh lại cho đúng. Sáng hôm qua vẫn còn 40 trường chưa đăng ký. Trong 1-2 ngày nữa khi có đầy đủ thông tin thì NXB sẽ phát hành cuốn sách này.
* Bao giờ bộ trưởng ký điều lệ trường CĐ sửa đổi, bổ sung?
- Điều lệ trường CĐ đã được ban hành năm 2009. Năm 2011 đã sửa đổi, bổ sung một số điều và đã ban hành. Dự thảo điều lệ mới đang bàn thảo. Để nó phù hợp với Luật GD ĐH thì chờ Quốc hội phê duyệt luật GD ĐH thì sẽ ban hành đồng bộ cả điều lệ trường CĐ.
* Tôi làm ở phòng giáo dục đào tạo địa phương. Vậy có được hưởng phụ cấp thâm niên hay không?
- Xin chia sẻ tâm sự của bác. Phụ cấp đứng lớp và phụ cấp thâm niên là chính sách của Chính phủ dành cho giáo viên trực tiếp đứng lớp. Bác làm ở phòng giáo dục nên là công chức, không được hưởng phụ cấp thâm niên mà được hưởng chế độ phụ cấp công vụ, được tính từ 1-5-2011.
* Mặc dù có chế độ ưu đãi, nhưng chế độ của người dân vùng cao rất khó khăn, không có thưởng tết?
- Đã có phụ cấp thu hút, mức cao nhất lên đến 70%. Nhưng những khó khăn của thầy cô, đồng bào, học sinh vùng sâu vẫn còn rất nhiều. Hiện nay, Chính phủ đang triển khai xây dựng những chính sách tốt hơn, đặc thù đối với các giáo viên vùng cao.
* Cháu 26 tuổi, đã tốt nghiệp ĐH 3 năm, đang làm cơ quan nhà nước. Sau tốt nghiệp ĐH cháu bị khủng hoảng vì nội dung học không áp dụng gì được cho công việc. Hiện tại cháu đang học cao học, thấy chương trình chồng chéo, không phù hợp. Bộ có biết điều này và có giải pháp gì không?
- Xin chia sẻ băn khoăn của bạn. Như phần đầu đã nói, đào tạo ĐH thì có nhiều ngành nghề, lĩnh vực đào tạo rất khác nhau. Các trường ĐH có quyết định tương đối độc lập trong chương trình.
Để khắc phục những chồng chéo của chương trình, bộ đã, đang chỉ đạo các trường xem xét điều chỉnh lại các chương trình đào tạo phù hợp nhu cầu, đưa ra quy định cao hơn về chuẩn đối với các trường được phép đào tạo sau ĐH. Sẽ thanh, kiểm tra toàn diện các trường trong thời gian tiếp theo. Năm vừa rồi bộ đã rút hơn 100 chuyên ngành của các trường không được đào tạo nữa.
Bộ yêu cầu các trường điều chuyển chương trình phù hợp với nội dung làm việc các doanh nghiệp, khuyến khích, tạo điều kiện các cơ sở giáo dục quan hệ tốt với các cơ sở giáo dục, với các doanh nghiệp, tổ chức sử dụng người lao động để điều chỉnh nội dung. Bộ tăng cường quản lý nhà nước, khuyến khích cơ sở hoạt động tốt, xử phạt trường vi phạm quy chế.
* Chúng tôi đang học sau ĐH. Có những giảng viên nói thẳng là các anh cần bằng còn tôi cần SV. Ý kiến của bộ trưởng về mệnh đề này?
- Nói thế thì cũng có khía cạnh đúng. Nhưng quan trọng là SV cần bằng có chất lượng và nhà trường cần có SV tốt thì mới là mệnh đề đúng, đủ.
* Nhiều trường ngoài công lập tuyển SV ồ ạt, không bảo đảm, bộ có phương án quản lý thế nào?
- Trong năm 2011, bộ đã kiểm tra các điều kiện bảo đảm thành lập trường đối với các trường đã thành lập trong 10 năm, trong đó có những trường ngoài công lập. Trên cơ sở này, chúng tôi đã có cảnh báo với các trường, đã có quyết định dừng tuyển sinh các trường vi phạm nghiêm trọng về bảo đảm chất lượng. Các trường phải chủ động xây dựng đề án đào tạo giáo viên trẻ với những ngành sắp mở.
Hiện tại, các đoàn thanh tra đang thanh tra đợt 2 đối với các trường. Đợt này sẽ kiểm tra 80 trường.
* Cháu là học sinh. Cháu thấy bộ nên đổi mới chương trình, tăng cường dạy bằng các video, đừng cho cháu học bằng những sách khô khan. Chẳng hạn, môn toán không nên hàn lâm mà nên mềm dẻo, đưa ra phần bắt buộc và nâng cao, phù hợp từng trình độ?
- Tôi thấy rất mừng vì câu hỏi rất hay của các cháu. Việc đổi mới căn bản toàn diện giáo dục, đổi mới sách giáo khoa chắc chắn sẽ có lắng nghe đối tượng học sinh.
* Tôi là giáo viên cấp 2, trường tôi đã đạt chuẩn quốc gia, nhưng tôi thấy thực tế còn nhiều bất cập, còn có những học sinh ngồi nhầm lớp. Xin hỏi ý kiến của bộ trưởng về điều này?
- Mục đích phấn đấu đạt trường chuẩn quốc gia nhằm để các trường nỗ lực xây dựng các điều kiện đảm bảo chất lượng. Tiêu chí để xét công nhận trường chuẩn quốc gia được Bộ GD-ĐT ban hành. Nhưng chủ trương của bộ là phải làm thực chất. Danh hiệu chỉ có ý nghĩa khi làm thực chất. Đề nghị bạn cho biết cụ thể hơn về trường mà bạn đề cập để Bộ GD-ĐT kiểm tra.
* Hiện nay có tình trạng nhiều sinh viên ra trường không có việc làm. Trong khi nhiều trường đại học vẫn tiếp tục tuyển sinh những ngành đang dư thừa nhân lực. Ý kiến của bộ trưởng?
- Tình trạng trên là có thật. Trên cơ sở Chính phủ yêu cầu các bộ ngành xây dựng quy hoạch nguồn nhân lực. Bộ GD-ĐT sẽ rà soát điều chỉnh chi tiết hơn quy hoạch mạng lưới các trường đại học, theo từng khu vực, ngành nghề.
Với các trường đã thành lập, đang hoạt động, trường nào được phép mở ngành, trường nào không được phép nữa, chúng tôi sẽ thiết lập trên mạng bảng thống kê những sinh viên đã học tập trong những ngành nghề nào, để những thí sinh chuẩn bị thi đại học - cao đẳng tham khảo trong việc chọn ngành nghề đào tạo cho mình.
* Hàng ngàn giáo viên chưa nhận được phụ cấp thâm niên trong khi thông tư đã có hiệu lực. Ở ngay Hà Nội nhiều giáo viên cũng không biết bao giờ sẽ nhận được?
- Văn bản này đã được bốn bộ ký, có hiệu lực từ 20-2. Giáo viên sẽ được nhận phụ cấp này từ ngày 1-5-2011. Đúng là có việc chậm trễ nhưng liên quan đến bốn bộ, ngành, có thể liên quan đến năng lực, cũng có thể liên quan đến cơ chế có nhiều phức tạp. Nhưng rất mừng là hiện tại việc này đã làm xong và giáo viên sẽ sớm được nhận phụ cấp thâm niên.
* Bộ sẽ tiếp tục chỉ đạo thực hiện chủ trương di dời các trường đại học ra khỏi vùng ven đê thế nào?
- Đây là vấn đề lớn. Về phía Bộ GD-ĐT, chúng tôi là cơ quan am hiểu nhất về các trường. Chúng tôi đã thành lập tổ công tác làm việc nhiều lần với các nhà trường, các thành phố, tham khảo ý kiến rộng rãi. Chúng tôi sẽ hoàn thiện văn bản báo cáo trong cuộc họp liên tịch các cơ quan và báo cáo lên Thủ tướng.
Tuy nhiên, đây là công việc rất khó. Nguồn vốn di dời lớn, đất xây dựng còn thiếu. Đây là bài toán lớn mà chúng tôi cùng nhiều bộ ngành và các thành phố vẫn đang phải tìm cách từng bước tháo gỡ.
* Đầu vào của các trường sư phạm hiện nay rất thấp. Bộ sẽ làm gì trước thực trạng này?
- Những năm qua sinh viên sư phạm đã được miễn học phí. Đây là chính sách nhằm thu hút người học vào ngành này. Ngoài ra, chế độ chính sách đối với giáo viên, điều kiện ăn, ở, sinh hoạt, học tập của sinh viên sư phạm cũng là những yếu tố cần xem xét để thu hút người giỏi vào ngành sư phạm.
Chúng tôi đã rà soát lại các trường sư phạm trọng điểm, đề nghị đổi mới phương pháp giảng dạy, chương trình đào tạo, điều kiện đảm bảo chất lượng. Bộ cũng sẽ xem xét để đẩy mạnh chính sách khuyến khích đối với nhà giáo.
* Cháu đọc báo thấy bộ trưởng rất thích đọc sách. Hiện tại với công việc rất bận rộn thì bác còn dành nhiều thời gian cho sách hay không? Bác đánh giá thế nào về văn hóa đọc hiện nay? (Quang Tùng, SV năm thứ 2)
- Tôi vẫn đọc. Trước hết là sách liên quan công việc, các sách về giáo dục, quản lý giáo dục, các sách về chính sách của Đảng và Nhà nước. Mảng thứ hai là sách văn hóa nghệ thuật. Các sách này được tôi mang trong cặp đi công tác địa phương. Đi công tác nước ngoài, chênh lệch múi giờ, không ngủ được, tôi cũng hay mang sách ra đọc.
Về văn hóa đọc nếu nói một câu chung thì rất khó. Không thể phủ nhận hiện có nhiều bạn trẻ có ý kiến độc đáo, sâu sắc, có tố chất sáng tạo. Tuy nhiên, thi thoảng vào blog, tôi nhận thấy một bộ phận nào đó có vấn đề, không lành mạnh, không được định hướng.
Trong quá trình bùng nổ khoa học công nghệ thì chuyện đó bình thường. Vấn đề quan trọng là mỗi cá nhân nên tự điều chỉnh bản thân, nhất là bạn đọc trẻ, chọn được những nội dung, những vấn đề đáng đọc, đáng quan tâm để dành thời gian ra đọc.
* Cháu là học sinh phổ thông. Cháu được biết năm 2011 là năm đầu tiên bộ tham gia đánh giá học sinh phổ thông theo tiêu chuẩn quốc tế PISA. Cháu muốn được biết cụ thể hơn về việc áp dụng này của bộ?
- Đúng là năm 2011 bộ tham gia hai chương trình đánh giá học sinh phổ thông quốc tế. Cho đến giờ ta vẫn đánh giá chất lượng giáo dục địa phương này, địa phương kia theo tỉ lệ tốt nghiệp.
Việc đánh giá đó cũng có phần đúng, nhưng lại tạo áp lực cho thầy cô. Nhiều người lo học sinh bị đánh giá kém thì giáo viên cũng sẽ bị đánh giá kém, tỉ lệ tốt nghiệp thấp thì địa phương cũng bị dán mác địa phương chất lượng giáo dục kém. Đó là nguyên ngân gây bệnh thành tích. Ở quốc tế có đánh giá, nhưng không căn cứ theo kết quả của thi cử.
Hiện tại, sau một thời gian chuẩn bị, năm nay ngành giáo dục bắt đầu đánh giá chất lượng giáo dục phổ thông cùng với các nước khác, không liên quan tỉ lệ tốt nghiệp phổ thông và việc đánh giá điểm số đối với các cháu. Hi vọng nó sẽ giải tỏa được sức ép đối với thầy cô, đưa việc học đi vào thực chất.
* Tình trạng lạm thu gây nhiều bức xúc. Hiện tại, nó bị biến tướng dưới nhiều hình thức, rất khó xử lý. Giải pháp của bộ? (Bạn đọc Ngô Thanh Hằng)
- Hiện tại, lạm thu chủ yếu ở thành phố lớn, gây bức xúc không chỉ cho người dân tại chỗ mà với cả nước. Nhiều địa phương đã nỗ lực tìm giải pháp rất tốt. Hiện tại, ở Quảng Ninh có nhiều giải pháp hay. Thời gian tới tôi sẽ đến Quảng Ninh để tìm hiểu kỹ mô hình, các giải pháp của địa phương này. Với Hà Nội, hiện đã cấp tiền cho các trường cao hơn.
Trước đây 80% để lo lương, 20% lo các công việc khác của nhà trường, nhưng nay đã tăng lên 25%, riêng cấp THPT thỉ lệ này là 30%.
Về phía bộ, bộ đã có xem xét soạn thảo điều chỉnh điều lệ ban đại diện cha mẹ học sinh, nghiêm cấm phụ huynh đứng ra thu tiền lo máy chiếu, cơ sở vật chất, lương thưởng bồi dưỡng thầy cô…
Phụ huynh có tấm lòng thì tự đến gặp ban giám hiệu, phòng tài vụ đóng góp chứ không thông qua hội phụ huynh - dưới hình thức vận động, “tự nguyện một cách bắt buộc”, triển khai không đàng hoàng.
Song, những giải pháp về mặt hành chính một mình nó không giải quyết được mà cần nhiều phương án hỗ trợ: tuyên truyền từ địa phương, các hội dân cư tạo sự điều chuyển cả hệ thống.
* Vấn đề cấp bách nhất là quản lý giáo dục. Trình độ quản lý của hiệu trưởng nhiều trường ĐH rất kém, ví dụ xây phòng bảo vệ 300 triệu đồng, đáng lẽ chỉ cần 100 triệu, nhà xe 500 triệu. Tin được không, thưa bộ trưởng? Tiền đầu tư giáo dục thực chất đi vào đâu?
- Đúng là quản lý giáo dục là yếu tố cấp bách nhất. Quản lý chính là khâu đột phá. Tất cả việc mua sắm bằng nguồn ngân sách phải thực hiện theo quy định nhà nước: lập dự án, đấu thầu, nghiệm thu. Sẽ có cơ quan giám sát chặt vấn đề này.
* Con đang học cao đẳng tại TP.HCM. Con đọc báo thấy có thông tin liên thông ĐH cùng tuyển sinh ĐH. Như vậy thì quá thiệt thòi cho chúng con. Việc học CĐ để chuẩn bị học liên thông dường như không còn ý nghĩa nữa. Thực chất trường con đào tạo liên thông rất nghiêm. Nói liên thông xấu là "vơ đũa cả nắm". Bộ trưởng có ý kiến gì về thực tế này?
- Bộ chưa bao giờ đánh giá liên thông không nghiêm túc. Vì ngay đào tạo chính quy cũng có chỗ nghiêm, chỗ không. Tuy nhiên, cũng phải thừa nhận là có những nơi đào tạo liên thông bao hàm nhiều hiện tượng không đúng. Có hai điểm mới trong đào tạo liên thông mà bộ đang dự thảo.
Thứ nhất là chỉ cho phép liên thông từ CĐ lên ĐH, chứ không liên thông từ trung cấp lên ĐH.
Thứ hai, đào tạo liên thông chính quy chỉ được phép đào tạo tại cơ sở chính quy, chứ không phải tại những địa chỉ khác. Xin khẳng định với bạn là bộ khuyến khích hình thức liên thông vì nó phân luồng tốt chứ không bao giờ có ý phủ nhận nó.
* Còn có rất nhiều câu hỏi được gửi đến nhưng thời gian của cuộc đối thoại đã hết. Xin bộ trưởng có vài điều cuối cùng. Bộ trưởng đánh giá thế nào về cuộc đối thoại này?
- Cuộc đối thoại chưa thể đáp ứng hết những câu hỏi của người dân. Tôi đề nghị qua kênh này, chúng tôi sẽ tiếp tục nhận được ý kiến để có thể trao đổi, tiếp nhận ý kiến góp ý, để thực hiện tốt hơn công việc của ngành GD-ĐT sắp tới.
Qua cuộc đối thoại, tôi cũng bất ngờ vì người dân nói chung và các em học sinh nói riêng hiểu rất nhiều về công việc của ngành và có sự quan tâm đặc biệt đến ngành.
Tôi xin cảm ơn độc giả và Cổng Thông tin điện tử của Chính phủ cho tôi có cơ hội thực hiện cuộc đối thoại này.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận