22/02/2012 05:20 GMT+7

Lo cho người lớn học

TS HỒ THIỆU HÙNG
TS HỒ THIỆU HÙNG

TT - Lâu nay, khi lo việc học cho dân cư, nhiều người thường chỉ nghĩ đến trách nhiệm đối với đối tượng thanh niên, thiếu niên, nhi đồng. Trong xã hội học tập, đây là một cách nghĩ phiến diện.

Bởi lo cho 3/4 dân số trưởng thành, những người đang hằng ngày phải mưu sinh, những người quá tuổi lao động đang dư thì giờ không phải là chuyện đơn giản. Mối lo cho 3/4 dân số này thường bị rơi ra ngoài sự chú ý của lãnh đạo.

Riêng tại Q.1 (TP.HCM), với quyết tâm hình thành xã hội học tập ngay trong cộng đồng dân cư, các nhà lãnh đạo đã quyết tâm phải lo học cho người trong độ tuổi trưởng thành. Nội dung học phải đạt mấy yêu cầu sau đây: người học phải thấy bổ ích cho công việc, cuộc sống của mình và gia đình; xã hội cũng đang cấp thiết cần; nội dung này phải gắn với nội dung học tập và làm theo tấm gương của Bác, gắn với yêu cầu xây dựng thành phố văn minh, hiện đại. Cân nhắc, lật đi lật lại các nội dung có thể đáp ứng các yêu cầu trên, cuối cùng Q.1 chọn nội dung bồi dưỡng kỹ năng sống và văn hóa giao tiếp.

Chọn nội dung này vì cuộc sống hiện nay cho thấy dù có không ít điều luật răn đe hay trừng phạt người có các hành vi lệch lạc nghiêm trọng, nhưng những hiện tượng xấu như coi thường lợi ích chính đáng của người khác, cư xử kém văn hóa... vẫn xảy ra phổ biến. Bồi dưỡng kỹ năng sống - còn gọi là kỹ năng thực hành xã hội - chính là con đường tạo ra khả năng “miễn dịch tự nhiên” với hành vi xấu trong cả ba môi trường: nhà trường, gia đình, xã hội.

Tuy nhiên, các thành phần dân cư khác nhau có những mối quan tâm khác nhau nên nội dung cho các đối tượng khác nhau lại phải được cấu trúc với trọng tâm khác nhau: công chức học nội dung khác với nội dung anh xe ôm học, bà nội trợ học khác với những đối tượng đặc biệt cần cảm hóa... Vậy là khâu thiết kế nội dung cho từng đối tượng phải tỉ mỉ, tránh áp đặt kiểu “cá mè một lứa”.

Bài toán trên chỉ có thể giải bởi các chuyên gia tâm lý, xã hội học từ nhiều nguồn khác nhau: Trường Cán bộ thành phố, khoa tâm lý Trường ĐH sư phạm TP.HCM, Trường Đoàn Lý Tự Trọng, các trung tâm huấn luyện kỹ năng sống. Thiết kế xong nội dung, quận phải đi tìm thầy để giảng bài. Quá trình tìm kiếm đã giúp phát hiện không ít diễn giả vừa có tầm vừa có tâm. Tiếp đó là việc huy động kinh phí. Từ nhiều nguồn khác nhau, quận huy động khoảng 300 triệu đồng cho hoạt động này.

Có nội dung học, có tiền tổ chức lớp học, có địa điểm tổ chức học, có diễn giả rồi thì nảy ra vấn đề: làm thế nào người dân chịu đến nghe buổi đầu tiên? Một người lao động bình thường bỗng nhận được một giấy mời nghe nói chuyện, dù là mời đến Trung tâm học tập cộng đồng chứ không phải đến trụ sở UBND hay công an thì dễ phát sinh băn khoăn: sao mình lại được mời đến đó, mình có làm gì sai đâu, đi nghe phải mất một buổi làm thì thu nhập bị thiệt hại, mà nghe báo cáo đề tài đó thì có gì thiết thực với mình không...? Vậy là tổ dân phố phải động viên, giải thích.

Sau ba tháng triển khai bồi dưỡng kỹ năng sống và văn hóa giao tiếp cho các đối tượng cán bộ công chức, viên chức quận, phường và các cơ quan, đảng viên, đoàn viên, thanh niên, người dân khu phố, giáo viên, phụ huynh và học sinh, đã có 70 đơn vị tổ chức nghe báo cáo chuyên đề với 169 buổi và khoảng 30.000 lượt người dự. 10/10 phường đều tổ chức nghe báo cáo.

Trong nhiều buổi học, diễn giả đã khiến người nghe xúc động đến rơi nước mắt khi nhìn lại việc mình đã làm với người thân hay người dưng dưới một góc nhìn mới, dưới một luồng ánh sáng khác. Những buổi thuyết trình của các diễn giả trên được ghi âm, quay phim cẩn thận để làm tài liệu huấn luyện, bồi dưỡng báo cáo viên của quận sau này

Đợt điều tra thu thập ý kiến phản hồi cho thấy cảm nhận của hơn 2/3 số người nghe báo cáo là “rất hài lòng”. Tuyệt đại đa số ý kiến đều cho kế hoạch bồi dưỡng kỹ năng sống và văn hóa giao tiếp đến cộng đồng là “tốt”, không có ý kiến nào đánh giá “không tốt”.

Hiểu rõ thay đổi nhận thức là cả một quá trình nên Quận ủy Q.1 không dừng lại ở kết quả ban đầu đã đạt được mà đang bắt tay vào một đề án dài hơi hơn - đề án bồi dưỡng kỹ năng sống đến cộng đồng trên địa bàn Q.1 từ năm 2012-2015. Đề án quán triệt bốn phương châm: thường xuyên, kiên trì, thiết thực, hiệu quả.

TS HỒ THIỆU HÙNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên