Khi học sinh dậy thì sớm

LƯU TRANG
LƯU TRANG

TT - Giờ ra chơi ở Trường tiểu học Đoàn Thị Điểm (TP.HCM), giáo viên phát hiện T.S., học sinh lớp 4, ngồi bất động ở bậc cầu thang chứ không ra sân chạy nhảy như mọi ngày. Hỏi ra giáo viên mới biết em đã có kinh nguyệt.

Read this on Tuoitrenews.vn

llQ6xIuZ.jpgPhóng to
Nữ sinh lớp 5 Trường tiểu học Võ Trường Toản, quận 10, TP.HCM chăm chú nghe giới thiệu về cơ quan sinh sản tại buổi ngoại khóa giáo dục giới tính - Ảnh: L.Trang

Đây không phải là trường hợp đầu tiên học sinh (HS) tiểu học nữ phát hiện có kinh nguyệt ở trường. Bởi vậy từ vài năm nay, tủ thuốc ở phòng y tế trường luôn có sẵn... quần lót và băng vệ sinh để cung cấp cho HS trong những trường hợp bức thiết.

Giáo viên bối rối

Một giáo viên của trường thú thật: “Băng vệ sinh phải mua liên tục dù không có nguồn quỹ nào của trường chi cho “sản phẩm” này. Song lo lắng nhất là các em chưa được gia đình chuẩn bị tinh thần và rất thiếu kiến thức về cơ thể dậy thì, dẫn đến nhiều suy nghĩ sai lệch”. Có HS được giáo viên phát một miếng băng vệ sinh và dặn “chỉ dùng trong bốn tiếng”. Thế nhưng, ngày hôm sau em quay lại phòng y tế để xin thêm chứ không nói gì với gia đình. Có em mếu máo trốn vào một góc vì sợ bạn bè phát hiện mình đang “có”.

Dậy thì sớm ở lứa tuổi tiểu học đang là nỗi lo thường trực của ban giám hiệu và giáo viên chủ nhiệm, đặc biệt ở những trường có tổ chức bán trú. Do cơ sở vật chất còn thiếu cộng với tâm lý của người lớn “tiểu học vẫn là trẻ con”, nên ở nhiều trường HS nam và nữ được ngủ chung, thậm chí nằm xen kẽ (để đỡ nói chuyện) trong lớp. Một số phòng học giăng bức rèm mỏng để phân chia nơi thay áo quần cho HS, dù HS lớp 4, lớp 5 nhiều em nam đã vỡ tiếng, có ria mép, nhiều em nữ đã phổng phao và cao vượt các bạn nam.

Hiệu trưởng một trường tiểu học tại quận 4, TP.HCM kể: “Buổi trưa hầu như toàn bộ giáo viên, bảo mẫu không dám nghỉ mà phải đi vòng quanh các lớp, quan sát cả các khu vệ sinh để đảm bảo không có chuyện gì xảy ra với HS. Nhiều em nữ rất phổng phao nên thường bị các bạn nam để ý, trêu chọc, thậm chí tìm cách đụng chạm”.

Không chỉ là chuyện thể chất, giáo viên các trường tiểu học còn bối rối khi thấy HS yêu sớm và yêu như người lớn. Chị Thanh Thúy, một phụ huynh ở Q.2, TP.HCM có con đang học lớp 4, kể: “Con gái tôi về bảo với mẹ là trong lớp có hai bạn gái cùng yêu một bạn trai, suốt ngày viết thư, nhắn tin cho bạn trai đó và còn giành nhau nữa”. Thầy G. - giáo viên chủ nhiệm một trường tiểu học ở Q.8, TP.HCM - kể: “Trong lớp có một HS nam khá hiền, ngoan, nhưng không hiểu sao thỉnh thoảng trong giờ học cứ tự ý bỏ ra ngoài. Một lần tôi thấy em thập thò ở cửa lớp bên cạnh. Thì ra em đang “tương tư” một bạn cùng khối khác lớp. HS nữ kia cũng nhận là có cảm tình với bạn nam này”.

Thiếu giáo dục giới tính

Ông Trần Đình Dũng, thạc sĩ xã hội học, nhận định: “Trẻ con đang suy nghĩ về tình yêu theo kiểu chắp vá, cắt dán từ Internet, sách báo, tivi, bạn bè. Người lớn cần phải theo sát và định hướng, đưa ra bộ tiêu chuẩn để trẻ biết chúng đang ở đâu và ở giai đoạn nào. Phải cung cấp thông tin từ rất sớm, vệ sinh ra sao, giữ gìn thế nào, nam thì phải biết tránh gây tổn hại cho bạn khác giới, nữ cần phải biết tự bảo vệ mình. Tuy nhiên hiện nay chúng ta vẫn còn né tránh và có tâm lý trách nhiệm không thuộc về ai”.

Ông Dũng đề xuất các trường tiểu học nên mời chuyên gia thường xuyên tới nói chuyện về giới tính bằng ngôn ngữ chắt lọc, sinh động, dễ hiểu. Thầy cô cũng có thể đưa các em tham quan bệnh viện, khoa phụ sản... để các em chuẩn bị kiến thức cho sự lớn lên của mình.

Cô Lê Thị Minh Hoa, chuyên viên tư vấn học đường và tâm lý trị liệu tại TP.HCM, nêu ý kiến: “HS lớp 4, lớp 5 đã viết thư tỏ tình với giọng điệu của người lớn. Các em thắc mắc rất nhiều trong khi những kiến thức trong sách vở hoặc thầy cô dạy chưa làm thỏa mãn. Nhiều em dậy thì sớm và phải tự chịu đựng, chống chọi với những thay đổi, bực bội trong người. Cần đưa kiến thức này vào chương trình để các em có sự chuẩn bị. Đừng đợi các em lớn rồi mới nói”.

Một số tiết giáo dục giới tính với nội dung giới thiệu sơ lược đã được đưa vào sách giáo khoa lớp 4 và lớp 5 ở bậc tiểu học. Một số trường học cũng tổ chức ngoại khóa về giáo dục giới tính song với thời lượng chỉ 2-4 tiết/năm. Trong khi đó nhiều ý kiến của các chuyên gia, bác sĩ, giáo viên... cho rằng cần bắt đầu sớm hơn bởi hiện nay HS dậy thì sớm và mạnh mẽ hơn, một số HS nữ lớp 3 đã có kinh nguyệt.

Đề nghị giáo dục giới tính từ lớp 2

Số liệu điều tra năm 2008 trên 1.500 bé gái của nhóm bác sĩ Trường ĐH y dược TP.HCM cho thấy cứ 100 bé từ 8-11 tuổi ở TP.HCM thì có 14 bé đã dậy thì. Nguyên nhân dậy thì sớm là do nhịp sống thành thị, chế độ dinh dưỡng, việc học, việc sử dụng Internet, tivi, sách báo... Nhóm bác sĩ cũng đề xuất cần có chương trình giáo dục giới tính và vệ sinh kinh nguyệt bắt đầu từ lớp 2.

LƯU TRANG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên