Cần một "bộ lọc"

NHÓM PHÓNG VIÊN
NHÓM PHÓNG VIÊN

TT - Không thể mãi vin vào quy định bằng cấp của tất cả các trường đều có giá trị pháp lý như nhau để dễ dãi tuyển sinh, buông lỏng chất lượng đào tạo rồi lại đòi hỏi xã hội phải đối xử công bằng với tất cả “sản phẩm” đào tạo.

Nam Định không tuyển SV trường ngoài công lậpLời cảnh báo từ xã hộiXem lại chất lượng đào tạo

Việc một số địa phương, cơ quan, doanh nghiệp từ chối sinh viên tốt nghiệp trường ngoài công lập hay hệ tại chức là một cách phản ứng trước đánh giá của xã hội về chất lượng đào tạo của các trường ngoài công lập và tại chức. Có điều, những phản ứng nhắm vào một đối tượng chung chung rất dễ bị “bắt bẻ”.

Phân biệt chất lượng

Thị trường quyết định

Hãy cứ để người học tự lựa chọn và các trường tự cọ xát, cạnh tranh để có thể sống. Trường mạnh thì sẽ tồn tại. Ngược lại trường yếu sẽ phải chấp nhận rút lui. Chất lượng đại học không phải do nhà quản lý đánh giá, quyết định mà do thị trường quyết định. Nếu thay đổi tư duy về vấn đề này, dần dần mới có thể giải quyết được bài toán chất lượng.

Trường hợp quyết định không tuyển người tốt nghiệp trường ngoài công lập của Nam Định là ví dụ rõ nhất. TS Bùi Trân Phượng, hiệu trưởng Trường ĐH Hoa Sen, cho rằng việc làm của Nam Định là đáng hoan nghênh nhưng cơ sở để xác định tiêu chí tuyển dụng của họ lại chưa vững chắc.

Trên thế giới, người ta phân biệt giữa trường chất lượng và chưa chất lượng chứ không phân biệt chất lượng dựa vào đó là trường công lập hay ngoài công lập. Nếu lấy tiêu chí công lập và ngoài công lập để xác định chất lượng hay không chất lượng là chưa đầy đủ và có phần định kiến. Dù đa số trường ngoài công lập có chất lượng chưa tốt nhưng nếu nói đa số trường công lập có chất lượng tốt cũng không phải.

Dẫu biết vậy nhưng khi phân tích trong tình hình hiện nay, nhiều chuyên gia cho rằng sẽ rất khó cho các cơ quan tuyển dụng xây dựng được một “bộ lọc” phân loại ứng viên dựa trên chất lượng trường. Bởi đơn giản ở nước ta hiện chưa có một bảng đánh giá xếp hạng nào. Các cơ quan tuyển dụng không có cơ sở để xác định chất lượng nên chủ yếu dựa trên thực tế làm việc của người được tuyển dụng trước đó và dư luận xã hội để đưa ra tiêu chí tuyển dụng. Đến khi cần chủ trương hóa một “bộ lọc”, các cơ quan này sẽ lọc những người tốt nghiệp từ nhóm trường hay hệ đào tạo có vấn đề nhất.

Chính vì thế, nếu việc kiểm định, xếp hạng được thực hiện minh bạch, những trường ngoài công lập tốt sẽ không còn bị “oan” và những trường công lập chất lượng kém cũng được đánh giá lại. Trên cơ sở kết quả kiểm định, xếp hạng, các cơ quan tuyển dụng hoàn toàn có thể đặt ra những quy định như “chỉ tuyển những người tốt nghiệp ở trường có dấu chất lượng”.

Kiểm định độc lập

GS Bành Tiến Long, nguyên thứ trưởng Bộ GD-ĐT, cho rằng ở VN đang rất cần một cơ quan kiểm định chất lượng độc lập và một hệ thống xếp hạng các trường đại học theo tiêu chuẩn quốc tế. Nếu làm được việc này, các cơ quan tuyển dụng sẽ có cơ sở để nhìn nhận khách quan, toàn diện và chính xác hơn khi có những quyết định, hoặc tiêu chí cụ thể để tuyển dụng người làm việc trong các lĩnh vực.

Tương tự, TS Phạm Thị Ly, Trung tâm đào tạo và phát triển nguồn nhân lực ĐHQG TP.HCM, khẳng định việc kiểm định chất lượng đại học có thể là câu trả lời cho vấn đề chất lượng đào tạo nếu tiêu chuẩn kiểm định được xây dựng một cách xác đáng (hiển nhiên là tiêu chuẩn kiểm định một trường đại học nghiên cứu phải khác tiêu chuẩn kiểm định cho một trường cao đẳng nghề); cơ chế của hoạt động kiểm định được xây dựng nhằm bảo đảm sự chuyên nghiệp, minh bạch, công khai.

Và để các cơ quan tuyển dụng có thể tin tưởng vào bảng đánh giá, không cách nào khác ngoài cách xây dựng một trung tâm kiểm định độc lập. GS Bành Tiến Long cho rằng cơ quan này phải có chức năng độc lập, không bị chi phối từ bên ngoài. Sau khi việc đánh giá chất lượng từ cơ quan kiểm định độc lập được thực hiện, từng bước phải xây dựng cơ chế xếp hạng trường đại học với một hệ thống tiêu chí cụ thể. Nếu việc kiểm định chỉ công bố cho xã hội thấy trường đạt chuẩn về chất lượng hay chưa thì việc xếp hạng sẽ giúp các trường biết mình đang ở vị trí nào. Các trường muốn thay đổi vị trí thì phải phấn đấu, khắc phục những hạn chế.

TS Phạm Thị Ly nói thêm việc kiểm định này chỉ có thể thực hiện tốt khi có cả ba bên liên quan tham gia việc kiểm định: Nhà nước, nhà trường và xã hội. Nhà nước đương nhiên có trách nhiệm xây dựng chính sách, tạo ra hành lang pháp lý và giám sát hoạt động kiểm định. Nhà trường cần hỗ trợ hoạt động kiểm định, vì kiểm định là cách chứng minh chất lượng của mình và giúp mình nhìn thấy những điểm còn yếu để cải thiện hoạt động. Xã hội thông qua các tổ chức chuyên môn trong lĩnh vực kiểm định, thông qua các hội nghề nghiệp, thông qua các đại diện tham gia vào hội đồng trường của các trường, cần có tiếng nói giúp cho hoạt động kiểm định đi đúng hướng và có kết quả thực chất.

NHÓM PHÓNG VIÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên