Bắt đầu năm học giảm tải

VĨNH HÀ - H.HG.
VĨNH HÀ - H.HG.

TT - Ngày 5-9, nhiều trường học trên cả nước đã tổ chức lễ khai giảng năm học mới và Ngày hội toàn dân đưa trẻ đến trường.

20 triệu học sinh cả nước vào năm học mới

GMLiMYKV.jpgPhóng to

Học sinh Trường tiểu học Hưng Phước, huyện Bù Đốp, tỉnh Bình Phước đến trường trong ngày khai giảng - Ảnh: Hà Bình

Năm học 2011-2012, cả nước có trên 22 triệu học sinh, sinh viên, trong đó có gần 19 triệu học sinh mầm non và phổ thông, tăng 288.000 học sinh so với năm học trước. Đây là năm học được Bộ

GD-ĐT nhấn mạnh là năm đầu tiên triển khai nhiều giải pháp đồng bộ nhằm giảm tải, nâng chất lượng dạy học, hướng tới việc đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục phổ thông.

Học ngay từ ngày khai giảng

Tại Hà Nội hôm qua, trên 1,5 triệu học sinh mầm non và phổ thông cùng trên 100.000 thầy cô giáo tổ chức lễ khai trường. Ngay trong ngày khai giảng năm học, ở nhiều trường học của Hà Nội thầy và trò đã đặt ra các mục tiêu trọng tâm phải phấn đấu, cam kết “nói không” với những hiện tượng tiêu cực trong giáo dục. Hầu hết nhà trường trong những ngày đầu năm học mới đã tổ chức các tiết học và hoạt động giáo dục học sinh về nếp sống văn minh, thanh lịch.

Tập trung dạy học sinh cách làm người

Ngày 5-9, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đã tới dự lễ khai giảng năm học mới ở Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam - ngôi trường đi đầu về chất lượng dạy và học, nơi phát hiện và nuôi dưỡng các tài năng của thủ đô. Phát biểu tại buổi lễ, ông Nguyễn Sinh Hùng cho rằng các nhà trường nói chung và Trường Hà Nội - Amsterdam nói riêng trước hết phải tập trung dạy học sinh cách làm người, học văn hóa, lịch sử và truyền thống yêu nước của dân tộc Việt Nam.

Trong khi đó theo Sở GD-ĐT TP.HCM, sau nhiều đợt tuyển giáo viên, đến ngày khai giảng các trường đã đảm bảo đủ giáo viên đứng lớp. Tuy nhiên, nếu xét theo đúng tỉ lệ quy định số giáo viên/lớp, TP vẫn còn thiếu khá nhiều giáo viên ở bậc mầm non và tiểu học. Năm học 2011-2012, TP sẽ tiếp tục mở rộng số lượng các trường học tiên tiến, đạt chuẩn khu vực và quốc tế (ngoài Trường THPT Lê Quý Đôn, năm nay TP sẽ xây dựng thêm hai trường THPT Nguyễn Hiền và Nguyễn Du). Bên cạnh đó, Sở GD-ĐT TP yêu cầu mỗi quận huyện chọn ít nhất một trường ở từng cấp học để xây dựng mô hình này.

Năm học này ngành GD-ĐT TP phấn đấu hoàn thành phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi. Về cơ sở vật chất, cũng theo Sở GD-ĐT TP.HCM, năm học này TP đưa vào sử dụng hơn 2.000 phòng học mới, trong đó có nhiều trường tiểu học, THPT được xây dựng trên khu đất mới hoàn toàn với diện tích sân chơi, diện tích phòng học... đạt tiêu chuẩn quốc gia, góp phần giảm sĩ số học sinh/lớp.

Không tổ chức lễ khai giảng

Riêng với bậc học mầm non, thực hiện chỉ đạo của Sở GD-ĐT TP.HCM, mấy năm gần đây các trường không tổ chức lễ khai giảng mà tổ chức Ngày hội bé đến trường. Khác với những nghi lễ trang trọng ở trường phổ thông, lễ khai giảng ở trường mầm non giản lược ở mức tối đa phần lễ, thay vào đó là phần hội - những trò chơi cho học sinh và phụ huynh cùng tham gia để tạo sự thoải mái, vui tươi cho các bé.

Sáng 5-9, ngay khi bước vào sân Trường mầm non 7A, Q.Bình Thạnh, học sinh đã có thể nhập cuộc vào các trò chơi khác nhau chứ không cần đợi đúng giờ: tô màu cho tranh vẽ, chơi ô ăn quan... Đúng 7g30, một chương trình múa rối chào mừng năm học mới do chính giáo viên của trường thực hiện đã thu hút đa số học sinh. Học sinh nào không thích xem múa rối có thể tiếp tục trò chơi của mình. Không có diễn văn khai giảng, không có đại biểu các cấp tham dự, 7g40 hiệu trưởng nhấn ba hồi chuông báo hiệu năm học mới bắt đầu. Tiếp theo là tiếng nhạc rộn ràng đưa các bé vào lớp học.

Ở Trường mầm non Hồng Nhung, Q.Gò Vấp, Ngày hội bé đến trường bắt đầu bằng những tiết mục múa, hát, kể chuyện... do chính học sinh các lớp mẫu giáo của trường thực hiện. Sau phần lễ chóng vánh, phần hội thật sự hấp dẫn các bé mầm non với hàng loạt trò chơi: câu cá thư giãn, thảy vòng vào cổ chai, gánh lúa qua cầu, kéo co, bịt mắt đập gáo dừa...

Khác hẳn không khí náo nức, những tiếng cười rộn rã ở trường phổ thông, lễ khai giảng ở trường mầm non sau những phút giây vui tươi là không khí ồn ào, căng thẳng với tiếng gào thét, tiếng khóc lóc, tiếng năn nỉ ỉ ôi... của học sinh khi phụ huynh giao con cho cô giáo và ra về.

Nội dung giảm tải không cần thảo luận?

Mặc dù Bộ GD-ĐT khẳng định sẽ ban hành tài liệu giảm tải trước ngày khai giảng năm học mới nhưng đến sau lễ khai giảng hôm qua 5-9, hầu hết các trường đều chưa nhận được bộ tài liệu này. Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển khẳng định tài liệu điều chỉnh nội dung chương trình - sách giáo khoa phổ thông đã được ban hành. Tài liệu này đã chuyển về 63 sở GD-ĐT trên cả nước. Các sở GD-ĐT có trách nhiệm chỉ đạo việc đưa tài liệu đến tay từng giáo viên đứng lớp ở các lớp, cấp học trên địa bàn, đồng thời điều chỉnh phân phối chương trình chi tiết trên cơ sở chương trình khung và tài liệu giảm tải.

Tuy nhiên, nhiều người tỏ ra khá băn khoăn về thời gian triển khai hướng dẫn giảm tải. Một số giáo viên lo lắng việc triển khai có thể sẽ cập rập do thầy trò cả nước đã dạy và học chương trình năm học mới. Về vấn đề này, ông Vũ Đình Chuẩn, vụ trưởng Vụ Giáo dục phổ thông Bộ GD-ĐT, cho rằng tài liệu hướng dẫn giảm tải rất rõ ràng, cụ thể nên không cần thiết phải tổ chức tập huấn hay thảo luận về cách thực hiện. Sau khi các sở GD-ĐT điều chỉnh phân phối chương trình chi tiết và chuyển tài liệu về các trường, giáo viên căn cứ vào chương trình - sách giáo khoa và tài liệu giảm tải để điều chỉnh nội dung dạy học (trừ những nội dung đã thực hiện trong thời gian trước khai giảng). Cùng với việc điều chỉnh nội dung chương trình - sách giáo khoa phổ thông, các sở GD-ĐT chủ động chỉ đạo các nhà trường, giáo viên dành thời gian còn dư (do nội dung chương trình đã được cắt giảm) cho việc đổi mới phương pháp, bồi dưỡng học sinh khá, giỏi và phụ đạo học sinh yếu, kém.

VĨNH HÀ - H.HG.
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên