Dạy và học "chay" do lũ

VĂN ĐỊNH
VĂN ĐỊNH

TT - Sau khi trải qua cơn lũ quét cuối tháng 6, sự học và dạy ở rẻo cao huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) càng khó khăn hơn. Bước vào năm học mới, thầy cô nơi đây vừa dạy vừa khắc phục trường lớp do mưa lũ để lại, còn học sinh đến trường thì không cặp, không sách vở, không đồ dùng học tập...

oBfY7Pw2.jpgPhóng to
Học sinh lớp 2 Trường tiểu học Mường Típ 2 học “chay” do không có sách vở - Ảnh: Văn Định

Kỳ Sơn là huyện chịu thiệt hại nặng nhất trong cơn lũ hồi cuối tháng 6-2011. 129 ngôi nhà bị cuốn trôi, 22 ngôi nhà sập, 700 ngôi nhà bị ngập... là những con số do lũ để lại. Ngoài ra ngành giáo dục Kỳ Sơn cũng chịu không ít tổn thất khi có đến 15 trường học bị ảnh hưởng nặng nề. Có trường sập, có trường ngập sâu. Trang thiết bị, bàn ghế, sách vở của nhiều trường hư hỏng nặng.

"Lũ đã quét sạch sách vở của thầy cô và học sinh, trong khi kinh phí không có để mua. Khoảng 60% học sinh Kỳ Sơn đến trường thiếu sách vở. Ngành giáo dục chúng tôi chỉ biết chờ sự quan tâm của các cấp, các ngành"

Ông Trần Văn Khánh (trưởng Phòng GD-ĐT huyện Kỳ Sơn)

Tay trắng đến trường

Nghe tin vào năm học mới thầy và trò ở xã Mường Típ khó khăn, thiếu thốn đủ bề khiến chúng tôi quyết tâm đi xe máy từ thị trấn Mường Xén lên. Sau một đêm mưa nặng hạt, hơn 25km đường rừng trở nên lầy lội, trơn trượt.

Đến ngôi trường Mường Típ hai tầng, chúng tôi ngạc nhiên thấy các em học sinh chỉ biết khoanh tay lên bàn, mắt nhìn cô giáo giảng mà không có sách để đọc, không có vở để viết. Giờ ra chơi, chiếc bảng lem nhem phấn được các em tranh nhau tập viết.

Thầy Nguyễn Quốc Nga, phó hiệu trưởng Trường tiểu học Mường Típ 2, thừa nhận hầu như học sinh ở xã Mường Típ đến trường đều được cấp phát sách vở, bút mực. Đến kỳ nghỉ hè nhà trường lại thu gom sách giáo khoa để sang năm học mới phát cho học sinh. “Có nhà nội trú thầy cô gom sách giáo khoa đưa sang cất. Ai ngờ trận lũ quét vừa qua làm sập nhà, sách vở hư hết” - thầy Nga nói.

Lớp 1 của cô Vi Thị Thúy chủ nhiệm có 16 em học sinh. Không có sách vở nên cô và trò toàn dạy và học “chay”. Cô Thúy kể năm ngoái sách giáo khoa tuy cũ nhưng đầy đủ. Năm học mới các cô chỉ biết đi tìm những tấm bảng nhựa sót lại sau lũ đem rửa sạch, mang đến lớp cho học sinh mình tập viết.

Cạnh lớp cô Thúy là lớp 2 của cô Vi Thị Ái. Sĩ số lớp cô Ái được 13 em, đến trường gần như tay trắng hoàn toàn. Buổi học nào cũng diễn ra theo kiểu cô đọc cho trò nghe đến khi thuộc lòng, rồi ngày hôm sau gọi lên trả lời bài cũ. “Học sinh vùng cao chủ yếu học ở trường, thiếu sách vở lâu sẽ ảnh hưởng đến việc học các em” - cô Ái nói.

Tương tự, nằm bên dòng sông Nậm Mô, Trường tiểu học Mường Ải cũng y như thế. Sau khi lũ rút, bảy phòng trong khu nhà công vụ giáo viên bị nước ngập sâu, toàn bộ sách vở, đồ dùng học sinh bị cuốn trôi sạch.

Còn Trường mầm non Mường Típ, dù đã bắt đầu năm học mới nhưng nơi đây vẫn ngổn ngang bùn đất trước sân. Ba phòng học bị lũ nhấn chìm chỉ sót lại bàn ghế, trên tường vẫn hằn nguyên vết nước lũ, đồ dùng học sinh hư hại hoàn toàn. Khi chúng tôi đến, một số cô giáo đang xắn tay đào xúc đống đất cao hơn 1m nằm phơi trước sân trường.

NiodBOtY.jpgPhóng to
Sau cơn lũ cuối tháng 6-2011, thầy Nguyễn Quốc Nga nhặt từng quyển sách rách nát trong căn phòng đầy bùn đất - Ảnh: V.Định

Khó khăn chồng lên vì lũ...

Ông Lữ Pho Chinh, chủ tịch UBND xã Mường Típ, cho biết xã có hơn 95% dân số nghèo. Nghèo bởi cứ nỗ lực lao động, chưa kịp khá lên thì bị lũ quét sạch. Chẳng có năm nào nơi đây không lãnh vài cơn lũ quét. Sau lũ đường sá đi lại bị sạt lở, lầy lội nên tiểu thương không đưa hàng hóa lên bán. Do vậy cứ năm, sáu ngày thầy cô bám bản lại phân nhau xuống thị trấn mua từng bó rau, cân thịt heo. Nhiều hôm thiếu gạo, thiếu thức ăn các cô chỉ biết ăn mì gói qua ngày.

Ông Trần Văn Khánh, trưởng Phòng GD-ĐT huyện Kỳ Sơn, nói trận lũ quét kinh hoàng cuối tháng 6 có đến hơn 200 gia đình giáo viên bị ảnh hưởng nặng. Cuộc sống một số giáo viên lâm vào cảnh đặc biệt khó khăn khi nhà cửa, tài sản bị nước lũ cuốn trôi.

Nhà của thầy Lương Văn Thành (giáo viên Trường tiểu học Nậm Cắn 2) bị sập do nước lũ chảy xiết. Nhà thầy Trần Văn Hà (giáo viên Trường tiểu học Mường Típ) thành đống gỗ nát hong nắng bên sông. Còn nhà của thầy Nguyễn Văn Thiêm (giáo viên Trường THPT Dân tộc nội trú Kỳ Sơn) bị nước lũ cuốn trôi về xuôi...

“Đến bây giờ một số gia đình giáo viên vẫn chưa có nhà, đang đi ở nhờ. Những điểm trường bị ảnh hưởng do lũ, đời sống giáo viên khó nói hết sự khó khăn. Ngành giáo dục của huyện chỉ biết động viên, an ủi thầy cô gắng vượt qua...” - nói đến cuộc sống giáo viên, giọng ông Khánh chùng xuống.

VĂN ĐỊNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên