Nhiều nguyên nhân khiến điểm thi môn sử thấp
TTO - Đông đảo người dân và những người có trách nhiệm trong ngành giáo dục đã bức xúc đặt câu hỏi: do đâu kết quả thi môn sử lại tồi tệ như vậy? TTO trích đăng ý kiến của TS Lê Vinh Quốc về vấn đề này.
Sự quá tải gây nên kém hiệu lực của chương trình học khiến việc dạy học lịch sử ở trường phổ thông trở nên kém hiệu quả. Do vậy, kết quả thi môn này trong các kỳ thi tuyển sinh đại học luôn thấp.
Học trò nói về môn sửVì sao học trò chán môn sử?Cần một cuộc “cách mạng” về môn sử
Phóng to |
Thí sinh chuẩn bị làm bài thi tại điểm thi Trường THCS An Nhơn (Q.Gò Vấp, TP.HCM) của Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM - Ảnh: Minh Giảng |
Bất thường
Theo thống kê của Trường đại học Sư phạm TP.HCM, thường chỉ khoảng 15% đến 40% số thí sinh đạt yêu cầu (từ 5 điểm trở lên), số bị điểm kém (từ 0 đến 2,5 điểm) thường chiếm khoảng 50%, số điểm khá - giỏi (từ 6,5 đến 10 điểm) khoảng từ 10% đến 20% tùy từng năm.
Tuy nhiên, khi kết quả một kỳ thi đột nhiên thấp một cách bất thường so với các số liệu trên, chẳng hạn như trong kỳ thi năm 2005, tại Trường đại học Sư phạm TP.HCM chỉ có 3,4% số thí sinh đạt yêu cầu, 96,6% không đạt (với 86% bị điểm kém), thì kết quả đó không phản ánh đúng thực trạng của việc dạy học bộ môn ở nhà trường, mà là hậu quả của đề thi.
Kết quả kỳ thi năm nay cũng tương tự kỳ thi 2005, với số thí sinh đạt yêu cầu chỉ từ 0,3% đến 5%, số thí sinh không đạt yêu cầu ở một số trường lên tới trên 99% (Đại học Đà Nẵng, Đại học Quảng Nam, Đại học Tôn Đức Thắng…). Kết quả bất thường này cũng có nguồn gốc từ đề thi tuyển sinh.
Nhìn từ đề thi
Câu I của đề thi (3 điểm) yêu cầu thí sinh “phân tích nguyên nhân ra đi tìm đường cứu nước của Nguyễn Tất Thành”. Đây là một luận đề nhằm đánh giá nhận thức của thí sinh ở trình độ cao là “phân tích”, nhưng lại không quy định phạm vi nội dung kiến thức cho việc phân tích đó, khiến đề thi trở nên rất mơ hồ (một luận đề như vậy có thể được giải đáp bằng cả một luận án tiến sĩ!). Vì thế, thí sinh không biết dựa vào đâu để phân tích, trong khi đáp án đưa ra sự phân tích của chính người ra đề mà các em không thể tiếp cận được. Hậu quả là hàng loạt thí sinh không làm được câu này.
Câu II (2 điểm) đòi hỏi thí sinh phải nêu lên những điểm khác nhau (tức là so sánh) giữa hai văn kiện lịch sử là “Luận cương chính trị tháng 10-1930” và “Cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng Cộng sản Việt Nam” nhưng không cho tiếp xúc với văn bản, nên các em chỉ có thể so sánh một cách rất khó khăn bằng trí nhớ về một bài đã học trong sách giáo khoa. Ngay cả những điểm khác nhau được nêu trong đáp án cũng không cho thấy chúng thuộc về văn kiện nào.
Hơn thế nữa, đề bài còn đặt ra câu hỏi “những vấn đề đó được giải quyết như thế nào trong giai đoạn 1939-1945?”. Câu hỏi này làm rối trí thí sinh, trước hết vì các em không hiểu “những vấn đề đó” là vấn đề gì? (Ở phần trên chỉ nêu lên “những điểm khác” chứ không có “vấn đề” nào cả nên rất ít thí sinh có thể nêu được những nội dung trong các hội nghị Trung ương Đảng lần thứ VI (11-1939) và lần thứ VIII (5-1941) như đáp án đòi hỏi).
Câu III (2 điểm) hỏi thí sinh: “Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước (1954-1975), nhân dân Việt Nam đã căn bản hoàn thành nhiệm vụ "đánh cho Mỹ cút" bằng thắng lợi nào?”. Theo đúng logic của ngôn từ ở đây, thắng lợi của nhiệm vụ “đánh cho Mỹ cút” phải là một thắng lợi về quân sự, nên những ai trả lời câu hỏi này bằng tư duy logic đều chọn “chiến thắng Điện Biên Phủ trên không (12-1972)”.
Nhưng đáp án lại chép theo sách giáo khoa, nên “đánh” hóa ra lại là việc ký kết Hiệp định Paris (27-1-1973)! Thế là các thí sinh có tư duy tốt đã bị mất điểm, chỉ những em học thuộc lòng là đáp ứng được yêu cầu của đề! Đối với câu “nêu tác động của thắng lợi đó đối với sự phát triển của cách mạng miền Nam”, những em đã chọn “nhầm” chiến thắng trên tiếp tục mất điểm, còn những em “thuộc bài” chọn đúng Hiệp định Paris cũng khó có thể đáp ứng đầy đủ 3 ý theo dự kiến chủ quan của người ra đề viết trong đáp án.
Câu VI.a (3 điểm) đòi hỏi thí sinh trình bày “khái quát quá trình hình thành và phát triển của tổ chức liên kết chính trị - kinh tế lớn nhất hành tinh từ năm 1951 đến năm 2000”. Đề viết như vậy đúng với sách giáo khoa, nhưng việc dùng cụm từ “lớn nhất hành tinh” là không thỏa đáng vì chưa có một sự xếp hạng chính thức nào cho các tổ chức liên kết kinh tế - chính trị trên thế giới.
Nhưng chính cụm từ này đã tạo nên một cái bẫy khiến thí sinh viết về Tổ chức Liên Hiệp Quốc, thay vì Liên minh châu Âu như trong đáp án, làm cho rất nhiều em bị mất trắng 3 điểm. Ngay cả những em chọn đúng Liên minh châu Âu cũng khó có thể đạt đủ điểm, vì muốn đáp ứng được đáp án, thí sinh phải thực hiện một nhiệm vụ vô cùng khó là học thuộc hầu hết các sự kiện và ghi nhớ hàng loạt niên đại trong sách giáo khoa (hoặc “sách chuẩn”), rồi từ đó mới rút ra được những sự kiện và niên đại thích ứng với đáp án. Nếu không dùng “phao” hay “trúng tủ”, thí sinh phải có biệt tài về học thuộc lòng và ghi nhớ máy móc mới có hi vọng đạt điểm tối đa.
Câu VI.b (3 điểm) yêu cầu thí sinh “tóm tắt sự ra đời của các quốc gia độc lập ở Đông Nam Á trong năm 1945”. Cũng như câu IV.a, câu này nhằm đánh giá nhận thức của học sinh ở trình độ thấp nhất là “biết”.
Muốn làm được câu này, thí sinh cũng phải học thuộc lòng và ghi nhớ máy móc, tuy số sự kiện cần nêu không nhiều. Để đánh giá trình độ “biết” của học sinh một cách chính xác mà không đòi hỏi các em học thuộc lòng, giáo chức ở các nước tiên tiến không dùng những câu hỏi như trên mà thiết kế một loạt câu trắc nghiệm về các sự kiện các em cần biết.
3. Nói chung, đề thi đại học môn lịch sử năm 2011 không phải là một đề hay, mà ngược lại phạm nhiều sai sót về kỹ thuật đo lường và đánh giá giáo dục. Khoa học giáo dục hiện đại coi đề thi là công cụ để đo lường thành quả dạy học. Khi công cụ bị trục trặc thì kết quả đo lường sẽ không chính xác.
Những sai sót của đề thi khiến việc đánh giá thành quả học tập của học sinh bị sai lạc, là nguyên nhân chủ yếu khiến kết quả thi trở nên tồi tệ khác thường (những nguyên nhân khác thuộc về quá trình dạy và học bộ môn ở nhà trường). Để việc dạy học lịch sử đáp ứng được yêu cầu của xã hội, cần phải đổi mới chương trình học, đổi mới dạy học và đổi mới cả đánh giá giáo dục (bao gồm việc ra đề cho các kỳ thi) theo khoa học giáo dục hiện đại.
LÊ VINH QUỐC (tiến sĩ giáo dục)
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận