03/09/2010 08:30 GMT+7

Cần một cuộc cải cách giáo dục sâu rộng

GS.TSKH LÂM QUANG THIỆP
GS.TSKH LÂM QUANG THIỆP

TT - Thực trạng giáo dục nước ta đang làm nhiều người tâm huyết phải đau đầu nhưng lại chưa thể tìm ra những biện pháp hợp lý để giải quyết. Bởi cải cách giáo dục là một bài toán khó, thậm chí rất khó.

GS Ngô Bảo Châu: Mỗi năm về nước làm việc 3 tháng

Trong gần một tháng qua sự kiện Ngô Bảo Châu đã làm cho tôi cũng như nhiều người Việt Nam khác cảm thấy rạo rực. Để chia sẻ, tôi tìm đọc, lắng nghe những lời bình luận hoặc những đề xuất khác nhau, nhưng chưa bao giờ tôi có niềm vui lớn như khi nghe những câu của Thủ tướng đã nói về cải cách giáo dục nhân dịp Ngô Bảo Châu tỏa sáng.

Từ sự kiện Ngô Bảo Châu

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã nói: “Đảng và Nhà nước ta xác định nhiệm vụ phát triển nguồn nhân lực, cải cách mạnh mẽ hệ thống giáo dục - đào tạo là một khâu đột phá của Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2020”. Ở gần cuối bài diễn văn Thủ tướng nhắc lại: “Với lợi thế của một nước đi sau, với sức thúc đẩy của lịch sử cộng với niềm tự hào mà “những Ngô Bảo Châu” mang lại, chúng ta sẽ tiến hành nghiêm túc, có hiệu quả công cuộc cải cách giáo dục - đào tạo, thực hiện thành công Chiến lược phát triển nguồn nhân lực”.

Tôi đã nghe chăm chú bài diễn văn của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trong buổi lễ chúc mừng Ngô Bảo Châu và sau đó còn đọc lại rất cẩn thận. Trước sự tỏa sáng của Ngô Bảo Châu, bài diễn văn đã tỏ niềm tin sâu sắc vào trí tuệ VN nhưng không nhầm lẫn cho rằng đó là thành tựu của nền giáo dục VN.

Chính bài diễn văn đã hai lần nhắc lại sự cần thiết phải cải cách giáo dục. Nếu sự kiện Ngô Bảo Châu có tác động nào đó đến quyết định về cải cách giáo dục của Đảng và Chính phủ mà Thủ tướng đã phát biểu thì tôi cho rằng đó là một trong những đóng góp lớn nhất của sự kiện này.

Sự khác nhau giữa hai bài toán khó

Chứng minh bổ đề Langlands là bài toán khó tầm cỡ thế giới đến mức nhiều nhà toán học xuất sắc đã tìm cách chứng minh trong suốt 30 năm qua mà không thành công. Thế mà Ngô Bảo Châu đã làm được điều đó.

Nói đến thành công của Ngô Bảo Châu không thể quên sự giáo dục đặc biệt của cha mẹ anh, sự đóng góp của cộng đồng toán học VN, môi trường tranh luận và tư duy toán học thuận lợi mà các trường ĐH Pháp và Viện Nghiên cứu cao cấp của ĐH Princeton (Mỹ) đã tạo ra.

Nhưng khi chứng minh bổ đề Langlands chắc là anh đã suy nghĩ một mình. Và số người hiểu thấu đáo và kiểm tra được sự đúng đắn chứng minh của Ngô Bảo Châu có lẽ ít hơn một phần triệu trên trái đất này.

Cải cách giáo dục cũng là một bài toán khó. Bởi ai cũng có thể nói về giáo dục nên nhiều người nhầm tưởng rằng làm giáo dục là dễ. Thực tế, bài toán cải cách giáo dục rất khó vì nó có quá nhiều biến số và động chạm đến tất cả mọi tầng lớp, mọi cá nhân trong xã hội.

Đặc biệt, khác với bài toán khó mà Ngô Bảo Châu đã giải, bài toán về cải cách giáo dục VN không ai có thể giải được một mình, dù người đó có trí tuệ lớn và quyền lực cao như thế nào. Mặt khác, cải cách giáo dục của một nước muốn thành công cần tìm được sự đồng thuận của hàng triệu người.

Vì vậy, trong nhiều năm qua, rất nhiều trí thức và nhà giáo dục tâm huyết đã nghiên cứu về thực trạng giáo dục VN, đã đề xuất một số giải pháp đổi mới. Nhưng cuối cùng mọi người hầu như đi đến thống nhất: sự yếu kém trầm trọng của nền giáo dục nước ta không thể xử lý bằng từng giải pháp riêng lẻ chắp vá như mấy năm qua, mà cần một cuộc cải cách giáo dục sâu rộng và triệt để.

Chưa thấy động tĩnh

Cải cách khác với những động tác được gọi là “đổi mới”, “cải tiến”... đã thực hiện trong những năm qua. Chúng ta có thể tạm thống nhất hiểu cải cách giáo dục như là một sự thay đổi sâu sắc và triệt để từ triết lý đến những quan niệm cơ bản về giáo dục.

Dựa trên những thay đổi đó, toàn bộ hệ thống giáo dục được thiết kế lại một cách công phu, một lộ trình được vạch ra và mọi nguồn lực được chuẩn bị để thực hiện thiết kế đó một cách bài bản. Cải cách giáo dục ở mỗi nước thường gắn với những bước ngoặt lịch sử và kinh tế - xã hội của nước đó.

Theo các văn bản chính thức, trong 34 năm, từ khi thành lập nước VN Dân chủ cộng hòa năm 1945 đến năm 1979, nước ta có ba cuộc cải cách giáo dục tuy chỉ nặng về giáo dục phổ thông.

Từ năm 1979 đến nay là khoảng thời gian mà trong nước và trên thế giới có những biến động vô cùng mạnh mẽ, sâu sắc về kinh tế, chính trị, xã hội. Thế nhưng, trong nước ta chưa hề có một cuộc cải cách giáo dục chính thức nào.

Có lẽ vì vậy mà Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 4 khóa X đã đưa ra nghị quyết về việc chuẩn bị cải cách giáo dục và đào tạo nghề.

Vào tháng 4-2009, Bộ Chính trị ra thông báo số 242 “Kết luận về việc tiếp tục thực hiện nghị quyết trung ương 2 (khóa VIII), phương hướng phát triển giáo dục - đào tạo đến năm 2020” giao cho Ban cán sự đảng Chính phủ thực hiện chủ trương về cải cách giáo dục trong các nghị quyết hội nghị Ban chấp hành T.Ư lần 4, 7 và 9 (khóa X), xây dựng Chiến lược phát triển giáo dục giai đoạn 2011-2020 phù hợp với Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn này, trình tại Đại hội Đảng toàn quốc lần 11...

Thế mà cho đến nay, cộng đồng giáo dục nước ta chưa thấy có một hoạt động mạnh mẽ nào được triển khai để thực hiện các văn bản chỉ đạo nêu trên.

_______________________

Tôi được biết một đề án về cải cách giáo dục của một số trí thức và chuyên gia giáo dục đã đề xuất trước hết cần thành lập một hội đồng cải cách giáo dục có hàm lượng trí tuệ cao, bao gồm các chuyên gia giỏi trong nước và quốc tế về lĩnh vực giáo dục và các lĩnh vực liên quan, nhằm nghiên cứu và thiết kế đề án cải cách giáo dục. Hội đồng này cần làm việc trong vòng vài năm. Để hội đồng cải cách giáo dục làm việc thuận lợi, Thủ tướng Chính phủ cần đứng đầu nhằm đảm bảo sự phối hợp tốt của mọi lĩnh vực kinh tế - xã hội trong nước và cần một đội ngũ giúp việc có năng lực, một nguồn lực đủ để triển khai. Khi hình thành đề án cải cách cần tổ chức phổ biến, giải thích rộng rãi để tạo nên một sự đồng thuận trong xã hội. Sau khi đề án được chấp nhận cần đảm bảo việc triển khai đề án bằng một hệ thống văn bản pháp quy đầy đủ.

LiTz2njB.jpgPhóng to
Ông Hứa Ngọc Thuận, phó chủ tịch UBND TP.HCM, tặng quà cho Trường mầm non Hoàng Minh Đạo trong lễ khai giảng - Ảnh: Xuân Huy

Sáng 2-9, Trường mẫu giáo Hoàng Minh Đạo, Củ Chi, TP.HCM đã tổ chức lễ khánh thành và khai giảng năm học mới 2010-2011. Trường được xây dựng trên khu đất mới tại xã Phú Mỹ Hưng với 1 trệt 2 lầu, tổng kinh phí hơn 7 tỉ đồng. Trong đó, bà Đào Thị Minh Vân - con gái của liệt sĩ Hoàng Minh Đạo (người đã có thời gian hoạt động cách mạng và hi sinh tại Củ Chi) - đóng góp 5 tỉ đồng, phần còn lại là ngân sách nhà nước. Đây là trường công lập đầu tiên trên địa bàn TP.HCM tổ chức lễ khai giảng, các trường còn lại sẽ khai giảng vào các ngày 3, 4 và 6-9.

* Sáng cùng ngày, Trường THPT chuyên Lý Tự Trọng, TP Cần Thơ cũng đã tổ chức lễ khai giảng.

Tin bài liên quan:

Giáo sư Ngô Bảo Châu đoạt giải thưởng Fields | Những điều thú vị về Ngô Bảo ChâuXem phỏng vấn Giáo sư G.Laumon - thầy cũ của giáo sư Ngô Bảo Châu | Xem phỏng vấn Giáo sư Martin Groetschel - Tổng thư ký Liên đoàn Toán học thế giới | 3 nhà khoa học cùng đoạt giải Fields 2010 | Không chỉ là giải thưởng riêng cho Ngô Bảo Châu | Xem phỏng vấn độc quyền của Tuổi Trẻ với GS Ngô Bảo Châu | Xem phóng sự đặc biệt của Tuổi Trẻ về cuộc đời khoa học của GS Ngô Bảo Châu | Chân dung Ngô Bảo Châu thời “nhất quỷ nhì ma” | Giáo sư Ngô Bảo Châu: Chúng ta hãy đi cùng một con đường | Giáo sư Ngô Bảo Châu: Cái ta đang cố gắng luôn có giá trị | GS Ngô Bảo Châu đã làm rạng danh đất nước | GS Ngô Bảo Châu: Viện nghiên cứu cao cấp góp phần chấn hưng toán học Việt

GS.TSKH LÂM QUANG THIỆP
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên