20/07/2014 04:25 GMT+7

Cuộc sống mới cho cậu bé vô hình

TRẦN PHƯƠNG
TRẦN PHƯƠNG

TT - Vài tuần trước, cậu bé câm điếc Lakhan Kale hoàn toàn vô hình dù bị trói ở một trạm chờ xe buýt ở thành phố Mumbai đông đúc, cho đến khi một người cúi xuống và nhìn thấy cậu.

yCB5RFYP.jpg
Lakhan Kale bị trói ở trạm chờ xe buýt - Ảnh: AFP

Chứng bại não tạo nên một vách ngăn giữa Lakhan và thế giới bên ngoài. “Thằng bé bình thường khi chào đời, rất bụ bẫm là đằng khác - bà của Lakhan nhớ lại - nhưng một đêm nó bị co giật mạnh và không còn như trước nữa”. Chứng bệnh khiến em bị câm điếc. Cha mất vài năm trước, mẹ và chị đều bỏ đi, Lakhan, 9 tuổi, sống cùng người thân duy nhất là người bà đã ngoài 70 tuổi trong một xó vỉa hè.

Không thể nghe và không biết nói, bà của Lakhan không còn cách nào khác là trói chân cậu vào trạm xe buýt trong khi bươn chải kiếm tiền nuôi cháu. “Thằng bé bị điếc nên không thể nghe tiếng xe, nếu nó chạy ra đường sẽ bị xe tông chết” - bà nói.

Mỗi ngày Lakhan tự nhìn ngắm thế giới câm lặng của mình và hàng ngàn người đi qua trạm xe buýt cũng chẳng mảy may chú ý đến một thằng bé khuyết tật.

Sau khi một phóng viên chụp ảnh Lakhan đăng trên một tờ báo địa phương, một cảnh sát đọc được đã liên lạc với nhân viên xã hội Meena Mutha để giúp đỡ em. Tuy nhiên trung tâm dành cho trẻ khuyết tật duy nhất ở Mumbai không còn chỗ tiếp nhận Lakhan. Với sự giúp đỡ của CNN, họ liên lạc đến các cơ quan chức năng của Ấn Độ nhưng cũng không được hồi âm.

Khi CNN đăng tải câu chuyện của Lakhan, họ đã nhận được sự hồi đáp mạnh mẽ từ khắp nơi trên thế giới. Mọi người gọi điện, nhắn tin và chia sẻ trên khắp mạng xã hội, một số đề nghị được giúp đỡ Lakhan trong khi số khác gửi tiền hỗ trợ cậu bé. Một người thậm chí lập trang web để kêu gọi ủng hộ em. Tổ chức phi chính phủ giúp trẻ em câm điếc SSPM đã nhận chăm sóc Lakhan và giới thiệu cho bà của em một công việc. Chỉ vài giờ sau khi đến chỗ ở mới, Lakhan đã nhanh chóng hòa nhập, chạy nhảy và vui chơi với các bạn cùng hoàn cảnh.

“Khi chúng ta chỉ vào mặt bất khả thi của một vấn đề lớn, chúng ta chẳng làm gì cả. Nhưng khi tập trung vào những phần nhỏ của vấn đề, chúng ta có thể tạo nên sự khác biệt. Ngay cả khi có hàng triệu người bất hạnh, chỉ cần giúp đỡ được một người cũng tốt hơn nhiều việc chẳng giúp ai” - bạn đọc tên Janbalcom chia sẻ sau khi đọc câu chuyện.

TRẦN PHƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên