20/04/2014 09:10 GMT+7

118 trường hợp tử vong liên quan đến sởi

L.ANH - L.TH.H. - T.DƯƠNG
L.ANH - L.TH.H. - T.DƯƠNG

TT - Ngày 19-4, Bộ Y tế thông báo có thêm hai bệnh nhi đều dưới 9 tháng tuổi, bị viêm phế quản - phổi có xét nghiệm dương tính với sởi biến chứng quá nặng và gia đình đã xin cho hai bé về.

* TP.HCM: số ca mắc sởi tăng liên tục

Không công bố, chỉ thông báo dịch sởi!Bệnh sởi gây biến chứng gì, điều trị ra sao?Đã có 119 ca tử vong do bệnh sởi

nxPFmIec.jpg
GS.TS Lê Quang Cường - thứ trưởng Bộ Y tế - thăm các bệnh nhi bị bệnh sởi tại Bệnh viện Nhi Đồng 1, TP.HCM sáng 19-4 - Ảnh: Tự Trung

Đây là hai trường hợp tử vong thứ 108 và 109 liên quan đến sởi tại Bệnh viện Nhi T.Ư trong ba tháng qua, nâng tổng số tử vong liên quan đến sởi trong cả nước lên 118 trường hợp.

Cùng ngày, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long và lãnh đạo Cục Y tế dự phòng đã về kiểm tra công tác phòng chống dịch sởi tại Thạch Thất (Hà Nội).

Điều đáng chú ý là qua kiểm tra ban đầu, một phần rất lớn các ca bệnh sởi tại Thạch Thất đều nhiễm bệnh khi đi khám chữa bệnh tại Bệnh viện Nhi T.Ư.

Trong đó riêng tại xã Đại Đồng có trên 10 trẻ sốt phát ban thông thường, nhưng năm trẻ trong số này đã nhiễm sởi khi đi điều trị tại Bệnh viện Nhi T.Ư trở về.

Trước tình hình Bệnh viện Nhi T.Ư đang trở thành một ổ dịch sởi lớn, tiếp tục rà soát cho thấy trong hai ngày qua đã có 72 bệnh nhi đến Bệnh viện Nhi T.Ư điều trị các bệnh lý khác nhưng nhiễm sởi tại bệnh viện phải chuyển vào điều trị sởi, trong khi trong hai ngày chỉ có tám bệnh nhân sởi mới từ cộng đồng vào điều trị tại Bệnh viện Nhi T.Ư.

Đáng chú ý tại Bệnh viện Nhi T.Ư vẫn còn đến 18 bệnh nhi mắc sởi đang thở máy, Bệnh viện Bạch Mai bốn ca thở máy, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư năm ca bệnh nặng...

Cùng ngày, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cũng đã đến kiểm tra công tác điều trị bệnh sởi tại Bệnh viện Xanh Pôn. Hôm nay 20-4, Thứ trưởng Nguyễn Viết Tiến đi kiểm tra tại các bệnh viện vệ tinh gồm Bệnh viện Hà Đông và Bệnh viện Sơn Tây.

* Ngày 19-4, đoàn kiểm tra của Bộ Y tế do GS.TS Lê Quang Cường - thứ trưởng Bộ Y tế - dẫn đầu đã đến kiểm tra, làm việc tại Sở Y tế TP.HCM và ba bệnh viện: Nhiệt đới TP, Nhi Đồng 1 và Nhi Đồng 2.

Báo cáo tình hình tiếp nhận điều trị bệnh nhân sởi ở ba bệnh viện nói trên cho thấy số ca mắc sởi nhập viện (của cả TP.HCM và các tỉnh) liên tục tăng từ đầu năm đến nay. Tại Bệnh viện Nhi Đồng 1, hầu hết trẻ bị sởi phải nằm chung hai bé một giường, nhiều trẻ phải nằm ở hành lang bệnh viện.

80-90% bệnh nhân mắc sởi nằm viện ở ba bệnh viện này đều chưa chích ngừa sởi, chưa đến tuổi chích ngừa sởi hoặc chích chưa đủ hai mũi.

Bác sĩ Ngô Ngọc Quang Minh - phó phòng kế hoạch tổng hợp Bệnh viện Nhi Đồng 1 - cho biết từ ngày 1-1 đến 17-4, bệnh viện tiếp nhận điều trị nội trú 1.002 ca sởi, trong đó có 117 ca biến chứng (đa số là viêm phổi), không có ca nào tử vong. Đáng lưu ý gần 43% bệnh nhân sởi nằm viện là bệnh nhân ở các tỉnh thành khác. Ngay trong sáng 19-4, bệnh viện tiếp nhận 37 ca sởi nhập viện, trong đó có 11 ca viêm phổi (hai ca phải thở oxy).

Tại Bệnh viện Nhi Đồng 2, từ đầu năm 2014 đến ngày 15-4 tiếp nhận 733 ca mắc sởi. Số ca mắc bệnh sởi nhập viện Bệnh viện Nhi Đồng 2 tăng cao theo từng tháng. Đặc biệt, tại Bệnh viện Nhi Đồng 2 khi đoàn kiểm tra của Bộ Y tế đến giám sát còn ghi nhận một bệnh nhi bị mắc sởi khi mới 12 ngày tuổi. Bệnh nhi này bị lây sởi từ mẹ là một nhân viên y tế và mẹ của bé bị lây sởi từ một nhân viên y tế khác làm việc chung ở Bệnh viện Đa khoa Bình Dương!

Tương tự, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM tiếp nhận điều trị nội trú 843 bệnh nhân sởi, trong đó có 367 ca biến chứng viêm phổi.

Kết luận chỉ đạo sau một ngày giám sát, Thứ trưởng Lê Quang Cường nhìn nhận các bệnh viện ở TP.HCM sử dụng máy nCPAP để hỗ trợ thở cho trẻ bị sởi có biến chứng viêm phổi, suy hô hấp nhưng các bệnh viện phía Bắc ít sử dụng hơn. Trong khi cho trẻ dùng máy thở nCPAP vừa rẻ tiền vừa hiệu quả. Ông đề nghị Sở Y tế TP cần có phương án sẵn sàng đối phó nếu số ca mắc sởi tiếp tục tăng.

Ông Cường cũng yêu cầu các bệnh viện nhanh chóng phổ biến phác đồ điều trị sởi mới của Bộ Y tế vừa ban hành ngày 18-4 cho các bác sĩ, bệnh viện quận huyện; tổ chức phân luồng bệnh nhi ngay từ khi đến khám bệnh theo lứa tuổi hoặc theo tình trạng tiêm chủng để hạn chế lây lan sởi ở khu vực khám bệnh do nhiều trẻ đến khám mới chỉ có triệu chứng sốt, chưa phát ban.

Bác sĩ Nguyễn Trí Dũng - giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM - cho biết từ đầu tháng 1 đến giữa tháng 4-2014, TP.HCM có 1.350 ca mắc sởi. Hiện số trẻ mắc sởi tại TP vẫn còn ở mức cao, trung bình mỗi tuần khoảng 100-120 ca mắc sởi được ghi nhận.

Hà Nội: yêu cầu áp dụng các biện pháp như đã công bố dịch sởi

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo vừa chỉ thị các sở, UBND các quận huyện thực hiện các biện pháp phòng chống bệnh sởi ở mức như đã công bố dịch.

Theo ông Thảo, mặc dù Hà Nội chưa công bố dịch sởi, nhưng mục tiêu của TP là ngăn chặn và không để phát sinh các ca bệnh, giảm thiểu tối đa tử vong ở bệnh nhân mắc sởi. Do vậy, chủ tịch UBND các quận huyện, thị xã phải chịu trách nhiệm trước TP về việc phòng chống dịch sởi trên địa bàn. Để việc ngăn chặn sởi đạt hiệu quả, ông Thảo yêu cầu chủ tịch UBND các quận huyện phải trực tiếp kiểm tra việc phòng ngừa ngay từ cơ sở, phân công trách nhiệm cho từng ngành, nắm từng trường hợp trong đối tượng phòng chống dịch.

XUÂN LONG

Hải Phòng: tiêm phòng sởi bổ sung cho hơn 10.000 trẻ

Ngày 19-4, Trung tâm Y tế dự phòng Hải Phòng cấp phát bổ sung 3.500 liều văcxin phòng sởi cho các quận huyện để triển khai việc tiêm phòng. Ông Đỗ Mạnh Cường, giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Hải Phòng, cho biết đợt tiêm phòng sởi bổ sung này sẽ được thực hiện từ ngày 21-4. Hiện toàn TP còn hơn 10.000 trẻ em từ 9-24 tháng tuổi (độ tuổi tiêm phòng sởi) chưa được tiêm phòng sởi hoặc tiêm chưa đủ liều.

Ông Cường cho biết thêm đến nay tại Hải Phòng đã có 101 ca nghi nhiễm sởi, trong đó có 12 ca rất nặng đang được điều trị tích cực.

THÂN HOÀNG

L.ANH - L.TH.H. - T.DƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên