21/06/2013 10:35 GMT+7

Dùng lại văcxin Quinvaxem: "Phải chấp nhận tai biến"?

LAN ANH ghi
LAN ANH ghi

TT - Ngày 20-6, cuộc họp báo công bố kết quả đánh giá tính an toàn của văcxin Quinvaxem được Bộ Y tế coi là “giải đáp toàn bộ những vấn đề báo giới còn thắc mắc”.

Có thể tạm dừng tiêm văcxin Quinvaxem từ 1-3 thángVN sẽ sử dụng lại văcxin Quinvaxem1 tháng nữa, văcxin Quinvaxem được tiêm lại

hooWWDBc.jpgPhóng to
Ông Nguyễn Trần Hiển, chủ nhiệm Chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia, cho biết VN đã sử dụng 15 triệu liều Quinvaxem - Ảnh: N.Khánh

Tuy nhiên, còn đến 7/43 trường hợp tai biến sau tiêm Quinvaxem từ năm 2010 đến nay được xếp vào nhóm không rõ nguyên nhân, Bộ Y tế chưa trả lời được có phải là do văcxin hay không.

Có mặt tại cuộc họp báo, trưởng đại diện Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại VN - ông Takeshi Kasai - tỏ ra hồ hởi với quyết định của hội đồng chuyên môn của Bộ Y tế về quyết định đề xuất lên Thủ tướng và bộ trưởng Bộ Y tế việc dùng lại văcxin Quinvaxem. Ông Kasai cho rằng WHO đã yêu cầu xem xét từng trường hợp liên quan đến tai biến, làm việc với nhà sản xuất văcxin tại Hàn Quốc để xem xét lại toàn bộ hồ sơ liên quan đến văcxin... Kết quả cho thấy văcxin Quinvaxem có chất lượng theo tiêu chuẩn của WHO và không tìm thấy bằng chứng văcxin có liên quan đến các ca tai biến sau tiêm.

Song báo giới tỏ ra chưa hài lòng với vấn đề chất lượng văcxin và đã đặt ra hàng loạt câu hỏi:

* Tuổi Trẻ: Câu hỏi cho ông Nguyễn Trần Hiển, chủ nhiệm Chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia, các ông có nói tần suất tai biến sau tiêm Quinvaxem có tăng trong các tháng đầu năm 2013 dẫn đến quyết định tạm dừng sử dụng văcxin này. Vậy tần suất này ở mức độ thế nào?

- Ông Nguyễn Trần Hiển: Trung bình một năm ở VN có trên dưới 10 trường hợp tử vong sau tiêm, không có khác biệt về số ca tai biến trước và sau khi sử dụng văcxin Quinvaxem (VN dùng văcxin Quinvaxem từ tháng 6-2010). Mấy tháng đầu năm 2013, số ca tai biến có vẻ tăng lên, nhưng điều tra của chúng tôi và chuyên gia của WHO đều cho thấy không phải do nguyên nhân văcxin. Tính từ tháng 6-2010 đến nay, có 43 trường hợp phản ứng nặng sau tiêm, trong đó có 27 trường hợp tử vong không liên quan đến tiêm chủng, chín trường hợp có thể coi là có liên quan đến văcxin Quinvaxem nhưng đều hồi phục. Các trường hợp còn lại được xếp vào nhóm chưa xác định được nguyên nhân, chưa đủ thông tin để kết luận.

* Thanh Niên: Không có hồ sơ y khoa với phần lớn các trường hợp tử vong, 7/43 ca phản ứng nặng chưa rõ nguyên nhân. Làm sao các ông có thể đánh giá văcxin không liên quan đến các trường hợp phản ứng sau tiêm?

- Ông Nguyễn Trần Hiển: Như tôi đã nói, trong số 43 ca phản ứng nặng có chín trường hợp có thể liên quan đến Quinvaxem, với các biểu hiện sốt, co giật, giảm trương lực cơ, là phản ứng với kháng nguyên lạ có trong văcxin. Còn một trường hợp có sốc phản vệ nhưng đã được điều trị khỏi. Mặc dù có phản ứng, nhưng nói về tính hiệu quả nên văcxin này vẫn được đưa vào chương trình tiêm chủng mở rộng ở 90 nước trên thế giới. So sánh với tỉ lệ có phản ứng phụ sau tiêm của thế giới là 20/triệu, VN đã sử dụng 15 triệu liều văcxin Quinvaxem mà tỉ lệ phản ứng là 16 trường hợp là rất thấp.

* VTV: Hàn Quốc sản xuất văcxin Quinvaxem mà không sử dụng văcxin này, xin cho biết lý do?

- Ông Takeshi Kasai: Thế giới hiện có năm loại văcxin dạng phối hợp 5 trong 1, 6 trong 1 đã được thẩm định và được Ủy ban Tư vấn toàn cầu về văcxin khuyến cáo sử dụng. Trong đó loại văcxin có thành phần ho gà vô bào rất đắt, gấp 2-10 lần so với văcxin có thành phần ho gà toàn tế bào như Quinvaxem. Việc lựa chọn sử dụng văcxin nào là quyết định của từng nước, nhưng theo tôi được biết thì Hàn Quốc có lịch tiêm chủng và tiêm ngừa văcxin viêm gan B khác với nhiều nước. Về tỉ lệ phản ứng như sốt, sưng đỏ chỗ tiêm thì ở Hàn Quốc ít hơn VN.

- Ông Nguyễn Trần Hiển: Hàn Quốc chỉ sản xuất thành phần viêm gan B, thành phần ho gà toàn tế bào sản xuất tại Đức, Hib sản xuất tại Ý và tất cả được đóng gói tại Hàn Quốc.

* Tuổi Trẻ: Còn những trường hợp chưa rõ nguyên nhân, tức vẫn còn khả năng có tai biến nếu tiếp tục dùng lại Quinvaxem. Các ông đã tính đến khả năng này?

- Ông Nguyễn Trần Hiển: Khả năng sau khi dùng lại vẫn có phản ứng sau tiêm, vì một năm VN có tới 22.000 trường hợp tử vong dưới 1 tuổi, trong đó có những ca tử vong ngẫu nhiên không rõ nguyên nhân. Vì thế phải chấp nhận những trường hợp tai biến, cố gắng tối đa nghiên cứu xem nguyên nhân và cách khắc phục. Ở Sri Lanka, quốc gia từng tạm dừng Quinvaxem từ 2008-2010 thì sau khi ngưng Quinvaxem, tỉ lệ tai biến sau tiêm cũng không khác so với giai đoạn dùng Quinvaxem. Sri Lanka đã dừng tới hai năm để xem xét kỹ từng trường hợp tai biến, hầu hết các trường hợp tử vong là do bệnh sẵn có, chủ yếu là tim bẩm sinh. Vì vậy phản ứng sau tiêm không có nghĩa là phản ứng do văcxin, mà có thể các bệnh sẵn có ngẫu nhiên hoặc do đáp ứng miễn dịch ở một số cơ địa đặc biệt.

Tỉ lệ mắc bệnh giảm 410 - 841 lần nhờ văcxin

Theo ông Nguyễn Trần Hiển, văcxin Quinvaxem không phải là văcxin mới, vì các thành phần ho gà, bạch hầu... đã sử dụng ở VN. Nhờ tiêm phòng văcxin, tỉ lệ mắc bệnh bạch hầu ở VN giảm 410 lần, bệnh ho gà giảm 841 lần.

Trả lời câu hỏi vì sao không ghi nhận phản ứng sau tiêm văcxin dạng phối hợp dịch vụ, mà chỉ xảy ra ở Chương trình tiêm chủng mở rộng với văcxin Quinvaxem, ông Hiển cho rằng thông tin, số liệu báo cáo tiêm chủng dịch vụ chưa đầy đủ. Ngoài ra số lượng mũi tiêm Quinvaxem lớn, tới 4,5 triệu mũi/năm nên tỉ lệ có phản ứng sau tiêm cũng lớn hơn. Theo ông Hiển, VN đã nhập 15,8 triệu liều văcxin Quinvaxem và đã sử dụng 15 triệu liều. Tuy nhiên, trong những lần công bố trước đây thì số liều nhập về là 16,2 triệu.

LAN ANH ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên