15/05/2013 07:20 GMT+7

Cuối tháng 6 có thể sử dụng lại Quinvaxem?

LAN ANH
LAN ANH

TT - Một thông tin vừa được Chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia công bố ngày 14-5: cuối tháng 6, nếu không có bằng chứng liên quan những trường hợp phản ứng nặng sau tiêm chủng, Bộ Y tế sẽ cho sử dụng lại văcxin Quinvaxem.

Có thể tạm dừng tiêm văcxin Quinvaxem từ 1-3 tháng

nOg60D54.jpgPhóng to
Trẻ được tiêm ngừa tại Viện Pasteur TP.HCM - Ảnh: T.T.D.

Quyết định tạm dừng sử dụng ngay văcxin Quinvaxem trong Chương trình tiêm chủng mở rộng được Cục Quản lý dược, Bộ Y tế đưa ra ngày 4-5 có thể coi là quyết định đột ngột, vì trước đó các cơ quan chức năng chưa tìm được bằng chứng liên quan giữa chất lượng văcxin, dịch vụ tiêm chủng và các trường hợp phản ứng nặng sau tiêm Quinvaxem.

Song Bộ Y tế cũng chưa có bằng chứng loại trừ nguyên nhân chất lượng văcxin sau hàng loạt trường hợp phản ứng nặng sau tiêm.

“Hồi hộp” chờ kiểm định

Trong thông báo rộng rãi ngày 14-5, ông Nguyễn Trần Hiển - chủ nhiệm Chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia, viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư - cho hay: Hội đồng khoa học tư vấn về sử dụng văcxin và sinh phẩm y tế của Bộ Y tế đã họp và đề nghị bộ trong thời gian tạm dừng văcxin này (khoảng hai tháng) chưa nên sử dụng loại văcxin khác, mà đề nghị Bộ Y tế khẩn trương làm việc với Tổ chức Y tế thế giới, sớm đưa ra kết luận cuối cùng về tính an toàn của văcxin Quinvaxem.

“Phương án được đưa ra là nếu cuối tháng 6-2013 không có bằng chứng về mối liên quan giữa Quinvaxem và các trường hợp phản ứng nặng sau tiêm thì nên sử dụng lại văcxin Quinvaxem”- ông Hiển cho biết.

Tuy nhiên, điều khó khăn trong việc tìm bằng chứng liên quan giữa văcxin và các ca phản ứng nặng sau tiêm là hầu hết các trường hợp tử vong đều xảy ra tại nhà, không có hồ sơ y khoa, không giải phẫu tử thi...

Do vậy, Bộ Y tế đang trông đợi vào kết quả kiểm định văcxin Quinvaxem ở Anh và kết quả làm việc của đoàn chuyên gia của Tổ chức Y tế thế giới. Nhưng không có hồ sơ y khoa và các kiểm định văcxin trước đó đều đảm bảo tính an toàn, rất có thể một lần nữa kết luận lại là “chưa tìm được bằng chứng liên quan”...

Thay thế bằng cách nào?

GS.TS Trịnh Quân Huấn - chuyên gia cao cấp của Bộ Y tế, nguyên thứ trưởng Bộ Y tế - cho biết tỉ lệ phản ứng sau tiêm của văcxin có thành phần ho gà toàn tế bào như Quinvaxem thuộc vào một trong những loại cao nhất. Còn GS.TS Nguyễn Đình Bảng, nguyên viện trưởng Viện Kiểm định văcxin và sinh phẩm y tế, cho rằng gần 10 năm trước các nhà khoa học quốc tế đã khuyến cáo nên chuyển sang sử dụng loại văcxin có thành phần ho gà vô bào an toàn hơn.

Nguồn tài chính để mua văcxin cũng là một mối quan tâm lớn. Văcxin Quinvaxem với giá bán cho chương trình tiêm chủng mở rộng trên 70.000 đồng/mũi tiêm được coi là sự lựa chọn hợp lý. Trong 10 ngày vừa qua khi Quinvaxem bị tạm dừng, nhiều gia đình có con đã tiêm ngừa 1-2 mũi Quinvaxem đổ xô đi tiêm chủng văcxin 5 trong 1dịch vụ giá tới 600.000-800.000 đồng/mũi. Chính vì thế, phương án thay thế Quinvaxem như thế nào càng được nhiều người quan tâm.

Đợi hoặc tiêm văcxin thay thế

Những ngày gần đây, Tuổi Trẻ nhận được nhiều thắc mắc của các bậc phụ huynh khi đưa trẻ đến các trạm y tế phường để tiêm văcxin 5 trong 1 Quinvaxem thì được trả lời đang tạm ngừng tiêm loại văcxin này. Nếu gia đình có điều kiện có thể cho trẻ chuyển sang tiêm ngừa loại văcxin dịch vụ có giá khoảng 700.000 đồng.

Theo bác sĩ Nguyễn Hoài Nam - trưởng phòng nghiệp vụ y Sở Y tế TP.HCM, các bậc phụ huynh có thể đợi quyết định mới của Bộ Y tế, còn với những gia đình có điều kiện có thể cho trẻ tiêm ngừa các loại văcxin dịch vụ thay thế khác.

THÙY DƯƠNG

LAN ANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên