Phóng to |
Thanh tra Sở Y tế TP.HCM làm việc tại phòng khám Trung Quốc Đầm Sen (Q.11, TP.HCM) - Ảnh: Thùy Dương |
PV Tuổi Trẻ đã trao đổi với ông Đào Kim Phú - trưởng đại diện phía Nam Cục Quản lý phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử. Ông Phú nói:
- Sau khi Tuổi Trẻ phản ánh, một số đài đã tháo gỡ các quảng cáo cho phòng khám Trung Quốc.
* Khi kiểm tra, các ông có phát hiện sai phạm gì trong quảng cáo trên đài với hồ sơ cấp phép quảng cáo không?
- Kiểm tra hồ sơ quảng cáo của các đài, chúng tôi thấy hồ sơ tiếp nhận đầy đủ thủ tục theo quy định. Tức là phòng khám có giấy chứng nhận đủ điều kiện hành nghề, có phiếu tiếp nhận hồ sơ quảng cáo, có kịch bản quảng cáo của ngành y tế duyệt. Còn nếu so sánh nội dung được duyệt bởi ngành y tế với nội dung quảng cáo phát sóng thì trách nhiệm chính là của các đài vì khi đài đưa lên thì phải kiểm tra. Nếu phát hiện được trường hợp nào quảng cáo quá mức, không đúng nội dung kịch bản, có vấn đề dễ dãi khi phát sóng quảng cáo vì lợi ích của đài, chắc chắn chúng tôi sẽ xử lý theo quy định. Vấn đề này chúng tôi đang phối hợp với Sở Y tế để kiểm tra.
* Các quảng cáo của phòng khám Trung Quốc đã phát sóng trên các đài truyền hình nhưng cục chưa phối hợp với ngành y tế để kiểm tra, giám sát nội dung kịch bản được cấp phép hay sao?
- Về nội dung quảng cáo thì giám đốc và tổng biên tập các cơ quan báo đài phải chịu trách nhiệm. Về mặt quản lý nhà nước, khi xảy ra vụ việc thì phải kiểm tra và xử lý theo quy định. Còn để xác định nội dung phát có đúng nội dung ngành y tế cấp phép thì phải phối hợp kiểm tra mới xác định được.
* Sở Y tế TP.HCM có cung cấp các thông tin cấp phép quảng cáo các phòng khám Trung Quốc cho cục hay chưa?
- Qua trao đổi điện thoại, thanh tra Sở Y tế đã đồng ý cung cấp và phối hợp. Tuy nhiên, họ có yêu cầu cho thêm thời gian để chuẩn bị và cung cấp.
Phóng to |
Ông Đào Kim Phú - Ảnh: L.TH.H. |
- Theo tôi, có hai nguyên nhân. Một là do mức xử phạt đối với những hành vi quảng cáo không đúng chưa cân xứng so với lợi ích thu được từ quảng cáo, dẫn đến tình trạng không chấp hành nghiêm trong hoạt động quảng cáo. Hai là công tác quản lý trong lĩnh vực này và công tác phối hợp, kiểm tra xử lý chưa được thường xuyên. Vì vậy, chúng tôi đã lưu ý tổng biên tập, giám đốc báo đài phải chấp hành nghiêm việc quảng cáo theo quy định. Dù hồ sơ thủ tục quảng cáo đầy đủ, đúng quy định nhưng khi thấy nội dung kịch bản không phù hợp, có thể gây niềm tin quá mức vào quảng cáo thì với trách nhiệm của báo, đài đối với xã hội có thể từ chối không phát sóng.
* Có dư luận rằng do sự buông lỏng quản lý của cơ quan chủ quản nên một số đài đã bán sóng truyền hình cho tư nhân dẫn đến tình trạng quảng cáo không kiểm soát được nội dung?
- Tôi cũng có nghe dư luận về việc bán sóng truyền hình nhưng đây chỉ là dư luận, nên không thể kiểm tra, xử lý được. Quy định không cho phép bán sóng mà chỉ cho phép các đài được liên kết để thực hiện việc sản xuất các chương trình phát thanh, truyền hình theo thông tư số 19/2009/TT-BTTTT của Bộ Thông tin - truyền thông nhằm nâng cao chất lượng nội dung chương trình. Nếu có thông tin cụ thể kênh, đài truyền hình nào bán sóng thì chúng tôi kiểm tra, nếu đúng sẽ xử lý ngay. Dù có liên kết thì giám đốc đài vẫn phải chịu trách nhiệm chính về nội dung. Không phải liên kết rồi để mặc đối tác liên kết muốn làm gì thì làm.
* Có khi nào cũng là “người nhà với nhau” nên cục chưa thật sự có biện pháp mạnh để chấn chỉnh sai phạm trong quảng cáo của một số đài hay không?
- Việc xử lý đều phải theo quy định pháp luật, không ai có quyền du di, không có chuyện tình cảm là người cùng ngành, cùng hệ mà bỏ qua. Tuy nhiên, chưa đủ yếu tố để xử lý vi phạm quảng cáo cho phòng khám Trung Quốc vì hồ sơ thủ tục nội dung quảng cáo của các đài đều cho thấy được cơ quan y tế cấp, duyệt. Thật sự trong quản lý hiện còn nhiều bất cập.
* Thưa ông, đó là những bất cập gì?
- Tôi rất băn khoăn vì bất cập lớn nhất trong quy định hiện nay là chưa rõ ràng về địa chỉ người chịu trách nhiệm. Khi cấp phép hành nghề cho một phòng khám Trung Quốc thì ngành y tế duyệt luôn kịch bản quảng cáo và đưa kịch bản quảng cáo này cho doanh nghiệp đi đăng ký quảng cáo. Đài dựa trên nội dung kịch bản doanh nghiệp cung cấp và phát. Ông nhận quảng cáo là đài truyền hình nhưng phải nói thật là đài có buông lỏng trong việc kiểm tra nội dung quảng cáo. Do đó, để phân định trách nhiệm rõ ràng rất là khó.
Hà Nội: kiểm tra phòng khám có yếu tố nước ngoài Trao đổi với Tuổi Trẻ, chánh thanh tra Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Việt Cường cho biết tại Hà Nội hiện có bốn phòng chẩn trị y học cổ truyền và tám phòng khám, bệnh viện có yếu tố nước ngoài. Hiện Sở Y tế Hà Nội phối hợp với Công an Hà Nội thanh tra, kiểm tra các phòng khám này. Theo ông Cường, qua kiểm tra 13 cơ sở (trong đó có 10 phòng khám y học cổ truyền, ba phòng khám đa khoa Trung Quốc) thời gian qua, phát hiện chín cơ sở có vi phạm, phạt tiền 103.500.000 đồng. Về lỗi quảng cáo quá mức của nhiều phòng khám Trung Quốc, ông Cường cho biết nội dung quảng cáo do Sở Y tế phê duyệt, ví dụ phòng khám chỉ được điều trị trĩ độ 1-2, nếu điều trị trĩ độ 3-4 là vi phạm, nhưng nhiều phòng khám vẫn quảng cáo là “tuyến cuối” điều trị bệnh trĩ. Ông Cường cho biết sở sẽ kiểm tra hoạt động phòng khám Maria, yêu cầu đại diện phòng khám Maria đối thoại với bệnh nhân và xử phạt thật nghiêm sai phạm. Chánh thanh tra Bộ Y tế Đặng Văn Chính đã có văn bản gửi các giám đốc sở y tế, yêu cầu tăng cường thanh tra, kiểm tra phòng khám có yếu tố nước ngoài. L.ANH |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận