26/07/2011 03:03 GMT+7

Bệnh tay chân miệng: chống dịch còn nhiều khó khăn

QUỐC NGỌC thực hiện
QUỐC NGỌC thực hiện

TT - Theo khẳng định của Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM, dịch tay chân miệng vẫn chưa giảm. Số ca bệnh ghi nhận trong tháng 6 và đầu tháng 7-2011 tại TP.HCM vẫn ở mức hơn 400 ca/tuần.

b2P9DwXr.jpgPhóng to
TS.BS Trần Phủ Mạnh Siêu - Ảnh: Quốc Ngọc
TT - Theo khẳng định của Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM, dịch tay chân miệng vẫn chưa giảm. Số ca bệnh ghi nhận trong tháng 6 và đầu tháng 7-2011 tại TP.HCM vẫn ở mức hơn 400 ca/tuần.

Các quận 8, Thủ Đức, huyện Bình Chánh, Hóc Môn vẫn là những địa phương có số ca bệnh và tử vong cao. Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với TS.BS Trần Phủ Mạnh Siêu - giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM - về những khó khăn trong việc phòng chống bệnh dịch này.

* Thưa ông, Trung tâm Y tế dự phòng thành phố đã thể hiện vai trò của mình như thế nào trong mùa dịch bệnh tay chân miệng năm nay trên địa bàn TP.HCM?

- Ngay từ đầu mùa dịch, khoảng tháng 3-2011, trung tâm đã đưa ra kế hoạch phòng chống bệnh tay chân miệng và triển khai xuống tất cả trung tâm y tế dự phòng của 24 quận huyện. Trong đó, có các biện pháp phối hợp với UBND các địa phương nhằm tuyên truyền kế hoạch này đến cộng đồng dân cư.

Đến nay, chúng tôi đã phân phối hơn 50.000 tấn Cloramin B dùng để vệ sinh hằng ngày, khử khuẩn hằng tuần xuống từng trạm y tế phường xã.

Song song đó, trung tâm thường xuyên tổ chức các đoàn giám sát các địa phương. Đồng thời, kêu gọi trung tâm y tế dự phòng các quận huyện thường xuyên giám sát nhằm có những báo cáo, nhận định kịp thời để tham mưu cho Sở Y tế đánh giá hiệu quả của công tác phòng chống dịch bệnh.

* Ông đánh giá thế nào về hệ thống y tế dự phòng các quận huyện trong mùa dịch năm nay?

- Việc tuyên truyền và cấp phát thuốc vệ sinh khử khuẩn chỉ được thực hiện tốt ở khu vực trường mầm non, mẫu giáo. Còn tại cộng đồng dân cư rõ ràng có sự khác nhau giữa các địa phương trong hiệu quả phòng chống dịch. Có quận làm tốt, nhưng cũng có quận huyện chưa bám sát từng hộ dân do địa bàn dân cư phức tạp, tập trung nhiều người di dân, các khu nhà trọ... - những đối tượng rất cần được tiếp cận.

Hiện hệ thống y tế dự phòng của thành phố không đủ quân số trong việc phòng chống dịch bệnh. Cần sự kết hợp của nhiều lực lượng, ban ngành, đoàn thể tại các địa phương trong công cuộc này. Nhìn chung, cộng đồng chưa tiếp cận được chiến dịch tuyên truyền phòng chống dịch.

Tôi cũng đánh giá việc sử dụng Cloramin B ở một số nơi chưa hiệu quả và gây lãng phí. Ở đây cũng cần nói thêm về những khó khăn trong việc sử dụng Cloramin B. Người dân phải pha dung dịch đúng liều lượng, sử dụng đúng cách và chịu đựng mùi hôi của nó. Thực tế nhiều người chỉ dùng một hai lần là vứt đi.. Khi trung tâm đi kiểm tra, có những phường chỉ đạt khoảng 30% hộ dân pha đúng nồng độ thuốc Cloramin B mà thôi.

* Theo ông, giải pháp nào hiệu quả nhất để phòng ngừa dịch bệnh tay chân miệng,?

- Dịch bệnh vẫn đang diễn biến phức tạp, có ngày tăng, ngày giảm. Vẫn còn sự lây lan trong các tuyến nội thành cộng thêm từ các tỉnh đổ về. Tôi nghĩ cần phải tập trung phòng chống dịch quyết liệt hơn tại những nơi có số ca bệnh và tử vong nhiều. Cụ thể, cán bộ địa phương phải đến từng nhà, từng khu xóm giám sát việc vệ sinh khử khuẩn hằng ngày, hướng dẫn họ pha thuốc đúng nồng độ, lau nhà, vệ sinh vật dụng đúng cách. Tại những địa bàn dân cư mà gia đình có cha mẹ, người lớn đi làm ban ngày, thậm chí cán bộ phải tìm đến nhà họ vào ban đêm để tiếp cận, vận động và giám sát.

Tại các bệnh viện có điều trị bệnh tay chân miệng cần tăng cường biện pháp chống nhiễm khuẩn thật tốt. Thường xuyên huấn luyện các cô giáo mầm non về kiến thức phòng chống bệnh.

* Là người có con nhỏ dưới 5 tuổi, ông cảm thấy thế nào?

- Tôi lo lắng như mọi phụ huynh khác. Nhưng nên nhớ tỉ lệ lây lan từ người lớn sang trẻ nhỏ cũng rất cao. Tôi bao giờ cũng rửa tay sạch sẽ, thậm chí tắm thật sạch mỗi khi đi làm về trước khi ôm bế các con. Tuy đang là mùa hè, tôi cũng khuyên mọi người nên hạn chế đưa trẻ đến những khu vui chơi giải trí công cộng, các nguồn lây này rất khó kiểm soát.

IxFsJvTW.jpgPhóng to
Một bệnh nhi 3 tháng tuổi điều trị bệnh tay chân miệng tại Bệnh viện Nhi Đồng 1 TP.HCM - Ảnh: Thuận Thắng

Đó là ghi nhận của chúng tôi về ý thức phòng chống dịch bệnh tay chân miệng tại cộng đồng dân cư và khu vực trường mầm non ở một số quận huyện trên địa bàn TP.HCM trong ngày 25-7.

Bà Đỗ Thị Long Phụng, phó hiệu trưởng Trường mầm non Trường Thọ, P.Trường Thọ, Q.Thủ Đức, TP.HCM, cho biết việc thực hiện công tác phòng ngừa bệnh tay chân miệng nhà trường thực hiện theo đúng hướng dẫn của trạm y tế phường. Việc tẩy rửa khử trùng sàn nhà, các vật dụng dạy học và cả đồ chơi của các bé bằng Cloramin B được triển khai đều đặn hằng tuần dưới sự hướng dẫn của trạm trưởng trạm y tế phường.

Trong khi đó, nhiều bậc phụ huynh có con dưới 5 tuổi vẫn chưa được tiếp cận đầy đủ nhất về cách phòng ngừa loại dịch bệnh nguy hiểm này. Chị Nguyễn Thị Thanh Hạnh (ngụ số nhà 20 đường 19, khu phố 4, P. Hiệp Bình Chánh, Q. Thủ Đức) cho biết: “Nói thật tôi cũng không biết bệnh tay chân miệng là bệnh gì nên làm sao biết cách phòng chống (?)”. Chị Hạnh cho biết thêm từ trước tới giờ không hề nhận được Cloramin B từ phường để tẩy rửa nhà cửa trong khi nhà chị có tới hai bé, một bé dưới 5 tuổi và một bé 7 tuổi.

Gia đình anh Đoàn Quang Trung (ngụ 247D Bến Bình Đông, P.11, Q.8) lại nói cán bộ đi ngang đưa mấy bịch thuốc rồi đi mất. Chẳng có hướng dẫn gì. Nhà anh có đến 6 trẻ, lớn nhất 9 tuổi và nhỏ nhất 1 tuổi.

QUỐC NGỌC thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên