09/07/2014 07:47 GMT+7

Có phải do làm đúng luật?

TS VÕ DUY NGHI
TS VÕ DUY NGHI

TT - Ngày 8-7-2014 trên báo Tuổi Trẻ có đăng phát biểu của một thứ trưởng Bộ Công thương cho rằng lý do Trung Quốc trúng thầu vì các cơ quan nhà nước thực hiện... quá tốt Luật đấu thầu và vị này đề xuất “nghĩ đến cái gì ngoài luật”.

Trung Quốc trúng thầu nhiều vì Việt Nam thực hiện tốt luật (?)Trung Quốc trúng thầu, chưa chắc rẻ

Tôi nghĩ cần làm rõ sự thật hiện tượng các nhà thầu Trung Quốc trúng thầu nhiều dự án lớn là do đâu?

Có thể khẳng định rằng Luật đấu thầu trước đây và Luật đấu thầu sửa đổi vừa được Quốc hội thông qua có những quy định cụ thể tạo điều kiện cho chủ đầu tư chọn được nhà thầu có năng lực. Chủ đầu tư hoàn toàn có thể đưa ra những “đầu bài” thầu khó, yêu cầu kỹ thuật cao để loại các nhà thầu kém năng lực, chưa cần xét tới yếu tố giá. Theo quy định, chỉ những nhà thầu lọt qua vòng kỹ thuật mới xét đến yêu cầu về thương mại. Vấn đề ở đây là một số chủ đầu tư ra “đầu bài” quá dễ dãi nên phần lớn nhà thầu Trung Quốc đều lọt qua vòng xét kỹ thuật và đương nhiên giá thấp sẽ trúng thầu. Như vậy có thể thấy sự yếu kém về năng lực của chủ đầu tư, các ban quản lý dự án trong việc chuẩn bị hồ sơ mời thầu, tạo điều kiện cho các nhà thầu Trung Quốc kém năng lực tham gia và trúng thầu chứ không phải luật không điều chỉnh đến các yếu tố này.

“Cái ngoài luật” vị thứ trưởng đề cập ở đây chính là vấn đề “lại quả”, “phết phẩy” mà các nhà thầu Trung Quốc luôn có thế mạnh. Chúng ta đều biết các nhà thầu đến từ các nước G7 hoặc châu Âu luôn mạnh tay chống tham nhũng. Họ thường buộc các đối tác (chủ đầu tư) ký các thỏa thuận chống tham nhũng (anti-corruption agreement) trong quá trình làm ăn, ký kết hợp đồng. Vì vậy vấn đề chủ đầu tư nhũng nhiễu, đòi “lại quả” khó có thể xảy ra. Chính vì vậy một số chủ đầu tư, ban quản lý dự án nghiêng về phương án chọn nhà thầu Trung Quốc, mà muốn chọn thì không cách nào khác là nới lỏng các yêu cầu kỹ thuật, tạo điều kiện cho họ vào vòng trong. Khi ấy giá cả là quyết định.

Ông cha ta thường nói: “Của rẻ là của ôi”. Một bộ phận chủ đầu tư, ban quản lý dự án không là tham rẻ vì lợi ích quốc gia mà vì lợi ích nhóm, lợi ích cá nhân nên đã chọn các nhà thầu Trung Quốc kém chất lượng, giá rẻ để rồi “há miệng mắc quai”. Lãnh đạo các bộ ngành quan trọng của nền kinh tế quốc dân phải nhận ra những vấn đề đó, chứ không thể dễ dàng cho rằng đã làm đúng luật nên nhiều nhà thầu Trung Quốc trúng thầu.

TS VÕ DUY NGHI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên