Bầu Kiên: "Xin tòa đừng vội tuyên án"Vụ Bầu Kiên: Hầu tòa vì lợi ích nhóm, "đường vòng tội lỗi"
1. Quyết định khởi tố vụ án kinh doanh trái phép: HĐXX xét thấy có dấu hiệu phạm tội kinh doanh trái phép tại ngân hàng ACB và ngân hàng Vietbank, quyết định khởi tố vụ án hình sự tại ngân hàng ACB và ngân hàng Vietbank.
2. Vụ án lừa đảo: HĐXX thấy hành vi của Huỳnh Thị Bảo Ngọc (phó phòng quản lý quỹ ACB) có dấu hiệu đồng phạm với Huỳnh Thị Huyền Như trong việc lừa đảo, Hội đồng xét xử quyết định khởi tố vụ án hình sự lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Mức án cụ thể của các bị cáo:
Nguyễn Đức Kiên (nguyên chủ tịch hội đồng đầu tư Ngân hàng ACB, nguyên phó chủ tịch hội đồng quản trị Ngân hàng ACB, nguyên phó chủ tịch hội đồng sáng lập ACB): 20 tháng tù về tội kinh doanh trái phép, 18 năm tù về tội cố ý làm trái, 6 năm 6 tháng tù về tội trốn thuế và 20 năm tù về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Tổng hợp hình phạt chung của bị cáo Kiên là 30 năm tù.
Nhóm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản:
- Bị cáo Trần Ngọc Thanh (62 tuổi, nguyên giám đốc Công ty cổ phần đầu tư ACB Hà Nội): 5 năm 6 tháng tù
- Bị cáo Nguyễn Thị Hải Yến (45 tuổi, nguyên kế toán trưởng Công ty cổ phần đầu tư ACB Hà Nội): 5 năm tù
Nhóm tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng:
- Bị cáo Lê Vũ Kỳ (58 tuổi, nguyên phó chủ tịch hội đồng quản trị Ngân hàng ACB): 5 năm tù, cấm đảm nhiệm chức vụ trong vòng 5 năm kể từ khi chấp hành xong hình phạt.
- Bị cáo Lý Xuân Hải (49 tuổi, nguyên tổng giám đốc Ngân hàng ACB): 8 năm tù
- Bị cáo Trịnh Kim Quang (60 tuổi, nguyên phó chủ tịch hội đồng quản trị Ngân hàng ACB): 4 năm tù
- Bị cáo Phạm Trung Cang (60 tuổi, nguyên phó chủ tịch hội đồng quản trị Ngân hàng ACB) 3 năm tù và Huỳnh Quang Tuấn (nguyên thành viên hội đồng quản trị Ngân hàng ACB) 2 năm tù.
Thực hiện: Việt Thái |
Nghe tuyên án:
11g50:
Hội đồng xét xử: Bị cáo Nguyễn Đức Kiên phạm tội phạm nhiều tội, thực hiện hành vi phạm tội nhiều lần, liên tục trong thời gian dài, cần áp dụng hình phạt nghiêm khắc.
Tòa tuyên án Nguyễn Đức Kiên (nguyên chủ tịch hội đồng đầu tư Ngân hàng ACB, nguyên phó chủ tịch hội đồng quản trị Ngân hàng ACB, nguyên phó chủ tịch hội đồng sáng lập ACB) đã phạm 4 tội, tổng hợp hình phạt buộc bị cáo chấp hành là 30 năm tù về các tội: lừa đảo, trốn thuế, kinh doanh trái phép và cố ý làm trái.
Tòa cũng tuyên phạt Bầu Kiên 75 tỉ đồng về tội trốn thuế để sung công quỹ, phạt 100 triệu đồng về tội lừa đảo.
11g20:
Tăng tín dụng ảo Về hành vi đầu tư cổ phiếu ACB gây thiệt hại cho ACB 687 tỉ đồng: HĐXX xét thấy các thành viên thường trực HĐQT ACB đã chỉ đạo công ty ACBS (công ty do ngân hàng ACB sở hữu 100% vốn điều lệ) đầu tư vào chính cổ phiếu của ACB. Các bị cáo lợi dụng kẽ hở của pháp luật, thực hiện kinh doanh không đúng quy định của pháp luật. Tiền chạy từ ngân hàng này qua ngân hàng khác, tạo lợi nhuận ảo, tăng trưởng tín dụng ảo, quy luật thị trường bị bóp méo, phục vụ lợi ích cá nhân. |
Tại tòa, luật sư và các bị cáo cho rằng ACB chưa mất 718 tỉ đồng vì Vietinbank mới là đơn vị phải hoàn trả. HĐXX xét thấy sau khi ACB chuyển tiền cho các cá nhân đi gửi tiền tại Vietinbank, đã bị Huỳnh Thị Huyền Như chiếm đoạt. Các nhân viên ACB được ủy thác không quan tâm đến việc gửi tiền, để Huyền Như làm giả thẻ, chiếm đoạt tiền.
ACB đã chủ trương ủy thác tiền gửi để Huyền Như chiếm đoạt tiền, do đó việc Vietinbank hay Huyền Như phải trả tiền thì ACB vẫn mất số tiền nêu trên, ACB chưa thu hồi được.
Hành vi của các bị cáo nguyên là lãnh đạo ACB đã thỏa mãn các yếu tố cấu thành tội Cố ý làm trái.
HĐXX thấy rằng VKSND Tối cao truy tố các bị cáo Nguyễn Đức Kiên cùng các bị cáo Lê Vũ Kỳ (nguyên phó chủ tịch hội đồng quản trị ACB), Lý Xuân Hải (nguyên tổng giám đốc ACB), Phạm Trung Cang, Trịnh Kim Quang (cùng nguyên Phó chủ tịch HĐQT), Huỳnh Quang Tuấn (nguyên thành viên HĐQT) về tội cố ý làm trái là có căn cứ.
Về trách nhiệm dân sự, số tiền 718 tỉ đồng đã được xem xét trong vụ án Huỳnh Thị Huyền Như nên không xem xét trong vụ án này.
HĐXX xét thấy, bà Huỳnh Thị Bảo Ngọc (phó phòng quản lý quỹ ACB) là người liên hệ với Huyền Như để mở tài khoản gửi tiền tại Vietinbank. Huỳnh Thị Bảo Ngọc đã thực hiện sai các quy định, để Huyền Như chiếm đoạt tiền.
Huỳnh Thị Bảo Ngọc đã được hưởng lợi 3 tỉ đồng từ việc gửi tiền, xét thấy có dấu hiệu đồng phạm với Huyền Như, cần khởi tố vụ án, kiến nghị VKSND Tối cao điều tra làm rõ.
10g45:
- Về hành vi cố ý làm trái của Nguyễn Đức Kiên: Tại thời điểm các thành viên HĐQT ACB ủy thác cho các cá nhân đi gửi tiền, Luật các tổ chức tín dụng chưa có hiệu lực. Việc ủy thác được thực hiện theo quyết định 742/2002 của Ngân hàng Nhà nước, nội dung chỉ quy định về ủy thác cho vay, không có nội dung quy định về ủy thác cho cá nhân đi gửi tiền.
HĐXX khẳng định việc thực hiện nghiệp vụ ủy thác tiền gửi trước khi Luật các tổ chức tín dụng có hiệu lực là không đúng quy định của pháp luật. Điều đó có nghĩa việc HĐQT ACB ủy thác cho cá nhân đi gửi tiền là hoàn toàn sai.
Đặc biệt khi Luật Các tổ chức tín dụng có hiệu lực từ 1-1-2011, thường trực HDQT ACB đã họp nhưng vẫn tiếp tục chủ trương ủy thác tiền gửi. HĐQT ACB biết hoạt động ủy thác phải có hướng dẫn nhưng vẫn tiếp tục thực hiện. Các bị cáo phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi này.
- Về hành vi lừa đảo chiếm đoạt của Bầu Kiên (xảy ra tại công ty ACBI): HĐXX nhận thấy qua lời khai tại cơ quan điều tra và tại tòa, phía tập đoàn Hòa Phát đã khẳng định không biết 20 triệu cổ phần đã thế chấp, việc chuyển nhượng cổ phần là mua bán độc lập, không phải hoán đổi.
Sau khi nhận được 264 tỉ đồng của công ty Thép Hòa Phát chuyển, bị cáo Kiên đã chỉ đạo cấp dưới sử dụng tiền vào các mục đích khác nhau. Bị cáo không có động thái đến ngân hàng ACB xin giải chấp cổ phần để chuyển nhượng cho Thép Hòa Phát. Hành vi phạm tội của bị cáo đã hoàn thành.
HĐXX cho rằng VKSND Tối cao truy tố bị cáo tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản là đúng người đúng tội. Tại tòa, bị cáo Kiên không thành khẩn nhận tội nên phải có mức hình phạt nghiêm khắc, cần phải phạt bị cáo 100 triệu để bổ sung công quỹ nhà nước.
Đề nghị điều tra sai phạm của vợ, em gái Bầu Kiên
10g30:
- Về hành vi trốn thuế của Bầu Kiên: HĐXXphân tích việc ủy thác kinh doanh vàng của công ty B&B cho bà Nguyễn Thúy Hương (em gái Kiên) là không hợp pháp. Hợp đồng này chỉ là hợp đồng khống nhằm chuyển toàn bộ lợi nhuận từ B&B cho bà Nguyễn Thúy Hương.
Chi cục Thuế Đống Đa cho biết năm 2009, Chi Cục Thuế thanh tra thuế tại công ty B&B, kết quả truy thu thuế và tiền phạt đối với công ty B&B là hơn 440 triệu đồng. Công ty này đã không kê khai lãi từ hoạt động ủy thác kinh doanh vàng với bà Hương.
Từ các phân tích nêu trên, HĐXX có đủ căn cứ kết luận Nguyễn Đức Kiên trốn thuế với số tiền 25 tỉ đồng. VKS tối cao truy tố bị cáo là đúng người đúng tội. Bị cáo là chủ mưu. Tại tòa và tại cơ quan điều tra không thành khẩn nhận tội, hậu quả gây ra không được khắc phục.
Bên cạnh đó, Đặng Ngọc Lan (vợ ông Kiên) là Nguyễn Thúy Hương đã giúp sức cho Nguyễn Đức Kiên phạm tội trốn thuế, xét thấy cần thiết kiến nghị cơ quan điều tra làm rõ, nếu có vi phạm thì xử lý theo quy định của pháp luật.
Về dân sự, cần buộc công ty B&B nộp 25 tỉ đồng tiền thuế đã trốn cho Chi cục thuế Đống Đa. Về hình phat bổ sung, cần phạt gấp 3 lần mức thuế đã trốn là 75 tỉ đồng.
10g20:
- Về hành vi kinh doanh vàng trái phép tại công ty Thiên Nam: HĐXX cho rằng lời khai của Nguyễn Đức Kiên tại tòa là không đủ căn cứ để chấp nhận, Kiên là người trực tiếp thực hiện hành vi phạm tội. Taị tòa không thành khẩn khai báo, vì thế cần có mức hình phạt nghiêm khắc đối với bị cáo.
9g50: Sau khi tóm tắt nội dung vụ án và diễn tiến việc xét xử tại tòa, Hội đồng xét xử nêu đánh giá vụ án trên sơ sở xem xét tài liệu hồ sơ, quá trình thẩm vấn công khai tại tòa.
Cần khởi tố vụ án, điều tra sự tiếp tay của Ngân hàng ACB
Về hành vi kinh doanh trái phép của Nguyễn Đức Kiên thông qua 6 công ty(do Kiên là chủ tịch HĐQT, hội đồng thành viên):
Tại tòa, bị cáo Kiên thừa nhận dùng tiền của các công ty đầu tư vào việc mua cổ phần, cổ phiếu của doanh nghiệp khác tuy nhiên cho rằng pháp luật không cấm. Các luật sư cũng nói hoạt động đầu tư tài chính, kinh doanh tài chính theo điều 13 Luật Doanh nghiệp, không cần đăng kí kinh doanh.
HĐXX xét thấy lời khai của Nguyễn Đức Kiên tại cơ quan điều tra cũng như tại tòa đều xác nhận việc đầu tư cổ phần cổ phiếu vào doanh nghiệp để sinh lợi theo quy định của khoản 1, điều 7, điều 8… Luật doanh nghiệp năm 2005. Đồng thời doanh nghiệp phải tuân thủ theo điều 9, Luật doanh nghiệp: phải kinh doanh theo giấy phép đăng kí kinh doanh.
Các công ty của Nguyễn Đức Kiên không đăng kí kinh doanh cổ phần cổ phiếu, góp vốn vào doanh nghiệp.
Theo nghị định 88/2006 của chính phủ, doanh nghiệp phải có nghĩa vụ đăng kí kinh doanh. Nguyễn Đức Kiên là người hoạt động doanh nghiệp, khi kinh doanh đã không theo đúng giấy phép. Hành vi kinh doanh mua cổ phần cổ phiếu đã vi phạm điều 159 Bộ Luật hình sự - Hành vi này thỏa mãn dấu hiệu tội kinh doanh trái phép.
Qua đây HĐXX xét thấy việc phát hành trái phiếu tại các công ty của Nguyễn Đức Kiên là vi phạm pháp luật, có sự giúp sức của các thành viên ngân hàng ACB. HĐXX xét thấy cần khởi tố vụ án để điều tra hành vi này của các cá nhân tại ACB, nếu có vi phạm cần xử lý theo quy định của pháp luật.
* 8g15 sáng nay 9-6, sau một tuần nghị án, TAND TP Hà Nội bắt đầu tuyên bản án đối với Nguyễn Đức Kiên (Bầu Kiên) và các đồng phạm với việc tuyên đọc bản án, mở đầu bằng việc tóm tắt các nội dung chính của vụ án.
Nguyễn Đức Kiên căng thẳng trong giờ tòa tuyên án - Ảnh: Tâm Lụa |
* Trước đó, qua màn hình, các phóng viên nhận thấy khác với trong 11 ngày xét xử vừa qua, bị cáo Nguyễn Đức Kiên khá căng thẳng trong ngày tòa chính thức công bố bản án.
Phòng xử TAND TP Hà Nội chật kín người. Trên bàn làm việc của Hội đồng xét xử, hồ sơ vụ án xếp thành hàng dày - đây là một trong những vụ án có lượng hồ sơ kỉ lục.
Phóng to |
Tài liệu hồ sơ vụ án xếp thành từng chồng cao trong phòng xử sáng 9-6 - Ảnh: Tâm Lụa, chụp qua màn hình |
Phóng to |
Bầu Kiên (áo trắng) và các đồng phạm đứng nghe tòa tuyên án - Ảnh: Tâm Lụa |
Phóng to |
Bầu Kiên nói lời sau cùng trước khi Hội đồng xét xử nghị án sáng 2-6 - Ảnh: Tâm Lụa |
* Hội đồng xét xử đã làm việc trong 11 ngày (từ ngày 20-5), các bị cáo bị xét xử về 4 tội: trốn thuế, kinh doanh trái phép, lừa đảo chiếm đoạt tài sản và cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.
Tại phiên tòa ngày 2-6, trong lời nói sau cùng với Hội đồng xét xử trước khi vào nghị án, Nguyễn Đức Kiên (nguyên chủ tịch Hội đồng đầu tư Ngân hàng ACB) vẫn đề nghị tòa đừng vội tuyên án.
Tuổi Trẻ điểm lại diễn biến phiên xử Nguyễn Đức Kiên và đồng phạm trong 11 ngày qua:
Đồng loạt phản bác cáo trạng
Tại tòa, 8 bị cáo trong vụ án Nguyễn Đức Kiên đã đồng loạt phản bác cáo trạng. Các bị cáo cho rằng cáo trạng truy tố không đúng người đúng tội.
Bị cáo Nguyễn Đức Kiên cho rằng mình không kinh doanh trái phép, “không thiếu tiền để phải đi lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, “cơ quan điều tra hình sự hóa quan hệ kinh tế”.
Về tội trốn thuế, Bầu Kiên cho rằng giám định viên thuế quên quy định pháp luật nên giám định sai. Về tội cố ý làm trái, Bầu Kiên cho rằng thời điểm năm 2010, bị cáo không có quyền gì trong HĐQT ACB để buộc các thành viên khác làm theo ý mình.
Bầu Kiên cũng nói việc chuyển nhượng cổ phần cho Công ty Thép Hòa Phát thực chất là thực hiện hoán đổi cổ phần giữa hai công ty, phía tập đoàn Hòa Phát biết cổ phần đã thế chấp vẫn nhận chuyển nhượng với giá 264 tỉ đồng. Vì thế, Bầu Kiên nói cáo buộc của VKS rằng bị cáo lừa đảo là không có căn cứ.
Trong khi đó, ông Trần Đình ông Long, chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hòa Phát khẳng định nếu biết 20 triệu cổ phần đã thế chấp cho ACB thì sẽ không bao giờ mua.
Tuy nhiên trong các ngày xét xử tiếp theo, ông Long thừa nhận Tập đoàn Hòa Phát có sai sót khi đã ký vào đề nghị phong tỏa các cổ phần này để công ty ACBI thế chấp cho ACB, nhưng lại quên không thông báo cho hệ thống công ty biết.
Tranh luận lại với các bị cáo và luật sư, đại diện VKS ND TP. Hà Nội đã dùng từ “lợi ích nhóm và đường vòng tội lỗi” khi đề cập đến hành vi cố ý làm trái xảy ra tại ngân hàng ACB. Đại diện VKS cho rằng chỉ vì lợi ích nhóm mà các bị cáo đã phạm tội một cách mù quáng. Đại diện VKS khẳng định VKS ND Tối cao truy tố các bị cáo là đúng người đúng tội.
Đại diện VKS đã đề nghị mức án 30 năm tù cho cả 4 tội danh đối với bị cáo Nguyễn Đức Kiên.
ACB và Vietinbank "tố" nhau vi phạm
Bà Huỳnh Thị Huyền Như (nguyên trưởng phòng giao dịch Điện Biên Phủ thuộc Vietinbank chi nhánh TP.HCM) được di lý ra Hà Nôi tham dự phiên tòa Nguyễn Đức Kiên với tư cách là người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan.
Trả lời tòa về thủ thuật chiếm đoạt 718 tỉ đồng của ACB gửi tại Vietinbank, Huỳnh Thị Huyền Như cho biết đã chiếm tiền một cách “đơn giản” và thừa nhận trách nhiệm của mình trong việc chiếm đoạt số tiền này.
Không đồng tình với ý kiến này của Huyền Như, đại diện ACB đã đề nghị tòa xem xét trách nhiệm của VietinBank vì Vietinbank không kiểm soát nhân viên, để nhân viên dùng chữ chữ ký giả rút tiền của khách hàng mà không phát hiện được. ACB còn đề nghị VietinBank phải chịu trách nhiệm về số tiền 718 tỉ đồng đã bị Huyền Như chiếm đoạt.
Tuy nhiên, phía Vietinbank lại cho rằng Huyền Như chiếm đoạt tiền thì phải chịu trách nhiệm chứ không liên quan đến Vietinbank.
Tại tòa, đại diện ACB, Vietinbank cũng như các luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho 2 ngân hàng đã dùng nhiều từ ngữ nặng nề để chỉ trích lẫn nhau và đổ trách nhiệm cho nhau trong việc để Huyền Như chiếm đoạt 718 tỉ đồng.
Luật sư của ACB cho rằng “Vietinbank đã sơ hở, dễ dãi, chủ quan và rất yếu kém, để tội phạm rút tiền khỏi tài khoản của khách hàng, đồng thời cũng chính là rút tiền trong két của Vietinbank”.
Trong khi đó, đại diện Viettinbank đã “tố” ACB quá liều lĩnh, lừa dối Ngân hàng Nhà nước, lách luật, có các công ty sân sau, tạo vốn ảo lãi thật, bóp méo quy luật thị trường. Đại diện Vietinbank còn cho rằng ACB mượn diễn đàn để chỉ trích các cơ quan nhà nước, để bôi nhọ lẫn nhau…
Đề nghị khởi tố vụ thiếu trách nhiệm tại Ngân hàng Nhà nước
Trả lời tòa về chủ trương ủy thác cho các nhân viên gửi tiền vào Vietinbank để hưởng lãi suất cao hơn lãi suất trần, các bị cáo nguyên là lãnh đạo ngân hàng ACB đều cho rằng mình làm đúng chứ không vi phạm điều 106 Luật các Tổ chức Tín dụng năm 2010 như cáo buộc của cáo trạng.
Tại tòa, các bị cáo nguyên là lãnh đạo ACB đã “tố” Ngân hàng Nhà nước chậm ban hành hướng dẫn Luật các Tổ chức Tín dụng. Trong thời điểm kinh tế khó khăn, các bị cáo đã áp dụng quyết định 742/2002 của Ngân hàng Nhà nước để ủy thác cho nhân viên đi gửi tiền.
Theo các bị cáo, quyết định 742 không hề có quy định ngăn cản các cá nhân gửi tiền, vì thế việc ACB ủy thác cho nhân viên gửi tiền năm 2010 là không sai. Năm 2011, Luật Các tổ chức Tín dụng mới có hiệu lực và mãi đến năm 2012, Ngân hàng Nhà nước mới có hướng dẫn.
Trả lời tòa, đại diện Ngân hàng nhà nước cho biết trước khi Luật các Tổ chức tín dụng có hiệu lực thì có quyết định 742 quy định về hoạt động ủy thác. Thời điểm các bị cáo phạm tội, hoạt động ủy thác vẫn áp dụng quyết định 742. Tuy nhiên, việc ủy thác gửi tiền tiết kiệm chưa có văn bản nào hướng dẫn.
Luật sư Hoàng Đôn Hùng (bào chữa cho bị cáo Nguyễn Đức Kiên) cho rằng từ khi Luật các Tổ chức Tín dụng có hiệu lực, Ngân hàng Nhà nước chưa có ý định ban hành hướng dẫn. Từ những căn cứ nêu trên, luật sư kiến nghị HĐXX xem xét khởi tố hành vi thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Ngân hàng Nhà nước.
Theo luật sư Hùng, với tư cách là cơ quan nhà nước có thẩm quyền quản lý các ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước đã chậm ban hành hướng dẫn luật, Thanh tra Ngân hàng nhà nước đã không can thiệp, không ngăn chặn xử lý kịp thời các cá nhân có hành vi ủy thác gửi tiền dẫn dến việc Bầu Kiên và một số lãnh đạo ACB bị truy tố về hành vi cố ý làm trái.
Đại diện nhiều cơ quan nhà nước từ chối trả lời
Tại phiên tòa xét xử Nguyễn Đức Kiên và đồng phạm, đại diện một số cơ quan nhà nước được mời đến tòa đã không trả lời được câu hỏi mà HĐXX đặt ra. Một số vị từ chối trả lời, một số vị đùn đẩy cho cơ quan khác, một số khác lại cho rằng luật chưa quy định nên không thể trả lời.
Trả lời câu hỏi của tòa “hoạt động góp vốn vào doanh nghiệp khác có phải đăng kí kinh doanh hay không”, đại diện Phòng đăng kí kinh doanh Sở Kế hoạch Đầu tư TP.HCM không có câu trả lời mà cho biết đã hỏi Bộ Kế hoạch Đầu tư, Bộ lại hướng dẫn Sở phải hỏi Bộ Tài chính.
Cũng câu hỏi nêu trên, đại diện Sở Kế hoạch Đầu tư Hà Nội đã đề nghị tòa hỏi đại diện Ủy Ban chứng Khoán nhà nước, Bộ kế hoạch Đầu tư.
Trả lời tòa, đại diện Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho biết vấn đề này phải là người có thẩm quyền trả lời.
Trả lời câu hỏi của tòa về hoạt động ủy thác mua bán vàng trên tài khoản nước ngoài có đúng luật hay không, đại diện các cơ quan nhà nước cũng khá lúng túng, không có câu trả lời. Đại diện Ngân hàng nhà nước có mặt tại tòa đã khẳng định rất nhiều lần rằng hoạt động ủy thác kinh doanh vàng trên tài khoản nước ngoài hiện chưa có quy định.
------------------------------------
* Tin bài liên quan:
Vietinbank tố ACB lách luật, lừa dối Ngân hàng Nhà nướcLuật sư: Bầu Kiên bị quy kết lừa đảo đau đớnBầu Kiên: Tôi không thiếu tiền để phải đi chiếm đoạt tài sảnNguyễn Đức Kiên: “Cơ quan điều tra hình sự hóa quan hệ kinh tế”Luật sư kiến nghị khởi tố vụ Ngân hàng Nhà nước thiếu trách nhiệmBầu Kiên bị đề nghị 30 năm tù cho 4 tội danh
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận