20/05/2014 09:56 GMT+7

Truy tố 11 bị can lừa 570 tỉ đồng của 9 ngân hàng

M.QUANG
M.QUANG

TTO - Cáo trạng của VKSND Tối cao xác định Phạm Văn Thụ (Tổng giám đốc công ty TNHH TM công nghiệp Thái Sơn) cùng 6 đồng phạm đã có hành vi lừa đảo. Nhóm 4 lãnh đạo ngân hàng có liên quan cũng bị truy tố.

Vụ đại gia thép lừa 7 ngân hàng: bắt giam 5 bị can

VKSND Tối cao vừa ban hành cáo trạng vụ án “Lừa đảo chiếm đoat tài sản; Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng; Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Công ty TNHH Thương mại Công nghiệp Thái Sơn (Hải Phòng) và các tổ chức tín dụng liên quan, truy tố 11 bị can về các tội danh trên.

Theo cáo trạng, 9 ngân hàng đã bị lừa đảo tổng số tiền gần 570 tỉ đồng.

Trong đó, các bị can Phạm Văn Thụ (nguyên Chủ tịch Hội đồng Thành viên kiêm Tổng giám đốc công ty TNHH thương mại công nghiệp Thái Sơn), Phạm Hải Thanh (nguyên giám đốc công ty TNHH Thép Minh Thanh, TGĐ công ty Thái Sơn), Nguyễn Thị Thanh Huyền (nguyên giám đốc công ty TNHH Thiên Tân Phú) cùng 4 bị can là lãnh đạo các công ty tư nhân khác bị truy tố về tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Đối với nhóm bị can thuộc các ngân hàng: Bị can Lê Quý Hiển (nguyên Giám đốc HDBank Chi nhánh Thăng Long), Phan Hoàng Giang (Phó phòng quản lý hỗ trợ tín dụng HDBank Thăng Long) bị truy tố về tội “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng”.

Các bị can Trương Quang Đông và Phan Xuân Hoà (nguyên Trưởng phòng và nhân viên tín dụng Phòng khách hàng doanh nghiệp, Ngân hàng Đông Á, Chi nhánh quận 5, TP Hồ Chí Minh) bị truy tố về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.

Theo cáo trạng của VKSND Tối cao, năm 1995, ông Phạm Văn Thụ thành lập công ty Thái Sơn (cho đến khi bị bắt đã thay đổi đăng ký của công ty 22 lần). Vốn điều lệ của công ty này dao động qua các lần thay đổi Giấy phép kinh doanh từ 500 triệu đến 600 tỉ đồng. Ngoài công ty Thái Sơn, ông Thụ còn thành lập 11 công ty khác, giao cho vợ con, em, cháu hoặc người thân làm giám đốc để ông Thụ trực tiếp điều hành.

Bản thân công ty Thái Sơn đã nhiều năm kinh doanh có lãi, từng được vinh danh “Doanh nghiệp tiêu biểu”. Tuy nhiên từ tháng 8-2008, do ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế toàn cầu, giá sắt thép trên thị trường tụt giảm nên công ty thua lỗ. Bên cạnh đó việc đầu tư tiền vào nhiều dự án dang dở khiến công ty phải bán sắt thép đã thế chấp cho ngân hàng với giá thấp để trả nợ gốc và lãi.

Đến cuối năm 2010, công ty không còn khả năng thanh toán nợ với ngân hàng nên ông Thụ đã chỉ đạo lập hồ sơ mua bán sắt thép khống giữa các công ty nhằm làm hồ sơ vay tiền ngân hàng.

Cáo trạng nêu rõ tổng dư nợ gốc của nhóm doanh nghiệp của ông Thụ tại 14 tổ chức tín dụng là hơn 1.128 tỉ đồng, trong đó có hơn 509 tỉ đồng vay của 9 tổ chức tín dụng sử dụng hồ sơ mua bán sắt thép khống và hơn 17.500 tấn sắt thép được sử dụng làm tài sản đảm bảo cùng lúc cho nhiều tổ chức tín dụng.

VKSND Tối cao xác định sau khi trừ số tài sản đảm bảo thì ông Thụ đã lừa đảo, chiếm đoạt của 9 tổ chức tín dụng gần 422 tỉ đồng gồm các ngân hàng OCB, LPB, Eximbank, VRB, VIB, DAB, SeaBank, MSB, HDBank.

Ngoài hành vi lừa đảo của bị can Thụ, cơ quan tố tụng cũng xác định bị can Nguyễn Thị Thanh Huyền cũng tham gia ký các hợp đồng mua bán khống hàng hoá để lập hồ sơ vay, chiếm đoạt 152 tỉ đồng của các ngân hàng Eximbank, SeaBank, VRB, HDBank. Sau khi trừ tài sản đảm bảo, bị can này đã chiếm đoạt gần 147 tỉ đồng.

Đối với các bị can tại HDBank Thăng Long, VKSND Tối cao xác định đã có hành vi ký duyệt cho công ty Thái Sơn vay 100 tỉ đồng theo 9 khế ước nhận nợ nhưng công ty này chưa đủ điều kiện chứng minh vốn tự có, cho vay không có đảm bảo gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. Các bị can thuộc Ngân hàng Đông Á Chi nhánh quận 5 đã không tổ chức, theo dõi, giám sát việc vận chuyển hàng hóa về kho của công ty Thép Minh Thanh dẫn đến việc bị bán bớt tài sản, gây thất thoát 46 tỉ đồng.

M.QUANG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên