29/04/2014 17:33 GMT+7

Kháng nghị hủy bản án xử công an dùng nhục hình

DUY THANH
DUY THANH

TTO - Viện trưởng VKSND tỉnh Phú Yên đã quyết định kháng nghị bản án sơ thẩm của TAND TP Tuy Hòa xét xử vụ 5 công an dùng nhục hình, đề nghị cấp phúc thẩm tuyên hủy án để điều tra lại từ đầu.

Vụ công an dùng nhục hình: Gia đình bị hại và 1 bị cáo kháng cáo|Cha bị cáo Thảo Thành kêu oan lên Chủ tịch nước

x7EoOeWx.jpgPhóng to

Năm bị cáo trước vành móng ngựa tại phiên tòa sơ thẩm - Ảnh: Duy Thanh

Theo kháng nghị của Viện trưởng VKSND tỉnh Phú Yên, cấp sơ thẩm chỉ xét xử bốn nguyên sĩ quan công an (được cho tại ngoại) phạm tội “dùng nhục hình” ở điều khoản nhẹ là không tương xứng với không đúng qui định của pháp luật, không tương xứng với tính chất, mức độ của hành vi phạm tội và hậu quả do các bị cáo gây ra.

VKS cũng cho rằng cấp sơ thẩm không điều tra, xét xử đối với thượng tá Lê Đức Hoàn, phó giám đốc Công an TP Tuy Hòa về tội “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” là chưa đúng.

Vì vậy, ngày 29-4, Viện trưởng VKSND tỉnh Phú Yên Nguyễn Hữu Phúc đã ký quyết định kháng nghị phúc thẩm đối với bản án sơ thẩm ngày 3-4 của TAND TP Tuy Hòa về vụ án 5 nguyên sĩ quan công an dùng nhục hình làm chết một nghi phạm tại Công an TP Tuy Hòa (tỉnh Phú Yên).

Quyết định kháng nghị của VKSND tỉnh đề nghị TAND tỉnh Phú Yên xét xử vụ án theo thủ tục phúc thẩm, theo hướng hủy bản án sơ thẩm để điều tra lại cho đúng qui định pháp luật.

Theo quyết định kháng nghị của viện trưởng VVKSND tỉnh Phú Yên, bản án sơ thẩm đã áp dụng Điều 298 Bộ luật hình sự để xét xử các bị cáo Nguyễn Thân Thảo Thành, Phạm Ngọc Mẫn, Nguyễn Tấn Quang, Đỗ Như Huy (đều là nguyên sĩ quan Công an TP Tuy Hòa) và Nguyễn Minh Quyền (nguyên sĩ quan Công an tỉnh Phú Yên) về tội “dùng nhục hình” là có căn cứ, đúng người, đúng tội.

Tuy nhiên, trong quá trình xét hỏi Ngô Thanh Kiều (sinh năm 1982, ở xã Hòa Đồng, huyện Tây Hòa, tỉnh Phú Yên), các bị cáo tuy không có mặt cùng lúc, nhưng biết các bị cáo khác đánh Kiều mà không có ý kiến gì. Như vậy có cơ sở kết luận các bị cáo biết việc dùng nhục hình và đã tiếp nhận ý chí của nhau, do đó các bị cáo phải chịu chung hậu quả gây đa chấn thương phần mềm và việc gây ra cái chết của Ngô Thanh Kiều.

Hành vi của các bị cáo Nguyễn Minh Quyền, Phạm Ngọc Mẫn, Nguyễn Tấn Quang, Đỗ Như Huy đã phạm tội “dùng nhục hình” thuộc trường hợp gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, qui định tại khoản 3 Điều 298 Bộ luật hình sự. Bản án sơ thẩm chỉ áp dụng khoản 1 Điều 298 Bộ luật hình sự để xử phạt các bị cáo là không đúng qui định của pháp luật, không tương xứng với tính chất, mức độ của hành vi phạm tội và hậu quả do các bị cáo gây ra.

Quyết định kháng nghị phúc thẩm của viện trưởng VKSND tỉnh Phú Yên cũng nêu rõ: “Đối với Lê Đức Hoàn (cấp bậc thượng tá) - trưởng ban chuyên án, phó trưởng Công an TP Tuy Hòa, có hành vi thiếu trách nhiệm trong việc chỉ đạo, kiểm tra, để xảy ra việc dùng nhục hình gây hậu quả nghiêm trọng, có dấu hiệu phạm tội “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” qui định tại Điều 285 Bộ luật hình sự nhưng chưa được cấp sơ thẩm điều tra, xử lý theo qui định pháp luật”.

Theo hồ sơ vụ án, ngày 13-5-2012, trong khi xét hỏi nghi can Ngô Thanh Kiều về một số vụ trộm cắp, các bị cáo Nguyễn Thân Thảo Thành, Nguyễn Minh Quyền, Phạm Ngọc Mẫn, Nguyễn Tấn Quang, Đỗ Như Huy có hành vi dùng gậy cao su đánh vào người Kiều khiến ông này bị đa chấn thương và chết vào chiều tối cùng ngày.

VKSND TP Tuy Hòa truy tố các bị cáo tội “dùng nhục hình”, trong đó bản cáo trạng đầu tiên truy tố Thành ở khoản 3 điều 298 vì cho rằng bị cáo này là người đã dùng dùi cui cao su đánh vào đầu Kiều, làm nghi phạm chấn thương sọ não là nguyên nhân chính dẫn đến tử vong. Các bị cáo Quyền, Mẫn, Quang, Huy chỉ đánh vào phần mềm của nghi phạm, nên bị truy tố ở khoản 2 của điều luật này.

Tuy nhiên, sau đó VKSND TP Tuy Hòa đã thu hồi cáo trạng cũ, thay bằng cáo trạng mới, hạ mức truy tố đối với 4 bị cáo Quyền, Mẫn, Quang, Huy xuống khoản 1 Điều 298.

Tại phiên xét xử sơ thẩm diễn ra từ 26 đến 29-3 và ngày 3-4, TAND TP Tuy Hòa tuyên phạt Thành 5 năm tù, Quyền 2 năm tù, Mẫn 1 năm 6 tháng tù, Quang 1 năm 3 tháng tù cho hưởng án treo và Huy 1 năm tù cho hưởng án treo.

Sau phiên tòa sơ thẩm, dư luận cho rằng việc tuyên án như trên đối với các bị cáo là quá nhẹ, việc truy tố, xét xử cấp sơ thẩm có dấu hiệu bỏ lọt người, lọt tội. Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã chỉ đạo viện trưởng Viện KSND tối cao, chánh án TAND tối cao kiểm tra, chỉ đạo xử lý vụ án theo đúng qui định pháp luật.

Ngày 14-4, các đoàn công tác của Viện KSND tối cao và TAND tối cao đã đến Phú Yên làm việc với các cơ quan tố tụng và Thường trực Tỉnh ủy Phú Yên.

Gia đình bị hại Ngô Thanh Kiều có đơn kháng án, yêu cầu xử lý nghiêm các bị cáo theo qui định pháp luật, tăng mức bồi thường dân sự. Bị cáo Nguyễn Thân Thảo Thành kháng cáo kêu oan.

------------------------------------

* Tin bài liên quan:

VKSND Tối cao và TAND tối cao làm việc với Phú YênVụ công an dùng nhục hình: Gia đình bị hại và 1 bị cáo kháng cáoChủ tịch nước yêu cầu xử nghiêm vụ “dùng nhục hình”Đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội giám sátViện KSND và TAND tối cao đến Phú Yên nghe báo cáo

DUY THANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên