24/03/2014 13:48 GMT+7

5 triệu yen thuộc người mua ve chai sau 1 năm?

Luật sư NGUYỄN SA LINH
Luật sư NGUYỄN SA LINH

TTO - 5 triệu yen Nhật trong thùng loa phế thải được xem là tài sản không xác định được chủ sở hữu, luật sư Nguyễn Sa Linh cho rằng sau 1 năm chị Hồng sẽ được sở hữu cả số tiền này nếu không ai nhận.

tjDCD9WS.jpgPhóng to
Số tiền 5 triệu yen bất ngờ tìm thấy trong thùng loa phế thải hiện chị Hồng đã giao nộp cho công an tạm giữ

Tìm chủ nhân 5 triệu yen Nhật trong thùng loa cũ5 triệu yen Nhật trong thùng loa cũ thuộc về ai?Mở thùng loa cũ mua ve chai thấy... 5 triệu Yen

Vụ việc một phụ nữ ở Q. Tân Bình TP.HCM (chị Huỳnh Thị Ánh Hồng) thu mua ve chai, mua được chiếc thùng loa cũ nát tình cờ phát hiện bên trong hơn 5 triệu yen Nhật (tương đương hơn 1 tỉ đồng) gây xôn xao dư luận.

Tình huống pháp lý thú vị được nhiều người quan tâm, tranh luận là liệu chị Hồng có đương nhiên được sở hữu toàn bộ số tài sản trong loa thùng mà chị mua hay không?

Có quan điểm của một số luật sư, thẩm phán cho rằng do có công phát hiện nên nếu không tìm được chủ sở hữu số tiền trên, thì chị Hồng có thể được hưởng một phần trong số tài sản đó, còn lại sung công quỹ nhà nước.

Tuy nhiên, theo luật sư Nguyên Sa Linh, Đoàn luật sư TP.HCM, chị Hồng có thể được sở hữu toàn bộ số tài sản đã phát hiện nếu không tìm được chủ sở hữu. Tuổi Trẻ xin giới thiệu bài phân tích của luật sư Nguyễn Sa Linh.

Sau một năm không ai nhận, chị Hồng được sở hữu

Ðiều 187 Bộ luật dân sự 2005 có quy định về quyền chiếm hữu tài sản bị đánh rơi, bị bỏ quên, bị chôn giấu, bị chìm đắm, tài sản không xác định được ai là chủ sở hữu:

Người phát hiện tài sản bị đánh rơi, bị bỏ quên, bị chôn giấu, bị chìm đắm phải thông báo hoặc trả lại ngay cho chủ sở hữu; nếu không biết ai là chủ sở hữu thì phải thông báo hoặc giao nộp cho Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn hoặc công an cơ sở gần nhất hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác theo quy định của pháp luật.

Như vậy việc chị Hồng khi phát hiện, đã giao nộp số tài sản chưa xác định được ai là chủ sở hữu cho cơ quan công an để tạm thời quản lý là đúng theo quy định pháp luật. Việc xác lập quyền sở hữu tài sản (5 triệu Yen của chị Hồng) sẽ căn cứ theo quy định của pháp luật.

Tuy nhiên, Bộ luật Dân sự lại có các quy định khác nhau về việc xác lập quyền sở hữu đối với tài sản vô chủ, không xác định được chủ sở hữu (điều 239), tài sản bị chôn giấu, bị chìm đắm (diều 240), do người khác đánh rơi, bỏ quên (điều 241).

Vậy tài sản do chị H tìm thấy sẽ được xử lý theo quy định nào - bởi việc xác định 5 triệu yen được phát hiện thuộc trường hợp nào sẽ dẫn đến cách xử lý tài sản khác nhau.

Cá nhân tôi cho rằng vụ việc này cần xử lý theo điều 239 BLDS (về xác lập quyền sở hữu đối với vật vô chủ, vật không xác định được chủ sở hữu)

Việc cất tài sản trong thùng loa chỉ là cách mà chủ sở hữu cất giữ tài sản, không thể xem là bị chôn giấu theo điều 240. Đây là số tài sản lớn, nên cho rằng tài sản này bị chủ sở hữu bỏ quên, đánh rơi cũng không hợp lý để xử lý theo điều 241. Chủ sở hữu có thể do qua đời đột ngột, hoặc do loạn lạc, chiến tranh nên không kịp đem tài sản theo mình.

Do chị Hồng mua được chiếc thùng, qua đó có được tài sản (5 triệu yen), nên xem 5 triệu yen này là tài sản không xác định được chủ sở hữu để xác lập quyền sở hữu cho chị Hồng theo điều 239 BLDS.

Khoản 2 Điều 239 quy định Cơ quan công an sau khi nhận được tài sản chưa xác định được ai là chủ sở hữu sẽ tiến hành thông báo công khai cho chủ sở hữu biết mà nhận lại. Việc giao nộp phải được lập biên bản, trong đó ghi rõ họ, tên, địa chỉ của người giao nộp, người nhận, tình trạng, số lượng, khối lượng tài sản giao nộp. Cơ quan công an đã nhận vật phải thông báo cho người phát hiện về kết quả xác định chủ sở hữu.

Trong trường hợp vật không xác định được ai là chủ sở hữu là động sản thì sau 1 năm, kể từ ngày thông báo công khai, mà vẫn không xác định được ai là chủ sở hữu thì tài sản đó thuộc sở hữu của người phát hiện (chị Hồng).

Hàng trăm ý kiến bạn đọc phản hồi về Tuổi Trẻ cũng cho rằng nên để chị Hồng được sở hữu số tài sản tìm thấy, không nên sung công quỹ.

Chủ sở hữu 5 triệu yen có thể ở bên Nhật

Tôi đoán là có thể cái thùng loa này là hàng điện tử đã qua sử dụng của người Nhật, nó được nhập về VN theo kiểu hàng "nghĩa địa" và người VN đầu tiên sở hữu nó cũng không biết có số tiền này ở trong đó. 5 triệu yen này chắc chắn là của người Nhật đã tích cóp, dấu trong loa thùng này chứ không phải của người Việt Nam bởi người Việt chẳng ai để dành bằng tiền Nhật cả.

Vì vậy, công an muốn tìm chủ nhân của số tiền này rất khó, có chăng phải qua bên Nhật? Nên chăng để cho chị Hồng sở hữu, xem như món quà bất ngờ mà người nghèo như chị Hồng nhận được.

Không nên sung công quỹ

Chị Hồng là người phụ nữ ve chai tuy nghèo nhưng sạch, nhặt được của vô chủ đã trình báo cơ quan chức năng. Đó là tấm gương sáng đáng trân trọng.

Nếu cơ quan chức năng không hoàn trả được cho cố chủ, thì với phẩm chất và tính cách cao đẹp của chị Hồng thì không thể sung vào công quỷ mà chị Hồng rất xứng đáng được hưởng từ số tiền trên.

Luật sư NGUYỄN SA LINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên