14/03/2014 08:44 GMT+7

Đề nghị tổ chức tòa án bốn cấp

LÊ KIÊN
LÊ KIÊN

TT - Đó là nội dung đáng chú ý được đề xuất trong dự án Luật tổ chức tòa án nhân dân (sửa đổi) và Luật tổ chức viện kiểm sát nhân dân (sửa đổi) trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến ngày 13-3.

Thẩm phán tối cao sẽ làm việc đến 70 tuổi?Tòa xử công khai nhưng... kín!VKS kháng nghị tăng hình phạt 2 đồng phạm của Huyền Như

nYrs15UY.jpgPhóng to
TAND TP.HCM xét xử vụ án Huỳnh Thị Huyền Như lừa đảo hàng nghìn tỉ đồng Ảnh: Thuận Thắng

Trong phiên họp này, áp dụng án lệ và mở rộng phạm vi điều tra của viện kiểm sát là hai điểm mới được đưa ra thảo luận nhưng vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau.

Tòa tối cao không thực hiện chức năng xét xử

“Các tòa án nhân dân (TAND) được tổ chức gồm bốn cấp theo thẩm quyền xét xử, không phụ thuộc vào đơn vị hành chính. Cụ thể: TAND sơ thẩm khu vực, TAND tỉnh thành trực thuộc trung ương, TAND cấp cao và TAND tối cao. Việc tổ chức các TAND theo hướng này là phù hợp với các nguyên tắc về tổ chức và hoạt động của cơ quan thực hiện quyền tư pháp, đó là tổ chức theo thẩm quyền xét xử, bảo đảm độc lập xét xử...” - ông Nguyễn Sơn, phó chánh án TAND tối cao, trình bày. Ông Sơn nói thêm: “Theo quy định tại điều 104 của Hiến pháp mới và cơ cấu, tổ chức TAND bốn cấp thì TAND tối cao không thực hiện chức năng xét xử phúc thẩm mà chỉ thực hiện các chức năng giám đốc việc xét xử của các tòa án khác; xét xử giám đốc thẩm, tái thẩm; tổng kết thực tiễn xét xử...”.

Trình bày báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện cho biết: “Ủy ban Tư pháp đồng ý tổ chức hệ thống TAND bốn cấp”. Tuy nhiên, về việc áp dụng án lệ thì ủy ban này cho rằng “đây là vấn đề mới, còn nhiều ý kiến khác nhau cần được cân nhắc kỹ”.

Theo đó, “Ủy ban Tư pháp cho rằng trước mắt chỉ nên quy định TAND tối cao có nhiệm vụ tổng kết kinh nghiệm xét xử, bảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật là phù hợp với Hiến pháp năm 2013. Các quyết định giám đốc thẩm của Hội đồng thẩm phán TAND tối cao phải đảm bảo tính mẫu mực theo đúng quy định của pháp luật để các tòa án khác nghiên cứu, học tập”.

Đồng tình với ý kiến này, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý đề nghị vấn đề án lệ phải nghiên cứu kỹ, quy định rõ giá trị áp dụng thế nào và phải có thuyết minh cho thuyết phục. Ông Lý cho rằng để tăng cường tính độc lập xét xử của tòa án, việc quy định vai trò của chánh án TAND tối cao như người đứng đầu cả ngành tòa án là không đúng, tổ chức các cấp tòa án như một hệ thống dọc cũng không phải. “Chánh án TAND tối cao đứng đầu TAND tối cao, còn mỗi cấp tòa án có chức năng, nhiệm vụ theo Hiến pháp và luật” - ông Lý nói.

Mở rộng phạm vi điều tra của viện kiểm sát

Viện trưởng Viện KSND tối cao Nguyễn Hòa Bình cho biết theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003, viện kiểm sát chỉ được tiến hành một số hoạt động điều tra khi vụ án được chuyển sang viện kiểm sát để truy tố. Tuy nhiên trên thực tế, khi thực hành quyền công tố trong giai đoạn điều tra, có những vụ án viện kiểm sát yêu cầu khởi tố, đề ra yêu cầu điều tra và yêu cầu cơ quan điều tra tiến hành điều tra nhưng cơ quan điều tra không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ yêu cầu của viện kiểm sát. Trong trường hợp này, pháp luật lại không có quy định để xử lý trách nhiệm cũng như các hoạt động tiếp theo đối với vụ án. “Chính vì vậy, viện KSND rất khó khăn trong việc bảo đảm thực hiện có hiệu quả trách nhiệm không để lọt tội phạm và người phạm tội” - ông Bình nói.

Viện KSND tối cao cho rằng “để bảo đảm hiệu quả thực hiện chức năng công tố, nhất thiết phải tăng cường thẩm quyền điều tra của viện KSND”. Viện KSND tối cao đề nghị quy định rõ viện kiểm sát có thẩm quyền điều tra trong các trường hợp sau: “Tiến hành một số hoạt động điều tra theo quy định của pháp luật khi xét thấy cần thiết; viện kiểm sát đã yêu cầu điều tra nhưng yêu cầu đó không được thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ; vụ án mà tòa án trả hồ sơ để điều tra bổ sung nhưng xét thấy không cần thiết phải chuyển cho cơ quan điều tra, cơ quan khác được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra”.

Đồng ý cần tiếp tục quy định viện kiểm sát có quyền tiến hành một số hoạt động điều tra, nhưng Ủy ban Tư pháp đề nghị không giao cho viện kiểm sát có quyền điều tra lại toàn bộ vụ án vì nó không phù hợp với nguyên tắc phân định chức năng, nhiệm vụ giữa các cơ quan tư pháp. Việc quy định cụ thể các trường hợp viện kiểm sát tiến hành hoạt động điều tra và phạm vi của hoạt động này cần được quy định trong Bộ luật tố tụng hình sự.

Vì còn những quan điểm khác nhau về nội dung hai dự án luật, Ủy ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu TAND tối cao, Viện KSND tối cao tiếp tục rà soát, chỉnh sửa trước khi trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp tháng 5.

LÊ KIÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên