21/02/2014 19:37 GMT+7

Thẩm phán tối cao sẽ làm việc đến 70 tuổi?

H.ĐIỆP
H.ĐIỆP

TTO - Sáng 21-2, tại TP.HCM Tòa án nhân dân Tối cao đã tổ chức Hội thảo lấy ý kiến về Dự thảo Luật tổ chức tòa án sửa đổi. Theo đó, dự thảo quy định thẩm phán có thể làm việc đến 70 tuổi.

FjHiNMPN.jpgPhóng to
Ông Trương Hòa Bình, Chánh án Tòa án tối cao phát biểu tại hội thảo - Ảnh: H.Điệp

Đó là quy định được nêu ra trong dự thảo Luật tổ chức tòa án nhân dân (sửa đổi luật Tổ chức tòa án nhân dân 2002), theo đó, dự thảo có rất nhiều điều mới so với Luật Tổ chức tòa án nhân dân 2002.

Theo quy định của dự thảo luật này, các thẩm phán tòa án tối cao sẽ được làm việc đến 70 tuổi còn các thẩm phán khác là 65 tuổi không phân biệt nam nữ. Đồng thời, nhiệm kỳ đối với các thẩm phán tòa tối cao là vĩnh viễn còn các thẩm phán khác cũng có phương án đề xuất kéo dài đến khi nghỉ hưu hoặc chuyển công tác khác.

Đặc biệt, về các chức danh tư pháp, ngành tòa án sẽ có thêm các chức danh: trợ lý thẩm phán, thẩm tra viên, trợ giúp viên tư pháp về gia đình và người chưa thành niên.

Theo dự thảo, trợ giúp viên tư pháp về gia đình và người chưa thành niên là người có kiến thức về tâm lý học, khoa học giáo dục, gia đình, xã hội và người chưa thành niên, trợ giúp viên này giúp đỡ thẩm phán nghiên cứu, thẩm tra các vấn đề liên quan đến việc giải quyết các vụ việc về gia đình và người chưa thành niên.

Ngoài ra, về chức năng nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức của tòa án nhân dân tối cao sẽ có thêm các các đơn vị chức năng mới như: tổng cục quản lý tòa án sẽ quản lý hệ thống tổ chức bộ máy, biên chế, nhân sự của tòa án nhân dân các cấp, thành lập và giải tán tòa án nhân dân sơ thẩm khu vực, tòa án nhân dân tỉnh, tòa án nhân dân cấp cao, tòa án quân sự, tòa chuyên trách;

Ủy ban pháp chế tòa án tối cao sẽ tham mưu giúp Chánh án Tòa án nhân dân tối cao và Hội đồng Thẩm phán tòa án nhân dân tối cao thực hiện việc xây dựng, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, pháp điển hệ thống, quy phạm pháp luật, hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật trong xét xử, tổng kết thực tiễn xét xử và phát triển án lệ;

Học viện tòa án sẽ đào tạo pháp luật, đào tạo bồi dưỡng nghiệp vụ cho các chức danh tư pháp của tòa án và nguồn bổ nhiệm tuyển dụng vao các chức danh tư pháp trong hệ thống tòa án nhân dân và nghiên cứu khoa học.

Đồng thời, theo cơ cấu tổ chức hệ thống tòa án nhân dân, sẽ có thêm Tòa án nhân dân sơ thẩm khu vực.

Theo thẩm phán Phạm Công Hùng, với thẩm phán tòa án nhân dân tối cao, việc kéo dài thêm tuổi thẩm phán sẽ khắc phục được phần nào việc thiếu nhân lực ngành tòa án hiện nay. Đồng thời, việc có thêm tòa án sơ thẩm cấp khu vực để tăng thêm tính độc lập trong xét xử tại các địa phương.

“Hiện trong các vụ án hành chính, các thẩm phán tòa quận huyện còn thiếu sự độc lập trong việc xét xử bởi tính cả nể. Theo tôi, Dự thảo luật Tổ chức tòa án nhân dân sửa đổi đã bám sát với chủ trương cải cách tư pháp”, ông nói.

H.ĐIỆP
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên