* Khởi tố thêm một thành viên HĐQT Ngân hàng ACB
Đồng thời, Viện KSND tối cao đã quyết định phục hồi điều tra đối với ông Phạm Trung Cang, nguyên phó chủ tịch HĐQT ACB, cũng về hành vi trên.
Phóng to |
Ông Phạm Trung Cang |
Quá trình điều tra vụ án, cơ quan điều tra xác định ông Huỳnh Quang Tuấn là phó tổng giám đốc ACB phụ trách miền Bắc, được HĐQT ACB bổ sung vào thành viên thường trực HĐQT thay ông Phạm Trung Cang. Cơ quan điều tra xác định ông Huỳnh Quang Tuấn đã ký biên bản họp thường trực HĐQT ngày 7-6-2011 với nội dung thường trực HĐQT ACB ra chủ trương ủy thác cho nhân viên mang tiền gửi vào các tổ chức tín dụng. Theo đó, 19 nhân viên của ACB đã gửi tiền vào VietinBank để hưởng lãi suất 17,8-27%/năm và bị Huỳnh Thị Huyền Như lừa đảo chiếm đoạt 718 tỉ đồng, gây thiệt hại cho ACB số tiền này. Hành vi này có dấu hiệu vi phạm điều 106 Luật các tổ chức tín dụng quy định về nghiệp vụ ủy thác.
Đối với ông Phạm Trung Cang, quá trình điều tra xác định ông Cang có một loạt hành vi cố ý làm trái trong vụ án này. Cụ thể, ông Cang ký biên bản cuộc họp thường trực HĐQT ACB ngày 22-3-2010 ra chủ trương dùng tiền huy động của dân ủy thác cho nhân viên ACB và công ty gửi tiền USD, VND vào các tổ chức tín dụng.
Thực hiện chủ trương này, ACB đã ủy thác cho nhân viên và bốn công ty gồm Công ty TNHH chứng khoán ACB, Công ty TNHH một thành viên quản lý quỹ ACB, Công ty TNHH thương mại dịch vụ Việt Thanh và Công ty cổ phần Kim Ngân Việt gửi hơn 130.000 tỉ đồng với lãi suất 8,5-27%/năm và hơn 81 triệu USD với lãi suất 3-6%/năm vào 29 ngân hàng, đã thu được hơn 6.278 tỉ đồng và gần 1,9 triệu USD tiền lãi; lãi chênh lệch vượt trần thu được là hơn 258 tỉ đồng. Trong số tiền gửi có gần 719 tỉ đồng gửi vào VietinBank chi nhánh Nhà Bè và chi nhánh TP.HCM bị Huỳnh Thị Huyền Như lừa đảo chiếm đoạt. Hành vi của ông Phạm Trung Cang bị xác định vi phạm Luật các tổ chức tín dụng, thông tư 02 ngày 3-3-2011 của Ngân hàng Nhà nước VN quy định về trần lãi suất và nhiều quyết định khác của Ngân hàng Nhà nước VN.
Cơ quan điều tra cũng xác định ông Phạm Trung Cang có hành vi đồng ý chủ trương cấp cho Công ty TNHH chứng khoán ACB (ACBS), là công ty do ACB sở hữu 100%, đầu tư cổ phiếu ACB và ủy quyền cho Nguyễn Đức Kiên, chủ tịch hội đồng đầu tư ACB, trực tiếp chỉ đạo việc đầu tư cổ phiếu. Thực hiện chủ trương này của thường trực HĐQT ACB, từ tháng 11-2009 đến tháng 4-2010, ACB đã cấp cho ACBS hơn 1.557 tỉ đồng để công ty này nhờ Công ty cổ phần đầu tư Á Châu (ACI) và Công ty TNHH đầu tư tài chính Á Châu Hà Nội là các Công ty của “bầu Kiên” không có chức năng kinh doanh tài chính đứng ra mua hộ trên 52 triệu cổ phiếu ACB. Cho đến thời điểm vụ án xảy ra, ACBS mới thu về được hơn 364 tỉ đồng tiền gốc, còn lại 1.193 tỉ đồng chưa thu được. Trong khi đó, số cổ phiếu ACB còn lại hơn 19,5 triệu cổ phiếu, bị mất 32,9 triệu cổ phiếu, gây thiệt hại cho ACB số tiền hơn 688 tỉ đồng.
Hành vi này của ông Phạm Trung Cang bị xác định vi phạm điều 126 Luật các tổ chức tín dụng: “Tổ chức tín dụng không được cấp tín dụng cho doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh chứng khoán mà tổ chức tín dụng nắm quyền kiểm soát”; vi phạm điều 29 quyết định 27 ngày 24-4-2007 của Bộ Tài chính: “Công ty chứng khoán không được đầu tư vào cổ phiếu hoặc góp vốn của công ty sở hữu trên 50% vốn điều lệ của công ty chứng khoán”.
Vì muốn bảo vệ lợi ích của nhóm cổ đông ACB nên theo chỉ đạo, đề xuất của ông Nguyễn Đức Kiên, ông Cang đã đồng ý ký biên bản cuộc họp thường trực HĐQT, thay mặt thường trực HĐQT ACB ký thông báo ra chủ trương ủy thác cho nhân viên, công ty gửi VND, USD vào các ngân hàng khác và chủ trương cấp tín dụng cho Công ty TNHH chứng khoán ACB mua cổ phiếu ACB sai quy định, gây hậu quả nghiêm trọng đến việc thực hiện chính sách tiền tệ của Chính phủ, thu lợi bất chính cho nhóm cổ đông ACB hơn 256,8 tỉ đồng và trực tiếp gây thiệt hại cho ACB hơn 1.407 tỉ đồng.
Ngày 12-12-2013, Viện KSND tối cao có cáo trạng vụ án “Nguyễn Đức Kiên và đồng bọn phạm tội kinh doanh trái phép, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, trốn thuế và cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, xảy ra tại ACB và một số công ty trên địa bàn TP Hà Nội và TP.HCM”, truy tố bảy bị can ra TAND TP Hà Nội để xét xử. Cùng ngày, Viện KSND tối cao có quyết định đình chỉ vụ án đối với bị can Phạm Trung Cang. Ngày 3-1-2014, TAND TP Hà Nội có quyết định trả hồ sơ điều tra bổ sung, yêu cầu làm rõ vai trò đồng phạm của các ông Phạm Trung Cang, Huỳnh Quang Tuấn, Trần Xuân Giá, Trịnh Kim Quang, Lý Xuân Hải về hành vi “cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”. |
------------------------------------
* Tin bài liên quan:
Ông Phạm Trung Cang không có mặt tại Việt NamLàm rõ vai trò đồng phạm của ông Phạm Trung CangTòa trả hồ sơ vụ án "bầu" Kiên để điều tra bổ sung Truy tố bầu Kiên 4 tội danhVụ lừa 4.000 tỉ: đề nghị triệu tập bầu Kiên, Trần Xuân GiáĐề nghị truy tố bầu Kiên và nhiều nguyên lãnh đạo NH ACBKhởi tố bổ sung bầu Kiên trốn thuế 25 tỉ đồngCông ty của bầu Kiên nợ ACB 7.000 tỉ đồngVụ án bầu Kiên: dự kiến cuối năm nay xét xử
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận