Phóng to |
Ông Tu Ngọc Hoài và bà Nguyễn Thị Độc Lập, cha mẹ em Tu Ngọc Thạch, đau đớn và bức xúc trước cái chết của con trai - Ảnh: D.Thanh |
Một thiếu niên tử vong sau khi làm việc với công an xãĐiều tra 2 công an xã
Như Tuổi Trẻ đã thông tin, em Thạch tử vong sáng 31-12-2013 sau khi bị Lê Tấn Khỏe (14 tuổi, ở xã Vạn Long) dùng chai thủy tinh ném vào đầu, rồi bị Công an xã Vạn Long bắt đưa về trụ sở, khi trở về nhà thì nôn ói, ngất, được đưa đi cấp cứu nhưng không qua khỏi. Nhằm tìm hiểu thêm về vụ việc, PV Tuổi Trẻ gặp nhiều nhân chứng để dựng lại các tình tiết liên quan đến cái chết của em Thạch.
Lời kể nhân chứng
Chỉ đạo xử lý nghiêm Ông Lê Hữu Trí - chủ tịch UBND huyện Vạn Ninh: “Quan điểm của huyện là yêu cầu các cơ quan chức năng điều tra làm rõ nguyên nhân dẫn đến cái chết của em Thạch, đối tượng gây ra cái chết đó, bất kỳ là ai, giữ chức vụ gì đều phải xử lý nghiêm minh. Việc một số đối tượng lợi dụng cái chết của Thạch kích động tụ tập đông người gây rối trên quốc lộ 1 nhiều giờ cũng phải chịu trách nhiệm trước pháp luật”. |
Tu Ngọc Thiện (16 tuổi, anh của Thạch), kể khoảng 15g ngày 29-12-2013, Thiện chở Thạch bằng xe đạp đến quán nước mía đối diện UBND xã Vạn Long uống nước thì thấy đông người nên bỏ đi. “Do có mâu thuẫn trước với Thạch, Khỏe cầm một chai thủy tinh trong quán chạy ra đuổi theo, Thạch nhảy xuống xe bỏ chạy. Khi em quay lại thì thấy cái chai rơi xuống đất vỡ, còn Thạch thì té ngã bên đường, bị trầy xước tay. Em hỏi, Thạch nói bị Khỏe ném chai vào đầu” - Thiện nói. Sau đó, Thiện nhờ Đỗ Ngọc Kin (24 tuổi, ở xã Vạn Khánh, huyện Vạn Ninh) dùng xe máy chở Thạch về nhà để tránh xảy ra đánh nhau.
Đỗ Ngọc Kin kể: “Tôi đưa Thạch cùng một số bạn bè của em tìm nhóm của Khỏe và hai bên giải hòa. Gần 16g30 ngày 29-12-2013, trên đường chở Thạch về nhà, xe hết xăng nên tôi bảo Thạch đứng chờ để tôi dắt xe đến điểm đổ xăng. Khi tôi quay trở lại thì thấy Thạch bị một người mặc quần short, áo thun bẻ ngoặt tay Thạch ra phía sau lưng, đưa từ dưới lề đường lên. Tôi theo về xã thì thấy có người mặc sắc phục công an xã bóp chặt gáy của Thạch đẩy vào phòng. Tôi có nói Thạch còn nhỏ sao lại bị đánh như vậy, công an nói do Thạch phản kháng. Công an đề nghị tôi tìm người thân của Thạch để gọi đến làm việc, tôi đưa số điện thoại của Tu Ngọc Thanh là anh của Thạch cho Công an xã Vạn Long”.
Theo Tu Ngọc Thanh (18 tuổi), hơn 17g ngày 29-12-2013, anh nhận được điện thoại của Công an xã Vạn Long yêu cầu đến trụ sở để bảo lãnh Thạch về. Nhà cách xa 16km nên khoảng 18g cùng ngày, Thanh mới đến trụ sở Công an xã Vạn Long. Anh Thanh được một công an xã hướng dẫn làm giấy bảo lãnh cho Thạch. “Khoảng 19g tôi sang phòng thấy Thạch rất mệt mỏi, ngồi trên ghế nhưng người ngã gục lên bàn. Tôi hỏi Thạch nói bị công an đánh” - Thanh kể.
Bà Nguyễn Thị Sương, người bán nước mía đối diện UBND xã Vạn Long: “Chiều 29-12-2013 có hai nhóm 9-10 em vô quán uống nước rồi cãi vã. Sau đó tôi thấy một em cầm chai nước khoáng rượt rồi đập vô đầu một em khác. Hai công an xã ngồi trong quán thấy vậy chạy ra thì mấy em này sợ, bỏ chạy hết. Lát sau tôi thấy em bị đập chai vào đầu đi xe máy cùng một số em khác quay lại quán tìm nhóm kia nhưng không gặp. Đến sẩm tối, tôi thấy em bị đập chai nước vào đầu bị công an xã đưa về trụ sở, một thời gian sau đó được thả ra”.
Đình chỉ công tác 2 công an viên
Ngày 2-1, ông Nguyễn Thanh Nghị - bí thư đồng thời là chủ tịch UBND xã Vạn Long - cho hay khoảng 14g45 ngày 30-12-2013, bà ngoại và thím của em Thạch đến UBND xã gặp ông đề nghị xem xét việc công an xã đánh cháu của họ. “Ngay chiều đó, tôi chỉ đạo công an xã tổ chức cuộc họp yêu cầu hai công an viên liên quan tới vụ việc phải viết tường trình. Cuộc họp kéo dài đến 18g. Ngay sau đó, tôi yêu cầu hai công an viên này tự giác báo cáo Công an huyện Vạn Ninh. Ngay tối đó, tôi chỉ đạo trưởng công an xã phải quyết định đình chỉ nhiệm vụ đối với hai công an viên để phục vụ công tác điều tra”.
Khi được hỏi trong các tường trình của hai công an viên có nhận đánh em Thạch không, ông Nghị nói vụ việc đang điều tra và hồ sơ đã chuyển cho công an huyện nên từ chối trả lời. Tuy nhiên, một cán bộ có chức trách ở Vạn Ninh cho biết theo báo cáo sơ bộ thì hai công an khi đưa em Thạch về trụ sở có tát mấy tát tai và đá mấy cái. Theo ông Nghị, “công an cũng là con người, khi nóng giận thì cũng có thể có sai sót”.
Một chi tiết đáng chú ý là bị can Lê Tấn Khỏe, người đập chai nước khoáng vào đầu em Thạch, là con của công an viên thôn Hải Triều. Liệu chuyện đó có liên quan đến việc em Thạch bị đưa về trụ sở công an xã?
Trả lời câu hỏi này, ông Nguyễn Thanh Nghị nói hồ sơ đã chuyển lên công an huyện. Chúng tôi hỏi thượng tá Hồ Sơn, trưởng Công an huyện Vạn Ninh, ông nói vụ việc đang điều tra, khó trả lời.
Ông Sơn nói thêm: “Công an xã Vạn Long không bắt Thạch, chỉ đưa về trụ sở rồi gọi người thân đến bảo lãnh, đưa về nhà nhằm ngăn vụ đánh nhau giữa hai nhóm có thể tiếp tục xảy ra. Công an xã không lấy lời khai của Thạch”.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận