10/12/2013 00:30 GMT+7

Cấp giấy đỏ sai nhưng không chịu sửa

NGUYỄN TRIỀU
NGUYỄN TRIỀU

TT - Sự tắc trách của chính quyền địa phương khiến một người dân 65 tuổi vẫn phải gõ cửa khắp nơi tìm công lý cho vụ tranh chấp đất đai ròng rã 30 năm trời và đến nay vẫn chưa có hồi kết.

30ggqUr1.jpgPhóng to
Bà Tâm bên “xác nhà” bị cưỡng chế tháo dỡ để giao đất cho gia đình ông H.- Ảnh: N.Triều

Bà Trần Thị Tâm (65 tuổi) và chồng được mẹ chồng là bà Phạm Thị Bông giao sử dụng khu đất gần 9.000m2 thuộc ấp Đập Đá 2, xã Vĩnh Phong, huyện Vĩnh Thuận, tỉnh Kiên Giang. Chồng bà Tâm mất năm 1976. Tháng 2-1983, bà Tâm dắt con qua tỉnh Cà Mau làm mướn, gửi nhà đất lại nhờ ông Phạm Văn H. là cậu chồng trông coi. Năm tháng sau bà trở về thì phát hiện căn nhà của mình đã bị ông H. tháo dỡ để đào ao thả cá. Bà Tâm xin cây gỗ của người dân trong xóm dựng lại nhà thì bị ông H. ngăn cản.

Ngay từ năm 1983, bà Tâm đã nhiều lần làm đơn gửi chính quyền địa phương lúc đó là UBND xã Phong Tây yêu cầu can thiệp nhưng không được giải quyết. Năm 1999, ông H. cắt một miếng đất 11,5m chiều ngang bán cho người khác. Lúc này bà Bông và bà Tâm tiếp tục khiếu nại, chính quyền địa phương hòa giải không thành. Trong khi vụ tranh chấp chưa ngã ngũ thì năm 2003, ông H. lại được UBND huyện Vĩnh Thuận cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng một phần đất với diện tích gần 8.000m2.

UBND huyện biết sai...

Chờ ý kiến Bộ Tài nguyên - môi trường

Trao đổi với Tuổi Trẻ chiều 9-12, ông Mai Hoàng Khởi cho biết UBND tỉnh Kiên Giang đã có văn bản đề nghị Bộ Tài nguyên - môi trường cho ý kiến về quá trình giải quyết trước đây của tỉnh cũng như hướng giải quyết tiếp theo. “Vì vụ việc đã vượt thẩm quyền của huyện nên hiện tại chúng tôi cũng chỉ thông báo để gia đình bà Tâm biết về tiến trình giải quyết vụ việc trong khi chờ ý kiến của Bộ Tài nguyên - môi trường và kết luận của UBND tỉnh” - ông Khởi nói.

Có sổ đỏ trong tay, ông H. kiện ngược đòi bà Tâm giao đất. Tháng 6-2005, TAND huyện Vĩnh Thuận xử cho ông H. thắng kiện. Bà Tâm kháng cáo nhưng TAND tỉnh Kiên Giang cũng tuyên giữ nguyên án sơ thẩm. Yêu cầu giám đốc thẩm của bà Tâm sau đó cũng bị tòa dân sự TAND tối cao bác bỏ với cùng một lý do là ông H. có sổ đỏ, còn bà Tâm thì không. Cơ quan thi hành án dân sự huyện Vĩnh Thuận tổ chức cưỡng chế tháo dỡ nhà của bà để giao đất cho ông H.. Bà Tâm tiếp tục khiếu nại đến các cấp chính quyền huyện, tỉnh và cả Văn phòng tiếp dân trung ương. Do không có chỗ ở, mấy lần bà Tâm dựng cây cất nhà đều bị chính quyền địa phương ngăn cản, tháo dỡ. Đến nay khi bà Bông, ông H. đã lần lượt lìa đời nhưng vụ tranh chấp vẫn chưa có hồi kết.

Đáng lưu ý là nhiều người dân ở xóm, ở xã và cả lãnh đạo UBND huyện Vĩnh Thuận đều biết rất rõ phần đất tranh chấp là của bà Tâm. Theo ông Mai Hoàng Khởi - chủ tịch UBND huyện Vĩnh Thuận, sở dĩ vụ tranh chấp suốt nhiều năm không được giải quyết là do ông H. khi ấy là bí thư đảng ủy xã, bà Tâm khiếu kiện lên đến xã là bị ém lại. Ông Khởi thừa nhận UBND huyện thiếu kiểm tra nên khi cấp sổ đỏ cho ông H. không phát hiện phần đất này có tranh chấp. “Tôi không rõ lúc đó tòa án có tham khảo ý kiến cơ quan chuyên môn nào hay không, riêng UBND huyện thì không được tham khảo ý kiến. Nếu phát hiện kịp, UBND huyện hoặc tòa án quyết định hủy sổ đỏ đã cấp không đúng, giải quyết lại theo đường hành chính thì chắc đã không kéo dài đến bây giờ” - ông Khởi nói.

Không dám sửa

Được biết vào ngày 6-1-2010, UBND huyện Vĩnh Thuận đã có quyết định giải quyết vụ tranh chấp phần đất chưa có sổ đỏ, tạm giao phần đất chiều ngang 8,5m cho bà Tâm quản lý, sử dụng. Tuy nhiên, con trai ông H. (lúc này ông H. đã qua đời) không đồng ý nên khiếu nại lên tỉnh. Ngày 1-9-2010, chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang ra quyết định không thừa nhận quyết định của UBND huyện vì cho rằng con ông H. “có quá trình sử dụng diện tích đất trên từ năm 1983 cho đến nay”. “Chúng tôi biết rất rõ nguồn gốc và câu chuyện tranh chấp, nhưng chủ tịch UBND tỉnh quyết định như vậy nên cũng đành chịu” - ông Khởi nói.

Ngày 16-4, tại cuộc họp dân ấp Đập Đá 2 do UBND huyện Vĩnh Thuận tổ chức, những người dân có mặt đều bức xúc việc UBND tỉnh quyết định giao đất cho con ông H. và tuyên bố nếu cơ quan chức năng không giải quyết trả lại đất cho bà Tâm thì người dân sẽ biểu tình. “Ngày 12-8, UBND tỉnh tổ chức cuộc họp về vụ việc này nhưng không kết luận được. Sắp tới chúng tôi tiếp tục kiến nghị giải quyết theo hướng mạnh dạn thừa nhận sai sót, trả lại đất cho bà Tâm” - ông Khởi nói.

Huyện làm sai thì phải sửa

Việc UBND huyện “trách móc” các cơ quan tiến hành tố tụng đã không tham khảo ý kiến của huyện mà tuyên “buộc bà Tâm dỡ nhà trả đất” là có gì đó bất nhất. Trong vụ án này các cấp tòa án đã tham khảo ý kiến UBND huyện rồi chứ, “ý kiến” nặng ký đó chính là giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mà UBND huyện đã cấp cho ông H..

Việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất vào năm 2003 được thực hiện theo quy định tại nghị định số 04/2000/NĐ-CP ngày 11-2-2000 của Chính phủ. Tại khoản 2 điều 3 của nghị định này quy định việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất phải “được ủy ban nhân dân cấp xã xác nhận là đất đó không có tranh chấp”. Chỉ căn cứ vào điều kiện này thôi thì ông H. cũng đã không được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Luật đất đai hiện hành cũng quy định UBND huyện phải thu hồi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã cấp nếu khi cấp không đúng quy định. Một khi giấy chứng nhận cấp cho ông H. bị thu hồi thì Tòa án nhân dân tối cao sẽ căn cứ vào đó mà kháng nghị tái thẩm theo hướng hủy hai bản án sơ thẩm và phúc thẩm đã tuyên, do xuất hiện tình tiết mới làm thay đổi bản chất của vụ án.

Luật sư HUỲNH VĂN NÔNG

NGUYỄN TRIỀU
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên