19/10/2013 07:17 GMT+7

"Đương sự có quyền không trả lời câu hỏi của luật sư"?!

Luật sư TRẦN HỒNG PHONG
Luật sư TRẦN HỒNG PHONG

TT - Vài năm gần đây, trong phiên tòa xét xử các vụ án dân sự, có hiện tượng khi luật sư đặt câu hỏi, chủ tọa thường nói với đương sự rằng họ có quyền “không trả lời câu hỏi của luật sư”.

Với tư cách là luật sư bảo vệ quyền lợi cho thân chủ của mình, trong phần hỏi tại phiên tòa, rất nhiều lần tôi đã không nhận được câu trả lời, dù tôi phải tốn nhiều công sức suy nghĩ, chuẩn bị để nghĩ ra câu hỏi. Những câu hỏi với mong muốn sẽ tìm ra chứng cứ, thông tin, góp phần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của khách hàng một cách hiệu quả hơn đã được vị chủ tọa gạt ra bằng câu giải thích với đương sự: “Ông/bà có quyền không trả lời câu hỏi của luật sư”. Lý do chỉ đơn giản là tòa thấy đương sự lúng túng.

Việc giải thích như vậy đang ngày càng phổ biến, công khai và đã trở nên bình thường ở các phiên tòa. Đến mức tôi có cảm giác hình như ngành tòa án đã tập huấn, hướng dẫn thống nhất về vấn đề này. Nếu như nhiều năm trước đây, cũng trong tình huống tương tự, tòa chỉ nói với đương sự là “nếu không biết thì trả lời không biết” thì hiện nay đã “nâng cấp” lên thành “có quyền không trả lời câu hỏi của luật sư”.

Theo tôi, việc tòa giải thích và áp dụng như vậy là vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng, được quy định rõ trong Bộ luật tố tụng dân sự. Theo quy định, trong vụ án dân sự, các bên đương sự có quyền và nghĩa vụ chứng minh - bằng cách đưa ra các chứng cứ, ý kiến pháp lý nhằm chứng minh cho yêu cầu, quan điểm của mình là có căn cứ. Chính dựa trên chứng cứ của các bên mà tòa có cơ sở để xem xét, đưa ra phán xét của mình.

Một trong những nguồn chứng cứ là “lời khai của đương sự”. Để có được lời khai của đương sự, không gì khác hơn là phải thông qua các câu hỏi. Kết quả trả lời câu hỏi bất luận có nội dung như thế nào, thậm chí chỉ qua thái độ trả lời của đương sự ra sao, đều có ý nghĩa rất quan trọng, góp phần cung cấp thông tin, chứng cứ, đánh giá về mặt chủ quan, khách quan, sự liên quan của đương sự đối với các tình tiết trong vụ án mà tòa đang xét xử. Rõ ràng khi luật sư hỏi, đương sự trả lời là “tôi không biết” vẫn có ý nghĩa và giá trị hơn là đương sự không trả lời.

Điều đáng nói hơn là trong khi các câu hỏi của hội đồng xét xử, của kiểm sát viên đều bị tòa buộc đương sự phải trả lời, thì câu hỏi của luật sư lại bị tòa hết sức xem nhẹ như vậy là bất công, phân biệt.

Tại Bộ luật tố tụng dân sự quy định rõ về quyền tham gia hỏi của luật sư, cũng như nghĩa vụ phải trả lời câu hỏi của đương sự. Trong quy định về biên bản phiên tòa cũng nêu rõ phải ghi nhận đầy đủ diễn biến phiên tòa, “các câu hỏi, câu trả lời và phát biểu tại phiên tòa”. Mặt khác, luật cũng quy định việc xét xử phải căn cứ vào kết quả tranh tụng, bao gồm cả kết quả hỏi - trả lời. Tòa lại cho phép đương sự được quyền không trả lời câu hỏi của luật sư cũng chính là ngăn cản quyền hỏi của luật sư vậy.

Xét về mặt nội dung, nếu đương sự có quyền không trả lời câu hỏi của luật sư, tức là có thể sẽ có một số vấn đề, tình tiết trong vụ án không được công khai, sáng tỏ. Khi đó, làm sao bảo đảm việc xét xử được khách quan, toàn diện?

Luật sư TRẦN HỒNG PHONG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên