20/04/2013 07:01 GMT+7

Vai trò trị an của bộ máy công quyền

Luật sư BÙI QUANG NGHIÊM
Luật sư BÙI QUANG NGHIÊM

TT - Trong vụ án mạng đang gây chú ý của dư luận những ngày qua, theo tôi, có một chi tiết cần bàn luận về vai trò và hiệu quả của công quyền: nạn nhân đã nhiều lần tố cáo sự đe dọa liên tục của hung thủ với công an (Tuổi Trẻ ngày 15 và 16-4).

Câu hỏi được đặt ra là cơ quan công quyền đã tiếp nhận và phản hồi như thế nào về lời tố cáo của công dân để hành động đủ và phù hợp với chức trách, quyền hạn một cách hợp lý, nhằm bảo vệ sự an toàn của người dân?

Truy xét trách nhiệm công an phường trong vụ chém chết người yêuKẻ chém chết người yêu từng nhiều lần hành hạ nạn nhânChém chết người yêu rồi lên mạng giãi bàyVụ chị Lê Thị Thúy Hằng bị giết: Nạn nhân tố cáo nhiều lần?

4qgHQqk7.jpgPhóng to
Công an P.9, Q.Phú Nhuận, TP.HCM trong một vụ trấn áp tội phạm - Ảnh: T.T.D.

Trên thực tế, trong nhiều trường hợp tương tự, nhiều người dân phản ảnh rằng họ thường nhận được câu trả lời từ phía công an khi trình báo: cứ để khi nào sự việc xảy ra, ít nhất là xô xát, ẩu đả, thương tích... thì chính quyền mới có cơ sở để can thiệp, xem xét và giải quyết (?).

Bộ luật hình sự hiện hành của nước ta đặt trọng tâm ở việc phòng ngừa tội phạm, hơn là chỉ quan tâm đến xét xử “đúng người, đúng tội”. Ai cũng hiểu một xã hội bình yên trước tiên và chủ yếu nhờ vào tính hiệu quả của bộ máy công quyền, phải luôn đặt mình trong trạng thái sẵn sàng hành động để phòng ngừa hành vi tội phạm, chứ không phải chờ tội phạm diễn ra rồi cầu viện đến tính nghiêm minh của hệ thống tòa án. Đó cũng chính là thực chất của câu khẩu hiệu “Vì dân phục vụ”!

Thông thường, vai trò trị an của bộ máy công quyền được khởi động một cách hợp lý, hợp lẽ khi phát hiện nguy cơ đe dọa đến trật tự công cộng và an toàn của công dân. Việc công an phải kính trọng, lễ phép khi giao tiếp với công dân, nếu có thêm được càng tốt, còn điều người dân mong muốn nhiều hơn là mỗi cán bộ chiến sĩ luôn tâm niệm rằng màu cờ sắc áo... của mình là một phần thành quả lao động của nhân dân được chứa đựng trong các khoản thuế. Chỉ cần một người công an trong một khoảnh khắc lỡ quên đi tinh thần ấy, một mạng người có thể bị lấy đi...

Theo quan niệm về “khế ước xã hội”, khi người dân đóng thuế cho Nhà nước như nghĩa vụ của mình, thì mặc nhiên một khế ước được kết lập trong xã hội, với nghĩa vụ đối lại thuộc về chức phận của mỗi một công chức, viên chức của nhà nước, trong đó vai trò trị an là một trong những yếu tố có tầm quan trọng bậc nhất.

Tính hiệu quả của bộ máy công quyền nằm ở sự phản ứng nhanh nhạy trước yêu cầu của công dân khi họ thấy có nhu cầu chính đáng là cần được bảo vệ, cụ thể là trước dấu hiệu về khả năng vi phạm trật tự công cộng và an toàn của công dân. Nó được đo bằng tinh thần trách nhiệm công vụ của công chức và viên chức, những người mà vì lợi ích xã hội cần phải được đào luyện chuyên nghiệp để ý thức không những về quyền hạn mà còn vì nghĩa vụ mà mình được giao phó.

Luật sư BÙI QUANG NGHIÊM
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên