08/05/2012 07:48 GMT+7

Tạm giam = suy đoán có tội?

CHI MAI ghi
CHI MAI ghi

TT - Dù nguyên tắc suy đoán vô tội là một nguyên tắc hiến định (đã được quy định trong hiến pháp và được cụ thể hóa tại điều 9 Bộ luật tố tụng hình sự), theo đó một người chỉ bị coi là có tội khi có bản án kết tội của tòa án có hiệu lực pháp luật, nhưng tâm lý suy đoán có tội, đã bắt là sẽ có tội vẫn khá phổ biến trong hoạt động tố tụng.

* Ông Nguyễn Minh Sơn (Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Kiên Giang):

Người phạm tội không thể được đối xử như công dân bình thường

Bộ luật tố tụng hình sự quy định: “Bị can” là người đã thực hiện hành vi phạm tội, đã có quyết định khởi tố bị can của cơ quan tiến hành tố tụng và bị áp dụng một trong các biện pháp ngăn chặn, trong đó có biện pháp tạm giam. Như vậy ở giai đoạn điều tra, bị can được xem là “người phạm tội”, chứ không phải là “người có tội”.

“Người phạm tội” là người đã thực hiện một hay nhiều hành vi có dấu hiệu tội phạm được quy định trong Bộ luật hình sự. Người phạm tội không chịu trách nhiệm hình sự, trừ một số hạn chế nhất định mà pháp luật cho phép áp dụng đối với họ như các biện pháp ngăn chặn, các quyền ứng cử, bầu cử; các quyền, lợi ích hợp pháp khác của họ không bị pháp luật hạn chế vẫn được tôn trọng và bảo vệ.

“Người có tội” là người phải chịu hình phạt về một hoặc nhiều tội phạm được quyết định bằng một bản án đã có hiệu lực pháp luật của tòa án.

Như vậy, không thể nói việc áp dụng biện pháp tạm giam đối với người phạm tội là vi phạm nguyên tắc suy đoán vô tội, bởi lẽ người phạm tội không thể được đối xử như những công dân bình thường khác. Chỉ khác là ở các nước tiên tiến có điều kiện áp dụng những phương pháp, phương tiện hiện đại để quản lý người phạm tội trong giai đoạn điều tra nên hạn chế áp dụng biện pháp tạm giam. Mặt khác, mục đích của việc áp dụng biện pháp tạm giam là để kịp thời ngăn chặn tội phạm, khác với mục đích của hình phạt tù là nhằm trừng trị người phạm tội và giáo dục họ trở thành người có ích cho xã hội.

Tuy nhiên, tạm giam là biện pháp ngăn chặn có tính nghiêm khắc nhất. Do đó khi áp dụng phải bảo đảm có căn cứ cũng như mục đích.

* Ông Nguyễn Văn Chung (viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân quận 3, TP.HCM):

Không được lạm dụng “bắt để điều tra”

Trong giai đoạn điều tra, chưa thể nói bị cáo có tội hay không có tội. Tạm giam chỉ là một biện pháp ngăn chặn được áp dụng trong một số trường hợp cần thiết, để đảm bảo điều tra theo quy định của tố tụng hình sự.

Dù tạm giam chỉ là biện pháp ngăn chặn nhưng cũng tước đi quyền tự do đi lại của bị can, bị cáo. Các quyền nhân thân khác của bị can trong khi bị tạm giam cũng không được đảm bảo nên theo quan điểm cá nhân tôi, để đảm bảo dân chủ trong tố tụng hình sự, cần hạn chế áp dụng biện pháp ngăn chặn này. Nhất là trong điều kiện về cơ sở vật chất của chúng ta hiện nay, điều kiện sinh hoạt của người bị tạm giam chưa được đảm bảo so với các nước khác.

Chỉ những trường hợp thật sự cần thiết viện kiểm sát mới phê chuẩn lệnh tạm giam, còn lại có thể áp dụng các biện pháp ngăn chặn khác như cấm đi khỏi nơi cư trú, bảo lãnh, đặt tiền hoặc tài sản có giá trị để đảm bảo.

Theo điều 88 Bộ luật tố tụng hình sự, tạm giam có thể được áp dụng đối với bị can, bị cáo phạm tội đặc biệt nghiêm trọng, rất nghiêm trọng. Hoặc bị cáo phạm tội nghiêm trọng, ít nghiêm trọng nhưng có căn cứ cho rằng người đó có thể bỏ trốn hoặc cản trở điều tra, truy tố, xét xử hoặc tiếp tục phạm tội thì cơ quan tố tụng cũng có thể áp dụng biện pháp tạm giam.

Đây chính là trường hợp thường hay bị lạm dụng bởi việc xác định bị can có thể bỏ trốn, cản trở điều tra, truy tố, xét xử hay có khả năng phạm tội mới tùy thuộc vào sự đánh giá chủ quan của cơ quan tố tụng. Ở giai đoạn điều tra, truy tố thì thẩm quyền xem xét tạm giam hay không thuộc về viện kiểm sát. Vì thế theo Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước, trách nhiệm bồi thường oan sai (trường hợp khởi tố, bắt giam oan) cũng thuộc về viện kiểm sát.

Chính vì thế khi xem xét phê chuẩn tạm giam, viện kiểm sát thường phải đánh giá đầy đủ, tránh tình trạng phê chuẩn tạm giam theo đề xuất của cơ quan điều tra kiểu như “bắt để điều tra”, do thực tế có một số điều tra viên còn hạn chế trong nghiệp vụ nên muốn lạm dụng biện pháp tạm giam bị can để việc điều tra của mình thuận tiện hơn.

* Luật sư Trương Thị Hòa:

Nguyên tắc suy đoán vô tội

Nguyên tắc suy đoán vô tội đã được áp dụng trên toàn cầu từ cổ đại La Mã đến nay. Theo quy định tại điều 11 Tuyên ngôn quốc tế nhân quyền năm 1948, người bị cáo buộc về phạm tội hình sự được suy đoán là vô tội cho đến khi được chứng minh là có tội tại một phiên tòa công khai với đầy đủ bảo đảm cần thiết cho quyền biện hộ.

Và theo quy định tại khoản 2 điều 14 Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị năm 1966, người bị cáo buộc là phạm tội hình sự được coi là vô tội cho đến khi hành vi phạm tội của người đó được chứng minh theo pháp luật.

* Luật sư Trương Xuân Tám (ủy viên Hội đồng Đoàn luật sư toàn quốc):

Có quá nhiều điều bất cập

Tạm giam là biện pháp ngăn chặn, nhằm để ngăn chặn hành vi phạm tội, hành vi trốn tránh pháp luật của người thực hiện hành vi phạm tội, bảo đảm cho việc thi hành án (điều 79 Bộ luật tố tụng hình sự). Nhưng thực tế cho thấy tạm giam hiện nay giống như là biện pháp trừng phạt vì nó ảnh hưởng rất lớn đến quyền con người của người bị tạm giam, hạn chế rất nhiều các quyền cơ bản của một công dân.

Có trường hợp bị can bị tạm giam thì khuynh gia bại sản, dù sau này bản án tuyên họ vô tội chăng nữa cũng không thể nào bù đắp được thiệt hại của những tháng ngày mất tự do trong chốn trại giam.

"Không khi nào án tuyên phạt tù mà có mức án thấp hơn thời gian bị cáo đã bị tạm giam, chỉ có bằng hoặc cao hơn. Như vậy người ta có quyền nghi ngờ rằng: giả sử bị cáo bị tạm giam thêm một thời gian nào đó nữa tòa mới xét xử, thì khi xử tòa cũng “điều chỉnh” mức án bằng thời gian tạm giam?"

Nguyên nhân dẫn đến việc đôi khi biện pháp tạm giam bị lạm dụng là vì quy định trong Bộ luật tố tụng hình sự “cho phép” việc bắt tạm giam hầu như phụ thuộc vào nhận thức chủ quan của cơ quan điều tra, viện kiểm sát hoặc tòa án. Vì không có gì xác định rõ ràng được khi nào nghi can có thể tiếp tục phạm tội hoặc trốn tránh, gây khó khăn cho cơ quan điều tra, nên để dễ dàng cho cơ quan điều tra, để dễ khuất phục nghi can thì tốt nhất cứ bắt tạm giam!

Thời gian tạm giam nhiều khi cũng rất “cao su”. Có nhiều vụ án, bị can bị tạm giam nhiều năm rồi mới xét xử. Dù thời hạn tạm giam được Bộ luật tố tụng hình sự quy định rất cụ thể, nhưng mỗi khi hồ sơ vụ án được trả lại để yêu cầu điều tra lại, điều tra bổ sung thì thời hạn lại được kéo dài thêm.

Nhiều vụ án tòa đã tuyên án cho bị cáo đúng từng ngày bị tạm giam, điều này làm người ta nghi ngờ về tính chuẩn mực của bản án và cho rằng án tuyên cố tình hợp thức hóa thời gian đã tạm giam. Không khi nào án tuyên phạt tù mà có mức án thấp hơn thời gian bị cáo đã bị tạm giam, chỉ có bằng hoặc cao hơn. Như vậy người ta có quyền nghi ngờ rằng: giả sử bị cáo bị tạm giam thêm một thời gian nào đó nữa tòa mới xét xử, thì khi xử tòa cũng “điều chỉnh” mức án bằng thời gian tạm giam?

Tạm giam oan sai có thể dẫn đến các hệ lụy tai hại khôn lường, dù người bị oan sai có thể được bồi thường vật chất theo Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (luật số 35/2009/QH12 ngày 18-6-2009, có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2010), nhưng không có gì có thể bù đắp được những tổn hại tinh thần và vật chất mà họ đã phải gánh chịu.

Nhiều bị cáo được tuyên án “lẻ”, bằng với thời gian tạm giam

qhX0CunU.jpgPhóng to

Cùng là đồng phạm bị bắt quả tang phạm tội “vi phạm các quy định về bảo vệ động vật thuộc danh mục loài nguy cấp, quý hiếm được ưu tiên bảo vệ”, Hồ Văn Thiết (phải) bị bắt tạm giam 5 tháng 2 ngày, sau đó bị tòa tuyên phạt mức án bằng đúng số ngày tạm giam; còn Nguyễn Lê Hải được tại ngoại, được xử 1 năm tù cho hưởng án treo - Ảnh: Chi Mai

* Ngày 2-5-2012, TAND TP Hà Nội tuyên phạt bị cáo Đỗ Đắc Đồng 14 tháng 10 ngày tù về tội “tổ chức đánh bạc”. Đồng được Đỗ Xuân Khiết rủ tổ chức đánh bạc và được phân công canh gác, bảo vệ, mở cửa cho các con bạc vào chơi, được trả tiền công mỗi ngày 500.000 đồng.

* Ngày 27-4-2012, TAND TP.HCM đã tuyên phạt bị cáo Trần Thị Ánh Nguyệt mức án 7 tháng 1 ngày tù về tội che giấu tội phạm. Nguyệt là vợ của bị cáo Huỳnh Ngọc Quang, giám đốc Công ty cổ phần dược phẩm Việt Pháp, “trùm” sản xuất, buôn bán thuốc giả. Mặc dù biết rõ việc sản xuất, buôn bán thuốc của chồng đang bị khởi tố, điều tra nhưng Nguyệt vẫn thuê một căn nhà tại TP Rạch Giá, Kiên Giang để cho chồng sống, trốn lệnh truy nã. Khi Huỳnh Ngọc Quang bị bắt, bị cáo Nguyệt cũng bị bắt giam.

* Ngày 22-3-2012, TAND TP.HCM tuyên phạt bị cáo Thân Trọng Tín 1 năm 2 tháng 11 ngày tù về tội gây rối trật tự công cộng. Tín 19 tuổi, làm nghề phụ hồ, ngụ huyện Hóc Môn. Từ một vụ va quẹt xe dẫn đến đánh nhau, Nguyễn Minh Quốc (cầm đầu vụ án này) đã rủ thêm người (trong đó có Tín) đi đánh trả thù, gây ra cái chết cho một nạn nhân. Tín chỉ làm nhiệm vụ chở các bị cáo, không tham gia hành hung nạn nhân.

* Ngày 29-2-2012, TAND quận Tân Bình, TP.HCM đã xử sơ thẩm và tuyên phạt Dương Văn Hùng 3 tháng 10 ngày tù về tội bắt giữ người trái pháp luật. Tháng 5-2011, do giận cháu là D.V.T. đã lén lấy hai chiếc xe chở nước đá đi cầm lấy tiền xài, Hùng đã trói tay T. và đánh để truy hỏi chuyện cầm xe. Sau đó Hùng đem T. đến giao cho công an nhưng xét trị giá chiếc xe không lớn, chưa cấu thành tội trộm cắp, trong khi đó hành vi bắt trói người của bị cáo Hùng là vi phạm pháp luật nên công an đã khởi tố, bắt giam bị cáo Hùng.

* Ngày 23-12-2011, TAND TP.HCM xử sơ thẩm và tuyên phạt Hồ Văn Thiết (30 tuổi, quê Nghệ An) 5 tháng 2 ngày tù về tội “vi phạm các quy định về bảo vệ động vật thuộc danh mục loài nguy cấp, quý hiếm được ưu tiên bảo vệ”. Thiết và Nguyễn Lê Hải đã mua một con beo lửa (thuộc danh mục động vật quý hiếm, đã bị giết thịt) về nhuộm lông giả làm hổ con bán cho khách. Thiết bị bắt tạm giam, còn Hải được tại ngoại và được tòa xử 1 năm tù nhưng cho hưởng án treo.

CHI MAI ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên