30/03/2012 17:15 GMT+7

Y án 18 năm tù với Lê Văn Luyện

HOÀNG ĐIỆP - NGUYỄN HÀ
HOÀNG ĐIỆP - NGUYỄN HÀ

TTO - 17g25 chiều 30-3, HĐXX TAND tối cao tuyên y án sơ thẩm 18 năm tù đối với Lê Văn Luyện và các bị cáo khác, gia đình Luyện phải bồi thường thêm cho gia đình cháu Bích 30 triệu đồng.

Thượng tôn pháp luật hay xử mạnh để răn đe?Lê Văn Luyện: "Tôi không bị oan"

HfrM4uBH.jpgPhóng to
Gương mặt Luyện bình thản khi tòa tuyên án - Ảnh: Hoàng Điệp
5RmawoSQ.jpgPhóng to
Thân nhân bị hại bỏ về khi bản án chưa được tuyên xong - Ảnh: Hoàng Điệp

Theo bản án sơ thẩm, Lê Văn Luyện chịu mức án 18 năm tù về tội giết người, 18 năm tù cho tội cướp tài sản, 9 tháng tù vì tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.

Theo quy định của pháp luật, Luyện gây án khi chưa đến tuổi thành niên (17 tuổi, 10 tháng, 6 ngày) nên tổng hợp các hình phạt là 18 năm tù.

Hội đồng xét xử cho biết sẽ đề nghị cơ quan điều tra công an tỉnh Bắc Giang điều tra lại một số tình tiết mới phát sinh do luật sư bên gia đình bị hại cung cấp.

Trước khi tòa tuyên án, thân nhân phía bị hại đã đồng loạt đứng lên bỏ về.

Luật sư Phạm Văn Huỳnh - bảo vệ quyền lợi cho gia đình bị hại - cho biết ông không đồng tình với bản án phúc thẩm này. Ông sẽ cùng gia đình bị hại tiếp tục kháng nghị bản án lên Chánh án TAND tối cao.

Chiều nay 30-3, tại phiên tòa xét xử vụ giết người cướp tiệm vàng tại Bắc Giang, các bị cáo đã nói lời cuối cùng tại tòa. Lê Văn Luyện xin lỗi gia đình nạn nhân, xin giảm án cho các bị cáo khác.

Lê Văn Luyện xin lỗi gia đình nạn nhân, đề nghị tòa xem xét giảm án cho các bị cáo khác. Bị cáo Trương Thanh Hồng chia sẻ nỗi đau gia đình nạn nhân, xin xem xét giảm án. Bị cáo Lê Văn Miên xin lỗi gia đình bị hại vì con bị cáo gây án và khóc. Bị cáo Lê Thị Định xin giảm nhẹ cho bị cáo. Bị cáo Lê Thành Nghi xin giảm nhẹ về nhà nuôi con. Bị cáo Trương Văn Hợp "biết là phạm tội, xin khoan hồng, xin được hưởng án treo". Và bị cáo Dương Thị Lược xin được hưởng án treo.

Trước đó, buổi phúc thẩm xét xử vụ giết người cướp tiệm vàng tại Bắc Giang chiều được bắt đầu lúc 13g30 khi thiếu người đại diện cho gia đình chị Chín vì đã bị bắt giữ do quá khích.

Anh Đinh Văn Hương - đại diện chính thức cho gia đình chị Chín (mẹ bé Bích) - đã bị lực lượng chức năng bắt giữ cuối phiên xét xử buổi sáng vì đã có hành động quá khích với các bị cáo.

2g30, anh Hương đã được thả ra và dự tòa trở lại. Anh đề nghị trả hồ sơ, hủy bản án, điều tra lại.

Sáng 30-3, tại phiên tòa phúc thẩm xử vụ án giết người cướp tiệm vàng ở Bắc Giang, gia đình chủ tiệm vàng đã phẫn nộ, yêu cầu hủy bản án sơ thẩm điều tra lại từ đầu, bồi thường tất cả 1,2 tỉ đồng.

rYMf8xG6.jpgPhóng to
Anh trai chị Chín (Đinh Văn Hương) phản đối hội đồng xét xử - Ảnh: Hoàng Điệp
UwVvIfzZ.jpgPhóng to
Bố anh Ngọc giận dữ tại phiên tòa - Ảnh: Hoàng Điệp
VPebjcDi.jpgPhóng to
Người nhà của ba nạn nhân ở tiệm vàng Ngọc Bích mang theo di ảnh đến phiên tòa - Ảnh: Hoàng Điệp

Đại diện gia đình bị hại là anh Trịnh Văn Sinh (anh trai anh Ngọc) và anh Đinh Văn Hương (anh chị Chín) đã hỏi cơ quan điều tra những câu hỏi liên quan đến biên bản khám nghiệm hiện trường nhưng không có trong cáo trạng.

Theo lập luận của anh Đinh Văn Hương, một mình Lê Văn Luyện chưa đủ 18 tuổi, chưa học hết lớp 9, chưa có kinh nghiệm gây án mà thực hiện hành vi ma mãnh và rất tàn bạo. Điều này không chỉ gia đình bị hại mà cả xã hội bàng hoàng.

Ngoài ra theo lời khai của Bích khi sơ cứu tại bệnh viện đa khoa Bắc Giang, cháu thấy có hai người - một người to đậm và một người nhỏ và gầy. Luyện nhìn thấy cháu Bích cầm điện thoại, cho thấy điện quá sáng nên không thể có chuyện cháu Bích nhìn nhầm còn Luyện lại nhìn rõ?

Anh Hương cũng nói “em Chín có tâm sự có 100 cây vàng ta, đợt tăng giá này gia đình em thu lãi khoảng 2 tỉ, mỗi ngày buôn bán có thu tiền lãi vào túi”. Nhưng khi Công an phong tỏa, phải đến 4, 5 giờ gia đình mới được tiếp cận thì không thấy chiếc túi đâu, vậy túi ở đâu?

Khi công an thu giữ số vàng, tại sao không định lượng mà chỉ đếm nhẫn, vì một nửa chỉ cũng là một chiếc, 5 chỉ cũng là một chiếc?

Anh Hương khẳng định: khi niêm phong ghi biên bản 199 chiếc, nhưng trao trả thì là 223 chiếc nhẫn, vậy hơn 30 chiếc nhẫn ở đâu ra, có phải đây là việc làm thiếu nghiêm túc của cơ quan điều tra?

Ngoài ra, thẻ nhớ của hệ thống camera thu được, cơ quan điều tra kết luận không có hình ảnh cất giữ vàng, vậy đề nghị xin lại thẻ nhớ và hệ thống camera để xem lại.

Anh Trịnh Văn Sinh nêu ra những bất hợp lý trong biên bản khám nghiệm hiện trường nhưng không được thể hiện trong hồ sơ vụ án: bản cung lần trước, Luyện nhờ người mua dao, sao không thấy người đó? Luyện khai ngắt hệ thống cầu dao và đèn ngoài lại sáng, tại sao? Đồng thời, khi Luyện gây án xong, xuống đập tủ kính sao không có dấu máu ở tủ kính và dưới nền nhà trong khi trên tầng 2 và tầng 3 thì Luyện đi đâu thì máu rơi đến đó?

Bốn dấu vân tay trên tường giữa hai phòng khách cũng không có trong cáo trạng; cửa phòng ngủ Luyện gây án bị mở cũng không có trong biên bản; tầng 3, máy giặt trong lúc đó có quần áo, tại sao mất điện tại sao máy giặt lại có nước, điều này phi lý; tầng 3 nhà vệ sinh có mẩu thuốc lá và vé xe buýt; 3 nhà vệ sinh đầy máu, Luyện rửa ở tầng 3, vậy tầng 1, 2 ai rửa? Đề nghị hủy bản án sơ thẩm, Luyện thực nghiệm lại hiện trường và có sự chứng kiến của gia đình và luật sư.

Tại phiên tòa, Viện kiểm sát đề nghị bác kháng cáo của các bị cáo xin hưởng án treo, đồng thời xem xét mức bồi thường thiệt hại cho gia đình nạn nhân. Tòa tạm nghỉ lúc 11g50 phút, Lê Văn Luyện được đưa ra ngoài cùng các bị cáo trong sự bảo vệ của lực lượng bảo vệ, trong khi gia đình nạn nhân đuổi theo đòi "lấy mạng" Luyện.

Buổi chiều, phiên tòa bước vào phần tranh tụng với ý kiến của các luật sư bào chữa cho các bị cáo. Trước khi đọc lời bào chữa, các luật sư đều gửi lời chia buồn sâu sắc đến gia đình nạn nhân và hiểu sự bức xúc của các thân nhân đối với hành vi man rợ của bị cáo Luyện. Tuy nhiên, khi các luật sư bị cáo đọc bản bào chữa thì thân nhân người bị hại đã la ó ầm ĩ tại phiên tòa.

Luật sư Phạm Văn Huỳnh - bảo vệ quyền lợi cho gia đình bị hại - bác yêu cầu được giảm án của các bị cáo Trương Thanh Hồng, Lê Thị Định, Lê Thành Nghi, Trương Văn Hợp, Dương Thị Lược bởi tòa sơ thẩm đã không phân tách rạch ròi ra hành vi che giấu tội giết người hay cướp tài sản mà chỉ là hành vi che giấu tội phạm là không thỏa đáng.

Luyện khai trước tòa là không đâm chị Chín nhưng biên bản khám nghiệm tử thi cho thấy chị Chín bị đâm 4 nhát bằng vật nhọn vào ngực, với vết sâu 6cm. Vậy ai đâm chị Chín, đây cũng là điều cần phải được làm rõ.

Việc cáo trạng trong phiên tòa sơ thẩm cho rằng có thể anh Ngọc đâm nhầm vào chị Chín là hoàn toàn vô lý. Đề nghị Hội đồng xét xử xem xét thêm tình tiết này và một số tình tiết khác: người chở Luyện đi mua dao, nhà nghỉ Luyện ngủ trước đêm gây án, biên bản khai viết tay của Luyện tại cửa khẩu Na Hình.

Luật sư Thanh - bảo vệ cho gia đình bị hại, cũng đưa thêm tình tiết Luyện đã khai tại tòa là trước khi gọi điện cho Trương Thanh Hồng, Luyện đã gọi điện thoại cho 2 hãng taxi đến đón nhưng không được thể hiện trong phiên xét xử trước. Luật sư lập luận: liệu có phải Luyện đã gọi cho đồng bọn nhưng do đồng bọn sợ nên không dám đến đón nên Luyện phải gọi điện cho Hồng? Tại sao cơ quan điều tra lại không điều tra chi tiết này?

Luật sư bên bị hại đề nghị hủy bản án sơ thẩm, điều tra lại.

Trước đó, đúng 8g, các bị cáo được dẫn giải vào phòng xét xử trong sự la ó và gào thét của gia đình bị hại. Ngay lập tức các bị cáo Luyện, Miên, Hồng được đưa ra phòng kiểm soát viên. Thân nhân của gia đình chủ tiệm vàng Ngọc Bích có mặt từ rất sớm, mang theo ảnh cháu Bích bị chém lìa bàn tay và di ảnh ba người trong gia đình tử nạn, đứng trước cổng tòa than khóc.

8g10. Hội đồng xét xử bắt đầu phần thẩm vấn nhân thân các bị cáo: Lê Văn Luyện, Lê Văn Miên (bố Luyện) Trương Thanh Hồng, Lê Thị Định, Lê Thành Nghi, Trương Văn Hợp và Dương Thị Lược.

Chủ tọa phiên tòa đọc bản cáo trạng và bắt đầu phần xét hỏi đối với Lê Văn Luyện. Lê Văn Luyện sau đó lạnh lùng kể lại các hành vi giết người của mình cho đến khi bị bắt ở cửa khẩu Na Hình và khẳng định với tòa chỉ một mình mình phạm tội và toàn bộ số vàng đã được cơ quan thu giữ, ngoài ra còn có một chiếc điện thoại.

Luật sư Phạm Văn Huỳnh bắt đầu phần thẩm vấn với các thông tin liên quan như: bản khai của Lê Văn Luyện tại đồn Na Hình, về số vàng bị cáo Luyện lấy sau đó bị cơ quan điều tra thu. Luật sư cũng nêu ra mâu thuẫn trong lời khai của bị cáo Luyện với cơ quan điều tra.

GJ0mk9oD.jpgPhóng to
Lê Văn Luyện tại tòa - Ảnh: Hoàng Điệp

Ngay trước giờ diễn ra phiên xử, luật sư Phạm Văn Huỳnh - trưởng Văn phòng luật sư Tâm Đức, một trong hai luật sư bảo vệ quyền lợi cho gia đình bị hại - cho Tuổi Trẻ biết với những tình tiết mới mà ông và các cộng sự thu thập được, ông hy vọng vụ án sẽ được điều tra bổ sung. Ông cũng bày tỏ hy vọng vào sự công minh, sáng suốt của những thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao (giữ quyền chủ tọa là Thẩm phán Nguyễn Đức Nhận).

Một số tình tiết mà luật sư Huỳnh cho rằng “rất mới” - đó chính là bản khai ban đầu của sát thủ Lê Văn Luyện khi hắn vừa được người chú dẫn ra đầu thú. Theo đó, trong biên bản viết tay này, Luyện khai thì trong lúc rình mò nhà anh Ngọc chị Chín hắn đã bị hàng xóm nhà anh Ngọc phát hiện nên gọi điện cho gia đình chủ tiệm vàng. Sau đó anh Ngọc đã bật điện khắp nhà để tìm kiếm… Tình tiết vô lý là ngay sau đó 3 phút, Luyện cạy cửa vào nhà chủ tiệm vàng nhưng cả hai vợ chồng đều không hay biết gì.

Một tình tiết khác mà luật sư bị hại cũng yêu cầu được làm rõ là bản cáo trạng có ghi Luyện “đi tuần” mấy vòng rồi mới ra tay hạ sát chủ tiệm vàng, và hắn dùng đèn pin để soi chỗ tắt camera, nếu đúng như vậy thì chiếc camera được đặt trong tầng 1 sẽ quét được hình ảnh. Nhưng đến nay, cơ quan điều tra vẫn thu giữ camera mà không ai biết trong đó có chứa nội dung gì.

Gia đình bị hại cũng đồng thời cho rằng họ đã nhiều lần yêu cầu cơ quan điều tra cung cấp nội dung của camera nhưng đến nay vẫn chưa được trả lời.

Đại diện gia đình bị hại ông Trịnh Văn Tín cho biết gia đình cũng nghi ngờ về số vàng mà cơ quan điều tra đã thu lại được, theo đó trong biên bản nhận là 199 chiếc (vòng, nhẫn…), nhưng khi trả lại là 204 chiếc. Luật sư Thanh (người bảo vệ quyền lợi cho gia đình bị hại) cho rằng: Việc đếm vàng theo đơn vị chiếc mà không cân đo, đong đếm là vi phạm nghiêm trọng về luật tố tụng Việt Nam, đây cũng là điều cần phải được làm sáng tỏ trong phiên phúc thẩm ngày hôm nay.

Trước đó, vào ngày 11-1, TAND tỉnh Bắc Giang đã tuyên phạt Lê Văn Luyện mức án 18 năm về tội giết người, 18 năm cho tội cướp tài sản, 9 tháng tù vì tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.

Ngoài Lê Văn Luyện, trong vụ án còn có các bị cáo Lê Văn Miên (bố Luyện) Trương Thanh Hồng, Lê Thị Định, Lê Thành Nghi, Trương Văn Hợp và Dương Thị Lược.

Tại phiên tòa sáng 30-3, chủ tọa phiên tòa hỏi Luyện:

- Bị cáo có thay đổi lời khai với cơ quan điều tra không?

- Không.

- Bị cáo cầm xe máy 5 triệu ăn tiêu hết đúng không?

- Đúng.

- Tại sao lại nảy sinh ý định giết người?

- Vì bị cáo cầm xe không có tiền chuộc.

- Trước khi phạm tội bị cáo đã bao giờ đến tiệm vàng?

- Chưa.

- Sao biết để phạm tội?

- Đi qua thấy đường vào dễ.

- Trước ngày 24, bị cáo có đến quan sát nhằm đột nhập không?

- Có, ngày 23, ban ngày.

- Ngày 23 đã có ý định đột nhập chưa?

- Rồi, nhưng có hàng bán bánh khuya quá nên không dám.

- Đã chuẩn bị hung khí gì?

- Dao phớ và một con dao nhọn, chiếc ba lô và đèn pin.

- Khi vào nhà, bị cáo đã thực hiện các hành vi đâm và chém anh Ngọc không?

- Có.

bItq1RXA.jpgPhóng to
Bị cáo Lê Văn Miên (bố Luyện) - Ảnh: Hoàng Điệp
3bWydjgy.jpgPhóng to
Bị cáo Trương Thanh Hồng - Ảnh: Hoàng Điệp
W9Rqz5te.jpgPhóng to
Toàn cảnh phiên tòa - Ảnh: Hoàng Điệp
HOÀNG ĐIỆP - NGUYỄN HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên