31/03/2010 08:26 GMT+7

Vụ phóng viên bị đánh: Hội Nhà báo phản đối kết luận điều tra

MINH QUANG - MINH LUẬN
MINH QUANG - MINH LUẬN

TT - Ngày 30-3, Hội Nhà báo VN và Hội Nhà báo TP.HCM đều có văn bản gửi thường trực Tỉnh ủy, thường trực UBND tỉnh Lạng Sơn đề nghị Tỉnh ủy, UBND, Công an tỉnh chỉ đạo xem xét lại kết quả điều tra, làm rõ bản chất vụ án phóng viên Trần Thế Dũng (báo Người Lao Động) bị hành hung, đưa ra truy tố trước pháp luật những đối tượng tham gia hành hung nhà báo.

alhSGdWW.jpgPhóng to

Nhà báo Trần Thế Dũng sau khi bị hành hung - Ảnh do báo Người Lao Động cung cấp

Hai nghi can phủ nhận hành hung nhà báoTriệu tập hai nghi phạm trong vụ hành hung nhà báoVụ nhà báo Trần Thế Dũng bị hành hung: Hội Nhà báo VN sẽ phản đối kết quả điều tra

Hội Nhà báo cũng đề nghị xử lý nghiêm minh bất cứ cán bộ, công chức nào có biểu hiện thiếu trách nhiệm hoặc bao che cho tội phạm. Văn bản của Hội Nhà báo VN do phó chủ tịch thường trực Lê Quốc Trung ký có nêu rõ: sau khi nghiên cứu thông báo kết quả điều tra vụ việc của Cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện Cao Lộc, Hội Nhà báo nhận thấy nhà báo Trần Thế Dũng bị hành hung do bị trả thù, có những dấu hiệu liên quan đến lý do công vụ của nhà báo.

Vì thế, nội dung thông báo kết quả điều tra chưa thể hiện rõ bản chất vụ việc; chưa làm rõ trách nhiệm của các đối tượng phạm tội, việc tiến hành xác định tỉ lệ thương tích của nạn nhân quá chậm trễ dẫn đến kết quả giám định chưa thuyết phục; cơ quan điều tra chỉ xác định được một đối tượng trong khi thông tin của nạn nhân và nhân chứng cung cấp thì có nhiều đối tượng tham gia hành hung; tính chất côn đồ, thách thức pháp luật của các đối tượng phạm pháp cũng chưa được làm rõ.

Hội Nhà báo VN khẳng định việc không khởi tố vụ án hình sự “đã gây phản ứng phẫn nộ trong dư luận báo chí và nhân dân cả nước”.

Trong khi đó, văn bản của Hội Nhà báo TP.HCM cũng bày tỏ quan điểm hoàn toàn phản đối bản thông báo kết luận điều tra của Công an huyện Cao Lộc về vụ nhà báo Trần Thế Dũng bị hành hung, đồng thời kiến nghị lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND và Công an tỉnh Lạng Sơn có biện pháp kịp thời chỉ đạo các cơ quan chức năng tiếp tục điều tra để đưa đối tượng phạm tội ra ánh sáng.

Công văn của Hội Nhà báo TP.HCM cho rằng vụ nhà báo Trần Thế Dũng bị hành hung, đánh đập dã man, gây thương tích trong lúc hành nghề tại khu Kéo Kham, thị trấn Đồng Đăng ngày 6-1, được báo chí phản ánh và xã hội lên án. Sự việc được Hội Nhà báo TP.HCM, Hội Nhà báo VN báo cáo và đề xuất với các cơ quan chức năng sớm điều tra làm rõ để xử lý những kẻ vi phạm pháp luật. Thủ tướng Chính phủ cũng chỉ đạo các cơ quan bảo vệ pháp luật nghiêm trị những kẻ hành hung nhà báo.

Mọi chứng cứ, hành vi đánh đập, hăm dọa, phương tiện, tên tuổi và đồng bọn của những đối tượng vi phạm pháp luật đã được nhà báo Trần Thế Dũng và các cơ quan chức năng thông tin, cung cấp ngay sau khi vụ việc xảy ra. Thế nhưng ngày 22-3, sau hai tháng rưỡi, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện Cao Lộc thông báo kết luận: “Không khởi tố vụ án hình sự đối với vụ cố ý gây thương tích phóng viên Trần Thế Dũng”, khiến dư luận hết sức bất bình.

* Ông Mai Ngọc Phước (phó tổng biên tập báo Pháp Luật TP.HCM):

Cơ quan điều tra cần đi đến cùng sự việc

skFkwVYy.jpgPhóng to
Ông Mai Ngọc Phước (phó tổng biên tập báo Pháp Luật TP.HCM)

Vụ việc nhà báo Trần Thế Dũng bị hành hung, theo tôi nghĩ, cần thiết phải xử lý nghiêm hơn để bảo vệ quyền tác nghiệp của nhà báo. Qua thông tin trên mặt báo, tôi nhận thấy vụ việc này không phải chỉ căn cứ vào tỉ lệ thương tật để xử lý hình sự hay không xử lý hình sự, mà cần phải tập trung vào hành vi, thái độ côn đồ hung hãn của nhóm người đã tấn công anh Dũng.

Việc tấn công anh Dũng không phải là sự bộc phát của một người mà là của một nhóm người và có dấu hiệu tổ chức hẳn hoi. Hành vi đó đáng lên án và đáng phải xử lý nghiêm theo pháp luật. Hội Nhà báo TP.HCM, Hội Nhà báo VN... cần có tiếng nói mạnh mẽ hơn để các cơ quan chức năng xác minh điều tra trở lại và đi đến cùng sự việc.

MINH LUẬN ghi

* Thượng tá Nguyễn Trung Thực (trưởng Công an huyện Cao Lộc):

Chưa thể xử lý hình sự

Trưởng Công an huyện Cao Lộc, thượng tá Nguyễn Trung Thực khẳng định cơ quan điều tra đã làm hết trách nhiệm của mình. Theo ông Thực, có nhiều cơ sở để cơ quan điều tra không khởi tố vụ án như việc các lời khai ban đầu của anh Dũng và lời khai sau này không thống nhất về số người đánh.

Ông Thực nói lúc đầu khai có 20-30 người đánh nhưng sau đó nói chỉ có sáu người nên không đúng. Về trường hợp một người có tên là Dương Văn Cầm, người bị anh Dũng xác định chỉ đạo đánh mình, ông Thực cho biết đã triệu tập, thẩm vấn nhưng người này có chứng cứ ngoại phạm, có nhiều người khai thấy Dương Văn Cầm ở nhà nên không thể khẳng định việc đây là người tham gia đánh anh Dũng.

Thượng tá Thực cũng cho biết khi nhận diện qua ảnh, anh Dũng không xác định được chính xác về Dương Văn Cầm. Đối với các cuộc điện thoại mà Phan Bình An (người bị xác định hành hung anh Dũng) gọi đi, ông Thực cũng khẳng định đã rút danh sách điều tra nhưng không giải quyết được gì liên quan đến vụ án.

Ông Thực còn nói tại cuộc đối chất giữa anh Dũng và Phan Bình An vào ngày 4-3-2010, Phan Bình An cũng thừa nhận có người khác tham gia đánh anh Dũng nhưng cơ quan điều tra không làm rõ được.

“Cái đám tham gia đánh là cửu vạn nên xác định danh tính cực kỳ khó khăn... Nếu anh Dũng là sĩ quan của Công an huyện Cao Lộc thì chúng tôi cũng không khởi tố được” - ông Thực giải thích. Vì thế, cơ quan điều tra chỉ xác định Phan Bình An “có đánh nhà báo Trần Thế Dũng một phát” nên chỉ xử lý hành chính.

Nhận định về vụ việc, ông Thực cho rằng đây là vụ việc nghiêm trọng xảy ra trên địa bàn nhưng chưa thể xử lý hình sự. Về việc giám định pháp y thương tích sau một tháng, thượng tá Thực khẳng định cơ quan công an làm đúng quy định của pháp luật.

M.QUANG

* Ông Lý Văn Tài (viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân huyện Cao Lộc):

Hồ sơ chưa chuyển sang Viện kiểm sát

Ông Lý Văn Tài, viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân huyện Cao Lộc, cho biết cơ quan điều tra sẽ chuyển hồ sơ sang viện để nghiên cứu, xem xét việc ra quyết định không khởi tố vụ án hình sự có đúng hay không. Nếu đúng, viện sẽ có công văn trả lời cơ quan điều tra, nếu sai sẽ yêu cầu điều tra bổ sung, làm rõ.

Ông Tài khẳng định do chưa khởi tố vụ án hình sự nên cơ quan điều tra chưa mời viện vào thực hiện quyền kiểm sát điều tra vụ án. Do đó, Viện Kiểm sát nhân dân huyện Cao Lộc phải xem xét hồ sơ của cơ quan điều tra mới có kết luận cụ thể. Về kết quả giám định, ông Tài cho rằng anh Dũng có quyền yêu cầu cơ quan khác giám định.

Trong khi đó, thượng tá Nguyễn Trung Thực khẳng định: “Viện kiểm sát có tham gia từ đầu, mỗi cuộc họp chúng tôi đều mời viện trưởng, viện phó Viện kiểm sát, kiểm sát viên sang họp bàn, đánh giá từng căn cứ. Viện kiểm sát phải đồng tình thì cơ quan điều tra mới không khởi tố vụ án”. Ông Thực khẳng định trước khi quyết định không khởi tố vụ án hình sự, hai ngành đã họp bàn, đánh giá chứng cứ, thống nhất rồi cơ quan điều tra mới có kết luận.

M.Q

MINH QUANG - MINH LUẬN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên