30/12/2011 18:56 GMT+7

2011: năm thiên tai khắc nghiệt nhất

TẤN KHOA (Theo Reuters, Guardian)
TẤN KHOA (Theo Reuters, Guardian)

TTO - Những cơn lũ quét qua nhiều quốc gia, những trận bão tuyết và lốc xoáy lớn, hạn hán trầm trọng gây ra nạn đói… đánh dấu năm 2011 tiếp tục phá kỷ lục về thiên tai.

Các cơ quan dự báo khí tượng và những công ty bảo hiểm dự đoán thế giới trong năm 2012 sẽ còn chịu nhiều đợt khí hậu khắc nghiệt gây thiệt hại nặng nề hơn.

kp1WxShJ.jpgPhóng to
Cảnh hoang tàn tại Nhật Bản sau thảm họa kép ngày 11-3 - Ảnh: MSNBC

Theo Công ty tái bảo hiểm Munich Re (Đức) lớn nhất thế giới, thiên tai đã khiến toàn cầu thiệt hại 310 tỉ USD trong chín tháng đầu năm 2011, với 80% tổn thất thuộc về khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Kể từ năm 1980, các thiên tai do thời tiết đã tăng gấp ba lần.

Động đất để lại nhiều thương vong

Năm 2011 đã xảy ra động đất nhiều bất thường. Chỉ trong hai tháng đầu năm đã xảy ra động đất ở các nước Argentina, Chile, Iran, Pakistan, Tajikistan, Tonga, Myanmar, New Zealand… Nhưng kinh hoàng nhất chính là cơn động đất 9 độ Richter cùng sóng thần ở Nhật Bản ngày 11-3 khiến 15.500 người thiệt mạng, gây ra thảm họa hạt nhân lớn thứ hai trong lịch sử.

Những ngọn sóng có chiều cao tới gần 40m đổ vào bờ biển Nhật Bản rất nhanh ngay sau khi động đất diễn ra khiến người dân không đối phó kịp trước thiên tai kép. Sóng thần rút đi để lại những cảnh tượng hoang tàn, nhà cửa bị phá hủy hoàn toàn, ôtô bị cuốn trôi. Ngoài số người thiệt mạng khủng khiếp trên, gần 6.000 người bị thương và khoảng 3.500 người mất tích. Hàng triệu người bị lâm vào cảnh không nhà, phải sống trong các trại trú nạn.

Đây là trận động đất tồi tệ nhất tại Nhật Bản kể từ trận động đất Kano năm 1923. Tổng thiệt hại được công bố cuối năm về hao hụt sản xuất và các tổn thất vật lý là 210 tỉ USD.

Động đất còn gây ra sự cố ở Nhà máy điện hạt nhân Fukushima số 1, khi những lò phản ứng bị nổ hơi nước khiến phóng xạ phát tán ra không khí. Chính phủ Nhật Bản đã phải sử dụng trực thăng hút nước biển để làm mát các lò phản ứng. Tất cả những người sống trong khu vực lân cận buộc phải sơ tán. Nhìn từ thảm họa hạt nhân này, các nước châu Âu đã kiên quyết quay lưng lại với chương trình hạt nhân của mình.

Những trận động đất thu hút sự chú ý trong năm 2011 như trận động đất ở tỉnh Vân Nam, Trung Quốc vào ngày 10-3. Mặc dù chỉ có cường độ 5,4 độ Richter nhưng đã có ít nhất 25 người chết và 250 người bị thương, 127.000 người phải sơ tán.

Trận động đất ở thành phố Christchurch, New Zealand có cường độ 6,3 độ Richter xảy ra cuối tháng 2 năm nay đã gây nhiều thiệt hại về nhân mạng và tài sản. Ít nhất 65 người thiệt mạng. Thủ tướng New Zealand John Key đã gọi ngày 22-2 là "ngày đen tối nhất của New Zealand".

Nhiệt độ không ngừng tăng

Cơ quan khí tượng của Liên Hiệp Quốc (WMO) cho biết năm 2011 tiếp tục là năm nóng kỷ lục, có nhiệt độ toàn cầu cao thứ 10 so với mức kỷ lục và cao hơn bất kỳ năm nào trong quá khứ có diễn ra hiện tượng La Nina. Theo WMO, 13 năm ấm nhất đều diễn ra trong vòng 15 năm kể từ năm 1997.

LxT3enTt.jpgPhóng to
Cuộc sống của gấu Bắc cực bị ảnh hưởng khi biển băng ngày càng thu hẹp - Ảnh: Reuters

Nồng độ CO2 đo được tại đài quan sát Mauna Loa ở Hawaii đạt đỉnh điểm ở mức 394ppm hồi tháng 5, và bây giờ đang trên mức 39% từ khi kỷ nguyên công nghiệp bắt đầu, gần tới mức mà các nhà khoa học cho rằng không thể kiểm soát được sự nóng lên toàn cầu nữa.

Tháng 9-2011, Đại học Bremen của Đức dựa trên dữ liệu từ bộ cảm biến gắn trên vệ tinh Aqua của NASA công bố báo cáo biển băng Bắc cực đang thu hẹp và đạt mức rất thấp. WMO xác nhận kích thước biển băng Bắc cực giảm xuống mức thứ hai kế cận mức kỷ lục, còn thể tích băng là thấp nhất.

Chuyên viên Christophe Kinnard từ trung tâm nghiên cứu vùng khô cằn ở La Serena (Chile) nói rằng sự suy giảm liên tục và ngày càng lớn về độ dày và diện che phủ của băng “diễn ra với tốc độ chưa từng có trong vòng 1.450 năm qua. Tất cả mọi thứ đều có xu hướng tăng: nhiệt độ bề mặt, khí quyển, đại dương dường như đang ấm lên. Nhiều luồng nước ấm và nước mặn đang đổ về biển băng Bắc cực. Biển băng xói mòn từ bên dưới và tan chảy từ phía trên”.

Thời tiết bất thường khắp thế giới

Nếu Đông Âu, Nga, Pakistan và Trung Đông là những vùng hứng chịu thời tiết khắc nghiệt trong năm 2011, thì đã chuyển sang cho Bắc Mỹ trong năm 2011. Châu lục này chứng kiến những đợt lũ khổng lồ, điển hình tại bang Mississippi và bang Missouri. Nhiều trận cháy rừng và hạn hán xảy ra ở các bang miền nam.

Cx16CDkK.jpgPhóng to
Người đàn ông trước khung cảnh hoang tàn tại thành phố Joplin, bang Missouri, Mỹ sau khi một trận lốc xoáy lớn đổ bộ vào tháng 5 - Ảnh: Reuters

Theo hội đồng bảo vệ tài nguyên, mỗi tháng có hơn 2.941 báo cáo thời tiết cực nóng và cực lạnh trên hơn 50 bang của nước Mỹ. Thành phố Austin, bang Texas ghi nhận kỷ lục 27 ngày liên tục có nhiệt độ trên 37,8 độ C. Khoảng thời gian nắng nóng đã kéo dài ba tháng. Theo cơ quan kiểm lâm Texas, hạn hán đã tiêu hủy 100-500 triệu cây rừng. Số liệu này chưa tính đến hàng loạt cây bị cháy khi “bà hỏa” thiêu đốt hơn 25.000ha rừng của bang này vào tháng 9.

Các chuyên gia Mỹ ví năm 2011 là “năm của các trận lốc xoáy”, điển hình có cơn lốc xoáy tại thành phố Joplin bang Missouri vào tháng 5 khiến hơn 160 người chết. Trong nửa đầu năm 2011, 43 cơn bão lớn đã tạo nên khoảng 1.600 cơn lốc ở miền trung, miền nam và miền đông nước Mỹ. Xét tổng thể, thiệt hại tài chính vì thiên tai trong năm qua của Mỹ là 50 tỉ USD.

U7FuEsfN.jpgPhóng to
Lũ lụt ở bang Brisbane, Úc vào đầu năm 2011. Nền kinh tế Úc đã sụt giảm 1,2% trong quý đầu năm nay sau trận lũ khiến hoạt động xuất khẩu than giảm mạnh - Ảnh: Reuters

Năm 2011 đánh dấu sự hoành hoành của các trận lũ. Bắt đầu bằng các cơn lũ quét tàn phá ở bờ biển đông Úc với vùng diện tích bị thiệt hại còn lớn hơn diện tích của Pháp và Đức cộng lại, và kết thúc bằng cơn bão nhiệt đới Washi đã cướp đi mạng sống của 1.500 người tại đảo Mindanao thuộc miền nam Philippines.

Những trận lũ tồi tệ nhất ở Thái Lan trong vòng nửa thế kỷ qua cũng khiến 730 người thiệt mạng, thiệt hại kinh tế 42 tỉ USD, hàng ngàn khu công nghiệp ngưng hoạt động do ngập nước gây gián đoạn việc sản xuất.

0uvMd5mc.jpgPhóng to
Rừng cây bị lửa thiêu trụi trong các trận cháy rừng ở bang Texas hồi tháng chín - Ảnh: AP

Đợt hạn hán gay gắt bắt đầu tại Trung Quốc từ năm 2010 tiếp tục diễn ra trong năm 2011 và là một trong những đợt hạn hán nặng nề nhất trong vòng 60 năm qua ở nước này. Hạn hán lan sang khu vực nghèo nhất thế giới, Sừng châu Phi, khiến 10 triệu người bị ảnh hưởng, hàng chục ngàn người và hàng triệu vật nuôi chết.

wg6lMS1X.jpgPhóng to
Trẻ em bị suy dinh dưỡng nặng tại lán trại dành cho người di cư ở Somalia. Phần lớn người dân khu vực Sừng châu Phi phải bỏ quê hương mà đi vì tình trạng hạn hán khắc nghiệt kéo dài dẫn đến nạn đói trầm trọng - Ảnh: AP

Dự báo năm 2012

Hiện tượng thời tiết La Nina đã xuất hiện trở lại ở khu vực Thái Bình Dương và sẽ tiếp diễn trong năm 2012. Theo các nhà dự báo thời tiết, nó sẽ mang lại lượng mưa trên mức trung bình ở miền bắc và đông Úc. Giai đoạn mùa bão ở Úc, từ tháng 11 đến tháng 4, sẽ có nhiều lốc xoáy hơn. Các hoạt động của La Nina cũng làm tăng cường mùa bão Đại Tây Dương.

Hiện tượng El Nino ở đông và trung Thái Bình Dương sẽ ảnh hưởng đến các mô hình gió có thể gây ra hạn hán ở Úc và ngăn chặn các cơn bão Đại Tây Dương. Mùa đông ở châu Âu và Mỹ dự đoán sẽ đỡ rét hơn. Phần lớn các lục địa châu Âu, vùng Bắc Âu và Anh sẽ có thời tiết ấm hơn bình thường vào giữa tháng 1 và tháng 3.

TẤN KHOA (Theo Reuters, Guardian)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên