17/06/2010 18:03 GMT+7

Việt Nam chưa có nhân lực về công nghệ điện hạt nhân

MINH QUANG thực hiện
MINH QUANG thực hiện

TTO - “Việt Nam chưa có nhân lực về công nghệ điện hạt nhân” - đó là khẳng định của tiến sĩ Ngô Đặng Nhân, cục trưởng Cục An toàn bức xạ và hạt nhân Bộ Khoa học và công nghệ, bên lề hội nghị quốc tế “Công nghệ và an toàn nhà máy điện hạt nhân” diễn ra hôm 17-6.

wAUuRqA1.jpgPhóng to
Tiến sĩ Ngô Đặng Nhân - cục trưởng Cục An toàn bức xạ và hạt nhân Bộ Khoa học và công nghệ

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nhân cho biết:

- Trên thực tế, VN mới chỉ có một số người học tập, nghiên cứu trong lĩnh vực khoa học về hạt nhân, còn người làm về công nghệ điện hạt nhân thì chưa. Chúng ta thiếu cán bộ lĩnh vực này trầm trọng, do đó phải chuẩn bị đào tạo theo cả ba hướng.

Thứ nhất, đào tạo người để vận hành nhà máy. Lĩnh vực này chỉ cần thực hiện khoảng 2 năm trước khi vận hành nhà máy. Thứ hai, đào tạo chuyên gia cho việc nội địa hóa, chuyển giao công nghệ và vận hành hệ thống, nhà máy có hiểu biết, nắm được các sự cố khi xảy ra và khắc phục sự cố. Những chuyên gia này phải mất khoảng 10 năm đào tạo. Thứ ba là đào tạo đội ngũ chuyên gia pháp quy hạt nhân để nắm và chỉ ra các vấn đề về an toàn hạt nhân. Đội ngũ này cần phải được đào tạo trước hết.

Hiện chúng tôi đang tìm mọi kênh để đào tạo cho cán bộ pháp quy hạt nhân, đã cử cán bộ sang Mỹ, Nga học hỏi dù việc này lẽ ra phải làm từ 5-7 năm trước.

* Thời gian qua, nhiều quốc gia trên thế giới có sự cố về nhà máy điện hạt nhân. Vậy vấn đề an toàn của Việt Nam được đặt ra thế nào?

- Hiện công nghệ điện hạt nhân đã đạt đến trình độ an toàn rất cao nhưng vẫn còn những tiềm ẩn mất an toàn, chủ yếu do còn người không được đào tạo, làm việc không đúng quy trình. Do đó, phải tận dụng những ưu thế của công nghệ và đào tạo đội ngũ con người có thể sử dụng những thiết bị trong quá trình tác nghiệp. Phải xây dựng văn hóa an toàn cho người sử dụng gắn với hệ thống pháp luật Nhà nước.

Vấn đề quan trọng nhất là phải thanh tra, kiểm tra thường xuyên, chặt chẽ để đảm bảo chất lượng công việc, đúng quy trình.

Tôi trở lại vấn đề nhân lực pháp quy hạt nhân, dù chậm nhưng chưa muộn để đào tạo đội ngũ hiểu biết đầy đủ để thẩm định, giám sát các hoạt động xây dựng, chọn địa điểm, thi công, lắp ráp nhà máy điện hạt nhân...

Những việc khác hỏng thì làm lại được, việc này hỏng có thể gây thảm họa. Nếu rò rỉ phóng xạ, sự cố có thể biến khu vực đó thành vùng đất chết, ảnh hưởng tới nhiều thế hệ con người và số tiền rất lớn đầu tư vào đó coi như uổng phí.

* Được biết, công nghệ sử dụng lò nước nhẹ thế hệ thứ 3 là công nghệ mới và chưa nước nào thực hiện cho tới thời điểm này, liệu Việt Nam có phải là nơi để thử nghiệm?

- Về công nghệ sử dụng cho nhà máy điện hạt nhân tại Ninh Thuận, chúng ta sử dụng công nghệ hiện đại, đáng tin cậy của Nga, được đánh giá cao về độ an toàn. Do đó, vấn đề công nghệ không đáng lo ngại bằng an toàn trong quản lý và vận hành, về con người.

* Đối với nhà máy điện hạt nhân, việc xử lý các chất thải phóng xạ được thực hiện như thế nào?

- Chúng ta đã có kế hoạch rất an toàn về vấn đề này. Nếu nhà máy vận hành an toàn thì môi trường nơi nhà máy điện hạt nhân hoạt động hoàn toàn bình thường, không bị ảnh hưởng phóng xạ.

Về xử lý những thanh nhiên liệu đã cháy thì đây là vấn đề quốc tế chứ không chỉ của Việt Nam. Nga sẽ là nơi có thể giúp Việt Nam và họ cam kết xử lý cho chúng ta khi vận hành nhà máy đầu tiên.

* Thế giới hiện nay đang tập trung vào phát triển công nghệ xanh, sạch như sức gió, thủy triều... Việc Việt Nam tiếp cận vào công nghệ hạt nhân như thế này có phải bước đi lỗi thời?

- Đây là vấn đề lịch sử cần có sự trao đổi. Thời điểm này thủy điện không còn quan trọng như trước mà là những công nghệ mới. Đã có nhiều ý kiến phản đối xây dựng nhà máy điện hạt nhân nhưng thế giới hiện nay đều đang quay lại với điện hạt nhân như Nhật, Hàn Quốc, Trung Quốc.

Có thể thấy chúng ta vào cuộc tương đối nhanh và sẽ sớm mang lại hiệu quả.

****************************** Tin bài liên quan

Nhà máy điện hạt nhân đến, dân chưa an tâm dời điDự án Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận và thủy điện Lai Châu: yếu tố an toàn trên hếtKỳ 1: Lựa chọn công nghệKỳ 2: Phải đảm bảo an toànKỳ 3: Chuyện từ phòng thí nghiệm Xô viếtKỳ4: Trăn trở Vĩnh Trường - Thái AnKỳ cuối: Người dân phải cùng giám sát

MINH QUANG thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên